Đào tạo công chức và phát triển nguồn nhân lực ở một số nước ASEAN

In-đô-nê-xi-a: Công tác đào tạo công chức cho nền công vụ ở In-đô-nê-xi-a gồm 2 nội dung chính: Đào tạo tiền công vụ dành cho những người sẽ là công chức, quá trình này giúp họ hiểu rõ về loại hình công việc mà họ sẽ làm, cũng như cách thức làm việc. Đây là loại hình đào tạo bắt buộc và học viên phải qua một kỳ kiểm tra cuối khoá. Nếu học viên không đạt yêu cầu sẽ phải học lại một khoá khác. Không đạt lần thứ hai thì buộc phải bị bãi nhiệm. Đào tạo qua công việc, nhằm nâng cao kiến thức và năng lực của công chức thực thi công việc hiệu quả hơn. Mặt khác, quá trình này cũng là điều kiện để đề bạt công chức lên các chức danh quản lý cao hơn.                                           
Học viện Hành chính quốc gia (LAN) là cơ quan quản lý chương trình, nội dung, kế hoạch đào tạo công chức cho cả nước, chịu trách nhiệm phát triển cơ cấu hành chính. Giám sát và tư vấn cho các cơ quan trung ương và địa phương về đào tạo công chức. 
Công tác giáo dục và đào tạo của Chính phủ bao gồm hành chính chung, cơ cấu, chức năng và kỹ thuật. Quy định này bao gồm 4 loại hình:  Hành chính chung (ADUM); khoá quản lý trung cấp (SPAMA); khoá quản lý trung cao (SPAMEN); khoá quản lý cao cấp (SPATI). 
Các chương trình giáo dục và đào tạo công chức trong nước: Chương trình tiền công vụ được thực hiện ở từng bộ và cơ quan trung ương dưới sự giám sát của LAN. Đào tạo tiền công vụ cấp độ 3 có thể do LAN thực hiện cho các bộ và cơ quan trung ương. LAN cũng phối hợp để cho người tập sự có thể tham dự chương trình tiền công vụ do bộ hay cơ quan trung ương tổ chức; ADUM và SPAMA do từng bộ hay cơ quan trung ương tổ chức dưới sự giám sát của LAN. Cũng giống như chương trình tiền công vụ, một công chức có thể tham dự ADUM và SPAMA do bộ hay cơ quan trung ương tổ chức; SPAMEN, SPATI, Khoa giáo dục và đào tạo lãnh đạo quốc gia do LAN tổ chức; giáo dục và đào tạo chức năng do ngành hay cơ quan chịu trách nhiệm về mặt chức năng đối với việc phát triển nên các chức danh, chức năng do LAN giám sát và phối hợp; giáo dục và đào tạo chức năng do từng bộ, cơ quan hợp tác thực hiện với cơ quan chuyên sâu về nghiệp vụ cụ thể, dưới sự giám sát của LAN. Ngoài ra, mỗi bộ, cơ quan có thể cử công chức của mình đi học ở các cơ sở đào tạo (với các chương trình ngắn hạn), hay cao học (với các chương trình dài hạn) của nhà nước hay tư nhân.                                                           
Các chương trình ngoài nước được Chính phủ rất coi trọng. Việc cử công chức đi học tập tại nước ngoài theo các chương trình học bổng do các nguồn trong nước hoặc các nhà tài trợ. 
Phi-lip-pin: Ban Công vụ Phi-lip-pin đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình quản lý nhân sự để giúp công chức nhận thức và phát huy tiềm năng của mình. Thông qua Cơ quan phát triển nguồn nhân lực, Ban Công vụ xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn, chương trình, các nguồn lực nhằm phát triển và nâng cao các kỹ năng, năng lực cho đội ngũ công chức. Mỗi cơ quan Chính phủ phải chuẩn bị một kế hoạch phát triển chức nghiệp và nhân sự gửi tới Ban Công vụ, Ban này tổng hợp thành kế hoạch quốc gia làm căn cứ cho các hoạt động phát triển nhân lực trong bộ máy Chính phủ. Kế hoạch này bao gồm các điều khoản về khuyến khích công tích: Đánh giá thực thi công tác; đào tạo tại chức; các học bổng trong và ngoài nước. Các chương trình đào tạo do Ban Công vụ tổ chức gồm: Chương trình giới thiệu dành cho những người mới vào bộ máy Chính phủ; chương trình định hướng nhằm cung cấp thông tin cho các công chức mới vào cơ quan về các chương trình, hoạt động của Chính phủ và nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền lợi của họ; chương trình tái định hướng giới thiệu nghĩa vụ và trách nhiệm mới, chính sách và chương trình cho các công chức đã có thâm niên nhất định trong công vụ; chương trình chuyên môn khoa học, kỹ thuật đề cập tới các khoá về chuyên môn, khoa học và kỹ thuật nhằm nâng cao kiến thức cho các công chức cấp độ thứ nhất (là những công chức mới được tuyển dụng) trong chức nghiệp của mình; chương trình phát triển nhân viên nhằm duy trì trình độ năng lực cao về các kỹ năng cho các công chức cấp độ thứ nhất; chương trình phát triển quản lý trung cấp dành cho các trưởng phòng, ban và tương đương về các kỹ năng hành chính và quản lý nhằm chuẩn bị điều kiện để họ nhận những trách nhiệm cao hơn; chương trình phát triển thẩm mỹ nhằm đề cao các giá trị của công vụ, làm cho công vụ mang tính lịch thiệp và hiệu quả; chương trình phát triển điều hành dành cho quan chức cấp cao.                                               
Các chương trình học bổng bao gồm các hình thức sau: Đào tạo thạc sĩ trong nước; học bổng cho công nhân lành nghề; chương trình nghiên cứu ngắn hạn cho các trưởng phòng, ban, thông qua Quỹ hợp tác phát triển của Ca-na-đa. Về đào tạo dài hạn Trường Đại học tổng hợp Phi-lip-pin có riêng một Viện Hành chính. Hằng năm, Viện mở các khoá đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về hành chính cho các đối tượng học viên có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.                                           
Xinh-ga-po: Quá trình đào tạo và bồi dưỡng của Xinh-ga-po qua 5 công đoạn chính: Giới thiệu: Nhằm tổ chức cho nhân viên mới về nhận việc, trong vòng 1-3 tháng. Phần này còn dành cho cả những người mới chuyển công tác từ nơi khác đến. Cơ bản: Đào tạo để công chức thích ứng với công tác của mình. Tổ chức cho người mới tuyển dụng trong năm đầu công tác. Nâng cao: Đào tạo bổ sung, giúp công chức đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. Tổ chức trong khoảng 1-3 năm đầu. Mở rộng: Tạo điều kiện cho công chức vượt ra khỏi công việc của mình, có thể làm những công việc liên quan khi cần thiết. Tiếp tục: Đào tạo này không chỉ liên quan đến công việc hiện tại mà còn nâng cao khả năng làm việc của công chức trong tương lai. Các công đoạn đào tạo này có liên quan chặt chẽ tới cuộc đời chức nghiệp của công chức và tới việc chỉ định công chức vào công việc. Việc đào tạo được tổ chức theo các hình thức chính quy hoặc tại chức. Tuỳ theo yêu cầu của từng loại đối tượng, có thể có những phần hợp nhất giữa một vài công đoạn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cá nhân công chức. Các cơ sở đào tạo gồm: Học viện Công vụ (CSC) thành lập năm 1996 qua việc sáp nhập hai cơ sở: Viện Công vụ (CSI), từng là cơ sở đào tạo chính cho công chức và Học viện Công vụ (CSC) tập trung đào tạo về phát triển chính sách. Một số hoạt động của Học viện Công vụ: Chương trình đào tạo các nhà quản lý cao cấp; chương trình đào tạo chuyên môn quản lý bậc trung.  Viện Quản lý là nơi tổ chức nhiều chương trình ngắn hạn để sinh viên tự lựa chọn yêu cầu của cá nhân. Các hoạt động này từ cập nhật những kiến thức và lý luận mới về quản lý, cho tới các khoá ngắn hạn, tại chức mở tại các công ty theo yêu cầu đặt hàng. 
Thái Lan: Nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng của đội ngũ công chức trong nền công vụ, năm 1974, Văn phòng Ban Công vụ thành lập Trung tâm lập kế hoạch và điều phối đào tạo công vụ. Năm 1980, Trung tâm được thay thế bằng Học viện đào tạo công vụ. Với tư cách là cơ sở đào tạo của Ban Công vụ, Học viện có nhiệm vụ nâng cao công tác xây dựng chính sách đào tạo và phát triển, nắm vai trò lãnh đạo về đào tạo và điều phối các hoạt động đào tạo của từng bộ. Năm 1989, Nội các Thái Lan ban hành nghị quyết chấp nhận chính sách phát triển nền công vụ. Chính sách này được xem như là các hướng dẫn chủ yếu trong lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động đào tạo và phát triển công chức và là một trong những biến đổi quan trọng nhất trong nền công vụ của đất nước, vì nó thể hiện chủ trương của Chính phủ nhằm cải thiện hiệu lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức và hỗ trợ nhiều hơn cho các bộ trong việc thực hiện các hoạt động phát triển của mình. 
Việc đào tạo và phát triển công chức được Chính phủ Thái Lan ưu tiên hàng đầu trong phát triển quốc gia, đồng thời ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động đào tạo và phát triển. Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị các nước ASEAN về các vấn đề công vụ, Thái Lan đã thành lập một Trung tâm nguồn về phát triển lãnh đạo. Mục tiêu chính của Trung tâm là chia sẻ dữ liệu, thông tin và tư liệu về lãnh đạo các nước ASEAN. Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện các công việc như thu thập thông tin, dữ liệu từ các nước thành viên. Trung tâm đã tổ chức một cuộc Hội thảo về "Các nhà lãnh đạo làn sóng mới" nhằm trao đổi về vấn đề xây dựng các nhà quản lý năng động và có hiệu quả, đáp ứng cho những biến đổi và thách thức đặt ra trong vùng; tổ chức các chuyến khảo sát giữa các nước thành viên về các quan niệm, chiến lược, kỹ thuật và quá trình phát triển vai trò lãnh đạo trong Hiệp hội.
                                                                                            (Nguồn: Website Cải cách hành chính)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất