Bài học từ Cách mạng Tháng Mười

Cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 do Đảng của giai cấp vô sản Nga lãnh đạo, đưa tới sự ra đời một kiểu Nhà nước mới - Nhà nước XHCN đầu tiên trong lịch sử chính trị-pháp lý của nhân loại. Nhà nước ấy - Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô) - chỉ tồn tại 74 năm (1917-1991); nhưng những bài học về Đảng cộng sản lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giành chính quyền và xây dựng chính quyền; về vấn đề quản lý nhà nước, quản lý xã hội... khi Đảng Cộng sản đã trở thành đảng cầm quyền thì sẽ trường tồn trong lộ trình phát triển của nhân loại cần lao.

Bài viết nhỏ này không đề cập những bài học lớn lao về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (B) Nga trong khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, bởi trong nhiều thập kỷ qua đã có quá nhiều công trình nghiên cứu sâu được công bố. Những bài học đó là vô giá. Nó đã giúp rất nhiều cho Đảng ta trong lãnh đạo giành chính quyền năm 1945 và lãnh đạo các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, ghi dấu son chói lọi trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

VI.Lênin từng nói sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công rằng, những người cộng sản đã giành được nước Nga từ trong tay bọn bóc lột; nhiệm vụ trực tiếp và cấp bách của cuộc cách mạng “là một nhiệm vụ dân chủ tư sản: xóa bỏ những tàn dư của thời trung cổ, vĩnh viễn tiêu diệt những tàn dư ấy, quét sạch khỏi nước Nga cái hiện tượng dã man, cái ô nhục ấy, cái đã hết sức kìm hãm mọi văn hóa, mọi tiến bộ trong đất nước ta”(1). Nhưng để cảnh báo những người cộng sản không được vì thắng lợi vĩ đại ấy mà sinh ra kiêu căng, tự phụ, không được quên rằng đó mới chỉ là thắng lợi đầu tiên trên con đường vạn dặm; trước mắt đang là những chướng ngại không dễ vượt qua, là con đường dài đầy chông gai: “Thắng lợi đầu tiên đó chưa phải là một thắng lợi cuối cùng(2).

VI.Lênin là một nhà chính trị thông minh và dũng cảm trong số những nhà chính trị thông minh và dũng cảm nhất của mọi thời đại, theo tôi, là ở chỗ ông thành thật và nhanh chóng nhận ra sai lầm, khuyết điểm của chính mình, dám phủ định cái lạc hậu của chính mình và quyết tâm sửa chữa, quyết tâm đổi mới để tiến lên. Ông là nhà canh tân vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của CNXH: công khai, thẳng thắn chỉ ra rằng nhiệm vụ cuối cùng, quan trọng nhất và khó khăn nhất của cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới, ấy là xây dựng một chế độ dân chủ “triệu lần hơn” chế độ dân chủ tư sản trên nền tảng kinh tế phát triển cao. Ông viết: “Chính ở chỗ này, ở chỗ làm nhiệm vụ quan trọng nhất và khó khăn nhất này, mà chúng ta đã gặp nhiều thất bại nhất và mắc nhiều sai lầm nhất”(3). Sai lầm dẫn đến thất bại là sau khi giành được chính quyền, Đảng lầm tưởng đây đã là “trận chiến đấu cuối cùng” nên không có quyết sách đúng, không đề ra được những bước đi mềm dẻo, thích hợp mà đã nôn nóng muốn tiến ngay lên chủ nghĩa cộng sản với những phương pháp cách mạng đã lỗi thời, thậm chí mắc phải “những điều ngu xuẩn”. Ông đã chỉ ra rằng bước vào thời kỳ hậu chiến, bắt tay xây dựng “tòa nhà xã hội chủ nghĩa” thì “Cần cố gắng làm sao để mắc thật ít những điều ngu xuẩn, và sửa chữa hết sức nhanh chóng những điều ngu xuẩn đã mắc phải”(4) bằng cách nhận định hết sức tỉnh táo tình hình cụ thể và đưa ra được những phương pháp cách mạng thích hợp. Lênin đã kiên trì và kiên quyết đấu tranh làm cho những người cộng sản Nga hiểu rằng Đảng Cộng sản đã thuyết phục được nước Nga, đã giành được nước Nga từ tay bọn bóc lột, vấn đề bây giờ là phải chấn chỉnh lại đội ngũ, phải kiên nhẫn học tập để quản lý nước Nga và xây dựng nước Nga. Chính vì thế di sản đồ sộ mà Người để lại cho hậu thế là những bài học lớn. Sự tan rã của hệ thống XHCN ở cuối thế kỷ XX và những sai lầm, khuyết điểm của Đảng ta trong lãnh đạo xây dựng CNXH sau khi thống nhất đất nước (1975), mà Nghị quyết Đại hội VI đã chỉ ra, càng chứng tỏ: Cuộc cách mạng Nga tuy đã lùi xa nhưng bài học của nó thì vẫn còn nguyên giá trị.

1- Thay đổi đường lối và phương pháp cách mạng cũ bằng Chính sách kinh tế mới (NEP).

Đó là một phát kiến lớn về lý luận, mà theo Lênin, về hình thức thì ngay cả Mác, ở thời của Người, cũng chưa thể dự đoán được.

Sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã áp dụng chính sách thu mua lương thực và nguyên liệu thừa “trong hơn ba năm nay, cho đến mùa xuân 1921. Đó là biện pháp cách mạng, với ý nghĩa là trực tiếp và hoàn toàn đập tan chế độ cũ...”(5). Không thể duy trì mãi chế độ cộng sản thời chiến. “Từ đầu xuân 1921, chúng ta thay thế giải pháp đó, kế hoạch đó, phương pháp đó... bằng một phương pháp hoàn toàn khác... là: không đập tan cái cơ cấu kinh tế và xã hội cũ, thương nghiệp, tiểu nông, công nghiệp nhỏ, chủ nghĩa tư bản; mà chấn hưng thương nghiệp, công nghiệp nhỏ, chủ nghĩa tư bản, bằng cách cố gắng nắm vững những cái đó một cách thận trọng và từng bước, hoặc bằng cách nhà nước điều tiết những cái đó... Đây là một giải pháp hoàn toàn khác”(6). Theo Lênin, sau khi giành thắng lợi vĩ đại là đập tan chế độ cũ, thành lập nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới thì chớ nên kiêu ngạo mà phải xuất phát từ tình hình thực tế của nước Nga sau chiến tranh để tránh những bước đi ấu trĩ tả khuynh. “Đối với một người cách mạng chân chính thì mối nguy hiểm lớn nhất, thậm chí có thể là mối nguy hiểm duy nhất, là phóng đại tinh thần cách mạng, là quên mất những giới hạn và những điều kiện của một sự vận dụng có kết quả và thoả đáng những phương pháp cách mạng”(7). Trong khi hoạch định đường lối vào thời điểm vừa giành thắng lợi trong chiến tranh thì một sự tỉnh táo của lý trí là vô cùng quan trọng. Lời khuyên sau đây của Lênin có thể coi là bài học sâu sắc không bao giờ xưa cũ cho các nhà lãnh đạo của các đảng cộng sản trên toàn thế giới: “Chúng ta đừng để bị chi phối bởi cái “chủ nghĩa xã hội tình cảm”, hay bởi cái tâm trạng gia trưởng, kiểu Nga cổ, kiểu nửa lãnh chúa, nửa nông dân, coi khinh thương nghiệp một cách vô lý” mà phải phát huy dân chủ trong Đảng, dựa vào lý trí sáng suốt và sáng kiến của quần chúng mà hoạch định chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Người kêu gọi toàn Đảng: “Hãy bắt tay vào công tác thực tiễn và nghiêm chỉnh, và hãy chú ý đến đặc điểm và các nhiệm vụ của tình hình hiện tại! Chúng ta cần đến những hành động cụ thể, chứ không phải những lời nói suông”(8). Và Người đã chỉ rõ: “Ta có thể và ta cần biết sử dụng tất cả mọi hình thức kinh tế, quá độ, có thể có, vì đó là điều cần thiết để tăng cường mối liên hệ giữa nông dân và giai cấp vô sản, để phục hưng ngay nền kinh tế quốc dân trong một nước bị tàn phá và kiệt quệ, để khôi phục công nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những biện pháp mới, rộng rãi hơn và sâu sắc hơn, như điện khí hóa”(9).

Chính sách kinh tế mới (NEP) là biểu hiện một khía cạnh thiên tài của Lênin. Hồ Chí Minh là người thấu hiểu sâu sắc chính sách kinh tế mới của Lênin sớm nhất. Lịch sử đã ghi nhận tầm cao trí tuệ của Hồ Chí Minh khi Người khẳng định cần phải vận dụng NEP như là một nguyên tắc vào hoàn cảnh nước ta ngay từ lúc Người sáng lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (tháng 6-1925). Điều lệ của Hội đề cập đến Chương trình hành động đã ghi rõ “... thành lập Chính phủ nhân dân; áp dụng nguyên tắc “tân kinh tế chính sách””(10).

Sau khi làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam DCCH, tiếp ngay sau đó nước ta phải dốc sức vào tiến hành kháng chiến để bảo vệ chính quyền, đến năm 1953, khi cuộc kháng chiến đã bước vào giai đoạn chuẩn bị phản công để giải phóng đất nước, Hồ Chí Minh đã viết ngay cuốn “Thường thức chính trị” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 từ trang 201 đến trang 251). Mục 24 của cuốn sách đó đã chỉ rõ chính sách kinh tế của Đảng ta gồm: 1) Công tư đều lợi. Công là kinh tế quốc doanh “nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế thì phải trừng trị”. “ là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân”. 2) Chủ thợ đều lợi. 3) Công nông giúp nhau. 4) Lưu thông trong ngoài. “Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta”. Có thể nói trong kho tàng lý luận kinh điển Mác-xít về kinh tế và chính trị của thời kỳ quá độ lên CNXH thì sau “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của Lênin là “Thường thức chính trị” của Hồ Chí Minh. Rất tiếc, do nhiều lý do mà sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà (1975) thì phải hơn 10 năm sau ở Việt Nam chúng ta mới nhận thức và vận dụng có hiệu quả tư tưởng kinh tế chính trị của hai lãnh tụ thiên tài nói trên.

2- Thanh đảng

Xây dựng Đảng không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan, cũng không thể chỉ bằng vào những kinh nghiệm của thời kỳ Đảng lãnh đạo chiến tranh mà phải xuất phát từ tình hình kinh tế-xã hội đang biến chuyển theo quy luật tất yếu của nó. Về nguyên tắc, lãnh đạo bao giờ cũng phải tính đến hiệu quả và thành quả. Vì thế Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng trong tình hình mới phải nhận thức sâu sắc rằng “ngày nay những thành quả của cách mạng không thể nào giống với những thành quả trước kia nữa. Tất nhiên, những thành quả đó phải thay đổi tính chất vì mặt trận quân sự đã nhường chỗ cho mặt trận kinh tế, vì chúng ta đang chuyển sang chính sách kinh tế mới, vì những điều kiện đòi hỏi chúng ta, trước nhất, phải nâng cao năng suất lao động, phải tăng cường kỷ luật lao động. Trong một thời kỳ như thế, thành quả chính của cách mạng là ở việc cải thiện nội tại... tức là cải thiện lao động, cải thiện việc tổ chức lao động và kết quả lao động”(11). Theo Lênin, cải thiện cần phải hiểu theo nghĩa là đấu tranh khắc phục mọi sự trì trệ, bảo thủ, sự ngu dốt, xa rời quần chúng, quan liêu, tham nhũng, hám danh, cơ hội, gian manh, mọi biểu hiện của sự tha hóa đạo đức và lối sống làm ô danh Đảng... vì nó có thể dẫn tới “làm tan rã giai cấp vô sản và đảng”. Thanh đảng được coi là điều kiện tiên quyết để thực hiện chính sách kinh tế mới; nói cách khác ý nghĩa và thành quả của việc thực hiện thắng lợi chính sách kinh tế mới phụ thuộc vào kết quả của việc xây dựng đảng, làm cho Đảng đủ năng lực và uy tín để dẫn dắt quần chúng. Xây dựng Đảng phải làm tích cực, ráo riết, quyết liệt, phải bắt đầu từ việc thanh đảng. Lênin tuyên bố: “Cần phải đuổi ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược và những người men-sê-vích, tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới, nhưng trong tâm hồn thì vẫn là men-sê-vích”(12). Nhiều năm qua chúng ta vẫn xác định xây dựng đảng là then chốt, nhưng vấn đề là phải từ những việc cơ bản có tính nguyên tắc nào thì hình như chúng ta chưa có lời giải đáp rõ ràng, cụ thể được nhấn mạnh cả trong văn bản và nhất là trong hành động. May mắn thay, chúng ta tìm được ba điều mấu chốt rất đơn giản, đúng đắn, chắc chắn, rõ ràng như một công thức toán học, rút ra từ kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga do Lênin lãnh đạo. Ba điều mấu chốt đó là: 1) dựa chủ yếu vào chỉ dẫn của quần chúng lao động ngoài đảng; 2) thanh đảng từ lãnh đạo tối cao đến cơ sở; 3) không vì nể cá nhân.

Lênin khẳng định: “tiến hành công tác thanh đảng bằng cách dựa chủ yếu vào kinh nghiệm và lời chỉ dẫn của những công nhân ngoài đảng... bằng cách coi trọng ý kiến của những đại diện của quần chúng vô sản ngoài đảng. Đó là điều quý báu nhất, quan trọng nhất. Nếu chúng ta có thể thực sự tiến hành việc thanh đảng như thế, từ cấp lãnh đạo tối cao đến tận cơ sở, mà “không vì nể cá nhân”, thì đó sẽ là một thành quả thật sự to lớn của cách mạng... Thanh đảng bằng cách chú trọng đến những lời chỉ dẫn của những người lao động ngoài đảng là một việc lớn. Công việc đó sẽ mang lại cho chúng ta những kết quả đáng kể. Nó sẽ làm cho Đảng trở thành một đội tiên phong của giai cấp vô sản vững mạnh hơn trước nhiều; nó sẽ làm cho Đảng trở thành đội tiền phong có liên hệ vững chắc hơn với giai cấp ấy, có khả năng hơn để đưa giai cấp ấy đi đến thắng lợi, giữa vô vàn khó khăn và nguy hiểm(13) (TG nhấn mạnh).

Ở nước ta, ngay từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 18-1-1949, trong lần nói chuyện với hội nghị cán bộ của Đảng, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Muốn làm được những việc trên (lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc, chấn chỉnh bộ máy chính quyền và các đoàn thể... - TG chú), trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng... Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng”(14). Người còn nhấn mạnh phải đấu tranh tự phê bình và phê bình nghiêm túc từ trên xuống. Theo hiểu biết của chúng tôi, thì thuật ngữ chỉnh đốn nội bộ Đảng mà ngày nay ta gọi là chỉnh đốn Đảng, là bắt đầu từ hội nghị này (Hội nghị cán bộ lần thứ 6, tháng 1 năm 1949 do Hồ Chủ tịch khởi xướng). Tư tưởng trước hết phải chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn từ cấp lãnh đạo tối cao cho đến cơ sở là chỉ dẫn của Lênin và cũng là chủ trương nhất quán suốt đời của Hồ Chủ tịch. Đảng ta cần quán triệt, coi nó là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng đảng và phải tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, trong mọi thời kỳ. Trong bản Di chúc lịch sử, Người dặn: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(15).

  3- Chấn chỉnh tổ chức, nhân sự và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với các cơ quan chính quyền.

Thực hiện chính sách kinh tế mới thì một vấn đề cực kỳ quan trọng là phải chấn chỉnh bộ máy nhà nước, phải làm cho nó tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Đã qua rồi cái thời cứ nói mãi về canh tân, về đổi mới vì vấn đề bây giờ là thực hiện nó như thế nào chứ không cần “nói những lời rỗng tuếch, những lời ba hoa... chạy ngược, chạy xuôi tíu tít... cải tổ các cơ quan và lập ra các cơ quan mới”(16). Khi mà công việc quản lý nhà nước có nhiều bê trễ, tình trạng quan liêu, thói a dua chạy theo hình thức, xa hoa, lãng phí, không có kiểm kê, kiểm soát, không biết tính toán tiền nong cho kỹ lưỡng, tình trạng tham nhũng, ăn hối lộ lây lan như bệnh dịch thì không những không thực hiện được chính sách kinh tế mới vì mục tiêu tốt đẹp của CNXH mà còn làm cho những người lao động mất cảm hứng, mệt mỏi và họ sẽ chê trách, nhạo báng những người cộng sản. Lênin thẳng thắn nhận định: “Hiện nay, nông dân và công nhân sẽ cười, nếu người ta cứ ra lệnh cho họ thành lập, cải tổ cơ quan này hay cơ quan khác. Hiện nay người công nhân và nông dân bình thường sẽ không thiết tha đến việc đó nữa, và họ làm như thế là phải, vì trọng tâm không phải là ở đấy”(17). Mấu chốt vấn đề là ở chỗ quần chúng nhìn thấy rất rõ nhiều cán bộ không tương xứng với chức quyền, là ở chỗ tổ chức đã sai lầm trong công tác nhân sự, đặt người không đúng chỗ, là giao cho những người cộng sản không biết làm việc nhưng lại cản trở không cho quần chúng biết rõ sự thật vì đằng sau những người ấy “là cả một bọn ăn cắp và bọn con buôn lẩn lút rất tài”(18). Điểm căn bản, theo Lênin, là không có sự kiểm tra nghiêm túc và thường xuyên tình hình chấp hành, chứ không phải là ở chính trị theo nghĩa hẹp của từ này, không phải là câu chuyện huyên thuyên về chính trị, cũng không phải ở các nghị quyết, ở các công sở, ở việc cải tổ cơ quan... nếu cần thì vẫn làm nhưng căn bản và mấu chốt là “hãy chọn những người xứng đáng và phải kiểm tra việc chấp hành thực tiễn: làm như thế nhân dân sẽ tán thành. Vì trong quần chúng nhân dân, chúng ta chỉ tựa như một giọt nước trong đại dương, và chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được(19) (TG nhấn mạnh).

Tổ chức bộ máy và nhân sự của chính phủ ở nước Nga khi đó quá cồng kềnh và bất lực. Đọc báo cáo tình hình tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (B) Nga, Lênin chỉ rõ: Chính phủ Nga có 18 bộ thì ít nhất là 15 bộ quá kém, không thể tìm đâu ra một vị bộ trưởng tốt. Về các ban thuộc Hội đồng bộ trưởng thì nhiều vô hạn, trước đó có 120 ban, theo Lênin thì chỉ cần 16 thôi, Nhiều vị bộ trưởng không thấy trách nhiệm cá nhân mà chỉ ẩn nấp, du đẩy, “Đến thánh cũng không biết đâu mà lần trong các ban đó, không làm thế nào mà tìm ra được người chịu trách nhiệm cả; mọi cái đều rối tung và cuối cùng, người ta đưa ra một nghị quyết trong đó tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm”(20). Bài học này với chúng ta hẳn vẫn còn nguyên giá trị, ví như việc đổ vỡ của Vinashin vừa qua, chúng ta kết luận do nguyên nhân chủ quan, nhưng chủ quan là ai thì không rõ, cuối cùng chúng ta quy cho cơ chế chưa rành mạch, do “lỗi hệ thống”... (?!).

Vấn đề quan trọng nữa là về mặt thực tiễn mối quan hệ giữa các cơ quan xô-viết, các cơ quan cao cấp và thái độ của Đảng đối với các cơ quan đó. Lênin cho rằng đây là một vấn đề khó vì ở nước Nga chỉ có một đảng cầm quyền duy nhất đang lãnh đạo, và Người cũng thừa nhận: “Giữa đảng và các cơ quan xô-viết, hiện đã có những quan hệ không đúng... Đó cũng là lỗi lớn của tôi”(21). Người cho rằng cần phải sửa chữa, Bộ Chính trị nên tập trung vào công tác giáo dục chính trị, không nên ôm đồm, giải quyết công việc thay cho cơ quan nhà nước mà “phải chú ý nhiều hơn nữa đến kiểm tra tình hình chấp hành”(22), cần phải tập trung vào công tác giáo dục đảng viên và lựa chọn cán bộ vì “mấu chốt và thực chất của tình hình chính trị hiện nay: đặt trọng tâm vào việc lựa chọn người, vào việc kiểm tra sự chấp hành công tác thực tế”(23). Tại diễn đàn Đại hội XI của Đảng Cộng sản (B) Nga, tháng 3-1922, tức là Đảng chỉ mới cầm quyền được hơn 4 năm sau cuộc Cách mạng Tháng Mười, người đứng đầu Đảng đồng thời là chủ tịch Hội đồng bộ trưởng dân ủy đã dũng cảm, công khai và thẳng thắn tự chỉ trích rằng: “Cần phải thừa nhận, và không nên sợ phải thừa nhận rằng trong 100 trường hợp thì có đến 99 trường hợp là những người cộng sản phụ trách không được sử dụng đúng theo khả năng của họ; họ không biết tiến hành công việc của họ...”(24).

Thiết nghĩ, bài học nói trên không phải là điều xưa cũ mà nó vẫn đang còn nguyên giá trị thực tiễn cho Đảng ta để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước - một vấn đề đã từng được ghi vào Nghị quyết không dưới 5 kỳ Đại hội mà tới nay vẫn còn nhiều bộn bề chưa giải quyết được. Hãy học Lênin và Hồ Chí Minh, nhìn thẳng vào sự thật để hiểu được tâm trạng của nhân dân xem hiện nay công nhân, nông dân, trí thức... họ đang nghĩ gì về những yếu kém, trì trệ của cấp lãnh đạo, về không ít cán bộ đảng viên các cấp không được đặt đúng chỗ, về tác phong ngông nghênh, nói ba hoa sáo rỗng, “Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến”(25) hoặc hứa hão, hứa rồi lờ đi, nói không đi đôi với làm...

4- Chống ba kẻ thù chính.

Theo Lênin, thì bước vào thời kỳ mới, mỗi người, bất kể ai, làm việc gì, ở cương vị nào, nếu người đó là một đảng viên cộng sản thì đều đang đứng trước ba kẻ thù chính. Đó là:

 - Kẻ thù thứ nhất: Tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa

Theo Lênin, tính kiêu ngạo này thể hiện ở những người cộng sản đứng trong một đảng chấp chính duy nhất, đương nhiên các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống các cơ quan của Đảng, cơ quan công quyền hay các đơn vị kinh tế, sự nghiệp hầu hết đều do đảng viên nắm giữ; nếu họ chưa bị thanh trừ ra khỏi Đảng vì những tội lỗi mà họ gây ra, thì họ dễ lầm tưởng rằng chỉ bằng những mệnh lệnh, chỉ thị nhân danh Đảng cầm quyền, nhân danh chính quyền nhà nước, nhân danh thủ trưởng... do Đảng bố trí là có thể giải quyết được mọi vấn đề, từ đó mà nẩy sinh thói tự cao, tự đại, quan liêu. Họ nhân danh pháp quyền, lợi dụng pháp quyền, biến nhà nước pháp quyền thành pháp quyền cá nhân, đứng trên pháp luật để giải quyết công việc theo ý chủ quan, bất chấp quy luật khách quan, bất chấp tình hình thực tế và tâm trạng quần chúng. Giống như Lênin, khi nhà nước Việt Nam DCCH mới ra đời chưa đầy một năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã phê phán nghiêm khắc thói kiêu ngạo: “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”(26). Thói kiêu ngạo của một số không nhỏ cán bộ, công chức của ta hiện nay đã làm cho quần chúng xa rời họ, họ không nghe được tiếng nói nhận xét, đánh giá của quần chúng, thậm chí không ít nơi dân tình oán giận, khinh ghét, chỉ phục tùng trước mặt cho qua chuyện mà không biết, hoặc biết nhưng đành làm ngơ?

Gần đây những tin mới được loan ra như Hà Nội quyết định không làm cổng chào ở năm cửa ô, đề nghị Chính phủ giữ trung tâm chính trị-hành chính ở Ba Đình không di rời lên Ba Vì, không làm đường trục Hồ Tây-Ba Vì... là những dấu hiệu đáng mừng về thái độ cầu thị của những người lãnh đạo thành phố đối với những ý kiến đóng góp chân thành của giới trí thức và người dân... đã làm ấm lên tình cảm và lòng tin của nhân dân Hà Nội với cơ quan lãnh đạo, quản lý của mình. Hy vọng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và thành thói quen của các cơ quan công quyền biết lắng nghe và tin dân, được vậy thì mọi việc của đất nước dù khó khăn đến mấy cũng sẽ được giải quyết trôi chảy bởi “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

- Nạn dốt nát.

Năm 1921, Lênin nói chống kẻ thù thứ hai là nạn mù chữ tức là chống giặc dốt như Bác Hồ của chúng ta nói năm 1945. Cả hai lãnh tụ đều có cùng một nhãn quan chính trị. Ngay sau khi chính quyền mới vừa được thành lập, trình độ học vấn của cán bộ và nhân dân còn quá thấp (nước Nga khi ấy cũng giống nước ta năm 1945, đa số người dân đều không biết chữ). Chữ viết, học vấn không phải là chính trị nhưng nó lại là điều kiện mà nếu thiếu nó thì không thể nói đến chính trị. “Một người không biết chữ là người đứng ngoài chính trị”(27). Ngày nay, việc “chống nạn mù chữ”, “chống giặc dốt” không còn giống như thời điểm lịch sử đã qua nhưng tinh thần của bài học này vẫn còn nguyên giá trị: Kẻ thù của cách mạng là sự thấp kém về trí tuệ, là sự lạc hậu về lý luận, chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa học kỹ thuật, là sự bảo thủ trì trệ hoặc liều lĩnh chủ quan, hành động bất chấp quy luật khách quan. Dốt nát đã làm cho đói nghèo lạc hậu bám riết cuộc sống dân tộc ta kéo dài nhiều thế kỷ, và nó vẫn đang là trở lực lớn ngăn bước đường tiến lên trong đời sống thường nhật của tất cả mọi người.

Chỉ có thắng giặc dốt, vượt cao hơn chính mình, thâu thái được tri thức của nhân loại mới có những quyết sách đúng, mới nắm được kiến thức văn hóa tiên tiến của thế giới để đưa đất nước ta lên ngang tầm thời đại. Bác Hồ đã từng nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu hèn. Sự thông thái của một dân tộc là sức mạnh nội sinh của dân tộc ấy, là trí khôn của dân tộc ấy. Đài vinh quang của mỗi dân tộc được xây lên cao thấp thế nào hoàn toàn là do chính dân tộc đó biết khiêm nhường học tập, gắng gỏi luyện rèn mà có.

Đầu thế kỷ XX, Lênin tuyên chiến với nạn mù chữ, nước Nga lạc hậu đến giữa thế kỷ đã trở thành một trong số những nước đứng hàng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật.

Giữa thế kỷ XX, Hồ Chí Minh kêu gọi diệt giặc dốt, nước Việt Nam từ bùn đen đứng dậy, đầu thế kỷ XXI đã có một nền văn hóa-giáo dục đạt những thành tựu đáng tự hào

- Nạn hối lộ.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Lênin đã nghiêm khắc chỉ rõ: “Nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được... vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và thịnh hành. Trong những điều kiện đó, không thể làm được một thứ chính trị nào hết...(28).

Lời dạy này chắc rất có ích cho Đảng ta trong quá trình chuẩn bị để tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. 

——————————

(1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 28): VI. Lênin toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, t.44, tr.179, 187. 188, 277, 275, 276, 131, 282, 218. (10):  Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Thông tin-Lý luận, H.1992, tr.257. (11, 12, 13): Lênin toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, t.44, tr.151, 154, 152. (14, 25): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, t.5, tr.551, 552, 303. (15). Sđd, t.12, tr.503. (16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 27): VI. Lênin toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, t.45, tr.132, 133, 134, 138, 136, 137, 139, 218. (26) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, t.4, tr.57, 58.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất