Xiêng Hon là một trong 47 huyện nghèo nhất cả nước, trước đây Xiêng Hon là một trong bốn huyện trực thuộc đặc khu Xiêng Hon-Hổng Xả, nằm ở phía bắc của tỉnh Xaynhabuli, cách thị xã khoảng 190 km, có biên giới giáp với Thái Lan dài 65 km, với diện tích là 1.285 km2, miền núi chiếm 80%, gồm 42 bản, tổ chức thành 4 cụm bản. Huyện có số dân 30.239 người, trong đó phụ nữ chiếm 15.089 người, có 6 bộ tộc, trong đó bộ tộc Kh’mú chiếm 32%, Lự 28%, Duôn 22%, H’mông 11%; số còn lại là Lào Lùm và Play.
Xiêng Hon là huyện có diện tích tương đối rộng, phù hợp cho việc trồng các loại hoa màu, cây công nghiệp và nuôi các loại gia súc, gia cầm; nhân dân các bộ tộc trong huyện siêng năng, cần cù, có truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái, yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất.
Thời kỳ đấu tranh cứu nước, Xiêng Hon được gọi là “Huyện 35” đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Uđômxay, là căn cứ địa cách mạng. Nhân dân các bộ tộc trong huyện đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, bảo vệ quê hương, bản làng, hằng trăm con em đồng bào các dân tộc trong huyện đã tình nguyện gia nhập bộ đội chiến đấu, góp phần vào công cuộc đấu tranh cứu nước, bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, huyện Xiêng Hon được chuyển giao cho tỉnh Xaynhabuli vào cuối năm 1970 cùng với 3 tỉnh phía bắc thuộc tỉnh Uđômxay thời kỳ chiến tranh là huyện Mương Khọp, Hổng Xả và Mương Ngân. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy, nhân dân các bộ tộc trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết chung sức, chung lòng, ra sức bảo vệ và phát triển huyện ngày càng phồn vinh, tiến bộ, sánh ngang với các huyện khác trong tỉnh cũng như toàn quốc, nhất là từ sau khi có các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước về phát triển nông thôn, chấm dứt việc chặt phá rừng để làm nương rẫy, xóa bỏ việc trồng cây thuốc phiện, xóa đói giảm nghèo.
Đặc biệt, từ khi có nghị quyết 51/BCT về chuyển hướng xuống cơ sở, Chỉ thị 09/BCT và Chỉ thị 13/TTg về xây dựng bản và cụm bản phát triển, Ban chấp hành Đảng bộ Xiêng Hon đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết và chủ trương đó thành chương trình, kế hoạch, lãnh đạo tổ chức thực hiện. Huyện đã tiến hành lựa chọn cán bộ, học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp đại học, trung cấp đưa vào các lớp tập huấn, sau đó xuống chỉ đạo ở từng bản. Đồng thời, dựa vào các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, mặt trận, thanh niên, phụ nữ và các tổ chức khác trong bản hướng dẫn, lãnh đạo nhân dân làm cụ thể. Công việc bắt đầu bằng giáo dục, tuyên truyền, động viên và bàn bạc xây dựng chương trình, kế hoạch của từng gia đình và kế hoạch phát triển từng mặt của bản, dựa trên cơ sở đặc điểm, điều kiện, thế mạnh của từng gia đình cũng như từng mặt của bản. Việc xây dựng kế hoạch của từng gia đình, của từng bản và cụm bản dựa trên cơ sở các dự án mà tỉnh và huyện có, như: dự án tổ chức các khu vực định cư, dự án phân chia đất sản xuất, dự án sản xuất hàng hóa, dự án chấm dứt chặt phá nương rẫy trồng lúa, dự án xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, dự án phát triển nguồn nhân lực và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Tất cả đều nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu làm cho Xiêng Hon từng bước thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Từ đó, phát động phong trào thi đua ở từng bản, từng gia đình phấn đấu thực hiện khẩu hiệu “3 có 4 không” mà tỉnh và huyện đề ra thành hiện thực.
Qua hơn 30 năm phấn đấu, nhất là hơn 10 năm trở lại đây, bộ mặt của huyện Xiêng Hon dần đổi thay. Thành tựu nổi bật là huyện đã tổ chức lại khu vực định cư cho nhân dân bằng việc nhập các bản nhỏ nằm phân tán vào thành bản lớn, từ 57 bản thành 42 bản, đồng thời bố trí ngành nghề mới cho nhân dân; 100% số bản trong huyện đã xóa bỏ việc trồng cây thuốc phiện mà trước đây từng là nghề sinh sống chính của một vài bộ tộc, nhất là bộ tộc H’mông; đã chấm dứt việc chặt phá rừng già làm nương rẫy trồng lúa với diện tích hàng nghìn hecta trước đây, chuyển sang làm nương rẫy ổn định với diện tích trên 700 hecta và rẫy luân canh 103 hecta; một số hộ đã chuyển từ nghề làm rẫy, trồng thuốc phiện sang làm ruộng, trồng hoa màu hàng hóa hoặc trồng bông, trồng cây cao su, nuôi gia súc, gia cầm tùy từng điều kiện và thế mạnh của từng bản. Nổi bật là bản Laoxanô (H’mông) 100% số hộ đã bỏ việc trồng cây thuốc phiện, làm nương rẫy sang làm ruộng, trồng hoa màu hàng hóa.
Việc tổ chức sắp xếp được các khu vực định cư ổn định - hợp các bản nhỏ thành các bản lớn - trước hết là do đã giáo dục, quán triệt chủ trương của việc tổ chức định cư và công tác xóa đói, giảm nghèo mà Đảng, Nhà nước đề ra cho cấp ủy, chi bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thanh niên, phụ nữ của bản. Từ đó phối hợp với các già làng, các vị lão thành cách mạng có uy tín tiến hành tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân trong bản nhằm thống nhất nhận thức về sự cần thiết của việc tổ chức sắp xếp lại bản, sắp xếp lại ngành nghề làm ăn.
Khi bà con dân bản đã đồng thuận, huyện cũng như cán bộ được cử xuống công tác ở mỗi bản sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cho từng bản tiến hành khảo sát, lựa chọn nơi đặt bản mới theo quy hoạch của huyện, sau khi nhất trí sẽ cùng nhau lập phương án quy hoạch bản mới, xây nhà cho từng hộ gia đình và phân chia khu vực cũng như đất sản xuất. Huyện giúp nhân dân chuyển về nơi ở mới bằng hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm: Nhà nước giúp chuyển nơi ở, quy hoạch bản, tổ chức sắp xếp việc làm nhà, xây trường học, trạm xá, nước sạch… kinh phí lấy từ nguồn vốn của dự án xóa đói giảm nghèo cấp, việc xây dựng nhà ở là do chính nhân dân làm bằng cách đổi công hoặc giúp đỡ lẫn nhau tùy theo điều kiện cụ thể của từng bản, từng gia đình.
Sau khi hoàn thành việc định canh định cư, hợp các bản nhỏ thành bản lớn ở những điểm và khu vực quy định, huyện đã cùng các bản phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình công ích khác ở từng bản, từng khu vực như đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, nước sạch, chợ,… Đến nay, cả 42 bản đã có đường đi đến tận bản, trong đó có 34 bản xe có thể đi lại cả 2 mùa mưa và mùa khô, 8 bản còn lại đi được trong mùa khô. Các bản đều có trường tiểu học, các cụm bản đều có trường trung học cơ sở; đã phổ cập tiểu học ở tất cả các bản trong cụm bản và phổ cập trung học cơ sở ở 5 bản, chuẩn bị phổ cập tiểu học trong toàn huyện; có 80% số bản đã được dùng nước sạch, các cụm bản đều có trạm xá, dịch vụ y tế đã đến được tất cả các bản. Huyện hiện có 21 bản kiểu mẫu về y tế, 18 bản văn hóa; có 27 bản và 3.715 gia đình dùng điện thường xuyên; các bản, các gia đình đều đã có khả năng tự túc về lương thực cả năm, ở những bản làm ruộng và làm ruộng 2 vụ/năm thì đã thừa gạo ăn và có gạo hàng hóa; việc trồng hoa màu hàng hóa và nuôi gà, lợn, trâu, bò cũng bắt đầu phát triển thành hàng hóa. Hiện toàn huyện có 2.560 hecta diện tích lúa mùa, 411 hecta diện tích lúa chiêm, đạt bình quân 550 kg gạo/người/năm. Huyện có diện tích trồng ngô gần 2.000 hecta; trồng cây cao su 3.360 hecta và đã chấm dứt hoàn toàn việc chặt phá rừng làm nương rẫy ở 24 bản.
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trực tiếp của Huyện ủy Xiêng hon, đến nay đã có 24 bản thoát nghèo, có 4.580 hộ (chiếm 76% số hộ) vượt ngưỡng đói khổ, có 17 bản tuyên bố là bản phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn 18 bản với 1.420 hộ vẫn chưa thoát nghèo. Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đầu năm 2010 đã xác định phương hướng phấn đấu đến năm 2015 (hoặc trước 2015) phải hoàn thành việc xóa nghèo trong các bản đó và toàn huyện phải thoát nghèo trước năm 2015.
Các lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cũng được Đảng bộ huyện hết sức quan tâm. Các đơn vị dân quân, du kích trong mỗi bản được thành lập, có công an cụm bản, mỗi bản đều đã có cán bộ an ninh chuyên trách. Đảng bộ huyện đã thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác chính trị tư tưởng, tinh thần yêu nước, ý thức độc lập, tự chủ, nêu cao cảnh giác trước âm mưu phá hoại, gây rối của kẻ thù và bọn xấu. Nhân dân đã chủ động trong việc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, nhất là đồng bào ở và sinh sống dọc biên giới Lào-Thái Lan. Mỗi bản đã phấn đấu xây dựng bản mình trở thành bản ổn định, trật tự an toàn xã hội tốt, tiến tới trở thành bản không vụ án, không ma túy.
Hệ thống chính trị từ huyện đến bản và cụm bản thường xuyên được quan tâm xây dựng và củng cố vững mạnh. Hiện nay, ở các bản đều đã có chi bộ đảng lãnh đạo, ở mỗi cụm bản đều có đảng ủy cơ sở do đồng chí huyện ủy viên xuống làm bí thư. Toàn huyện hiện có 68 chi bộ đảng, trong đó có 42 chi bộ của các bản với trên 800 đảng viên (kể cả đảng viên ở các ban, ngành cơ quan huyện). Chính quyền bản, mặt trận, thanh niên, phụ nữ ở mỗi bản thường xuyên được chăm lo củng cố, bồi dưỡng nâng cao trình độ, giúp cho mỗi tổ chức nắm vững được vai trò, vị trí, chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của tổ chức mình.
Trong toàn đảng bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức vận động nhân dân nêu cao ý thức làm chủ, thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển gia đình, phát triển bản và cụm bản của mình, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển huyện Xiêng Hon tiến lên bằng các huyện khác trong tỉnh, để là huyện thoát đói nghèo trước năm 2015 và trở thành huyện đạt chuẩn, huyện phát triển sau năm 2015.
BunThoong Chítmani, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Đảng NDCM Lào