Những chuyển đổi trong quan niệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Xã hội tiến bộ thường lấy giải phóng tư tưởng, thay đổi quan niệm làm chủ đạo. Đặng Tiểu Bình từng nói: “Một đảng, một nhà nước, một dân tộc nếu xuất phát từ tư tưởng cứng nhắc, mê tín thịnh hành sẽ không thể phát triển được, sức sống ngưng trệ, đảng sẽ tan, nước sẽ mất”. Nhìn lại lịch sử tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những năm qua thì những trở ngại chủ yếu đối với sự nghiệp hiện đại hóa XHCN chính là những quan niệm phiến diện, giản đơn về CNXH và CNTB, về chế độ công hữu và tư hữu, đặc biệt là về Chủ nghĩa Mác. Sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của Trung Quốc tạo ra sự thay đổi về quan niệm tư tưởng đối với những vấn đề này.

1. Đối với nhận thức hình thái xã hội, phải chuyển biến từ trọng điểm đơn nhất sang thống nhất về lý luận toàn diện và lý luận trọng điểm.

Quan điểm về hình thái xã hội của Chủ nghĩa Mác ít nhất có hai góc độ cơ bản: một là chế độ xã hội, hình thái kinh tế-xã hội, hai là lực lượng sản xuất. Vấn đề lực lượng sản xuất và chế độ xã hội của hình thái xã hội đều là vấn đề cần chú ý. Nhưng trước nay chỉ coi trọng lực lượng sản xuất mà coi nhẹ một cách nghiêm trọng chế độ xã hội, chủ yếu nhìn hình thái xã hội qua lực lượng sản xuất. Dường như vấn đề chủ nghĩa hoặc chế độ xã hội là toàn bộ hình thái xã hội. Đó là quan niệm phiến diện, chế độ xã hội là hình thức của hình thái xã hội, mà phát triển lực lượng sản xuất mới là nội dung của hình thái xã hội.

Ngày nay, tuy Trung Quốc đã xây dựng chế độ cơ bản của CNXH, song từ góc độ hình thái kỹ thuật xã hội, xét về tổng thể vẫn chỉ là đang trong quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Nhiệm vụ hiện đại hóa Trung Quốc là nhằm phục vụ mục đích này. Do đó phải chú ý hơn đến góc độ hình thái kỹ thuật xã hội để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH, thúc đẩy Trung Quốc phát triển.

2. Chuyển đổi từ chỉ coi trọng về mô hình chế độ sang coi trọng giá trị.

Xem CNXH là một chế độ xã hội dường như có mô hình cố định bất biến là cách lý giải lâu nay. Dù thực tế có thay đổi, phát triển như thế nào cũng không thể làm thay đổi mô hình đó, nếu không sẽ bị coi là đi ngược lại CNXH. Một đóng góp quan trọng của lý luận Đặng Tiểu Bình là đưa ra lý luận về bản chất của CNXH, tức là “giải phóng lực lượng sản xuất, xóa bỏ bóc lột, xóa bỏ phân hóa giai cấp, cuối cùng đạt được cùng giàu có”.

Quan điểm của chủ nghĩa duy vật chỉ rõ: chế độ xã hội mà quan hệ sản xuất thống nhất với kiến trúc thượng tầng là do lực lượng sản xuất và quần chúng nhân dân quyết định, phục vụ sự phát triển của lực lượng sản xuất và nhân dân. Có thể nói xu hướng giá trị, khoa học, hợp lý được xây dựng trên cơ sở quy luật chung của sự phát triển xã hội là điều căn bản, bởi nó đại diện cho giá trị thực tế, ý nghĩa thực chất của CNXH. Trong giai đoạn hiện nay, CNXH là chế độ xã hội vẫn còn non trẻ, CNXH vẫn đang trong quá trình hình thành và không có khuôn mẫu. Khuôn mẫu của CNXH này đang đòi hỏi sự sáng tạo và tìm kiếm lâu dài, gian khổ của nhân loại, trong đó có nhân dân Trung Quốc. Điều quan trọng nhất của CNXH là chọn hướng giá trị, tức thực hiện giàu có và hạnh phúc cho nhân dân.

3. Chuyển đổi từ đối lập tuyệt đối các chế độ xã hội khác nhau sang nhìn thẳng vào đa dạng hóa xã hội.

Thời đại ngày nay, khi xây dựng CNXH phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa CNXH và CNTB. Báo cáo Đại hội 16 và một số văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều nhấn mạnh: Thế giới đa dạng phong phú, chế độ xã hội khác nhau và con đường phát triển khác nhau nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại lâu dài, trong cạnh tranh phải lấy chỗ mạnh bổ sung chỗ yếu, cùng phát triển trong “tìm điểm đồng, gác bất đồng”. Điều này đòi hỏi phải thẳng thắn thừa nhận chế độ TBCN sẽ tồn tại lâu dài, thừa nhận CNTB và CNXH có những mạnh yếu riêng, từ đó mới có thể lấy ưu bổ khuyết và tìm ra được tính tất yếu và khả năng cùng phát triển. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhiều lần nhấn mạnh cần bảo vệ tính đa dạng của thế giới và đa dạng hóa mô hình phát triển, kiên trì giao lưu và đối thoại bình đẳng, đề xướng quan điểm văn minh và tiếp thu có chọn lọc các nền văn minh khác nhau, có thể dùng điểm mạnh bổ sung cho điểm yếu trong cạnh tranh, trong phát triển chung. Tư tưởng này khác xa với những quan niệm giản đơn trước đây là “CNXH tiên tiến, CNTB lạc hậu”, “CNXH và CNTB là quan hệ đối lập tuyệt đối”.

4. Chuyển đổi từ chỉ coi trọng lực lượng sản xuất sang coi trọng phát triển lực lượng sản xuất.

Về mặt lý luận, quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác về vấn đề sở hữu là tiêu chuẩn của lực lượng sản xuất, cho rằng tất cả chế độ sở hữu có lợi cho lực lượng sản xuất đều là hợp lý và tiến bộ, tất cả chế độ sở hữu cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất đều là lạc hậu, thậm chí phản động. Phải thay đổi từ chỗ quan tâm thái quá “là công hay tư” sang quan tâm trước tiên chế độ sở hữu “là tốt hay xấu”, tức là có lợi cho phát triển lực lượng sản xuất hay không. Điều đó là khoa học, có ý nghĩa thực tế và phù hợp. Trước khi Trung Quốc cải cách mở cửa, chế độ công hữu chiếm trên 99% nền kinh tế quốc dân, nếu như lấy chế độ công hữu làm tiêu chuẩn thì dường như lúc ấy Trung Quốc giống CNXH hơn bây giờ. Vậy mà lúc đó Trung Quốc lại lâm vào tình trạng nước yếu, dân nghèo. Sau khi bước vào thời kỳ cải cách, Đảng và Nhà nước Trung Quốc điều chỉnh cơ cấu chế độ công hữu quá đơn nhất, cho phép và động viên kinh tế phi công hữu phát triển, giảm một cách thích đáng tỉ trọng chế độ công hữu, đặc biệt là kinh tế quốc hữu. Biện pháp này đã thúc đẩy lực lượng sản xuất, quốc lực tổng hợp và đời sống nhân dân nâng cao rõ rệt, được tuyệt đại đa số cán bộ và quần chúng nhân dân ủng hộ, trên thực chất rất gần với CNXH.

5. Đối với chế độ sở hữu, chuyển biến từ “phương pháp nhị phân hẹp” sang cách nhìn nhận bao quát hơn.

“Phương pháp nhị phân” công và tư được quen dùng trong suốt thời gian dài để phân tích, dường như chế độ sở hữu không phải “công” thì là “tư”. Trên thực tế, xu hướng chủ yếu của sự phát triển chế độ sở hữu đương đại là chế độ sở hữu hỗn hợp, coi chế độ cổ phần là hình thức thực hiện, nó cùng dung nạp cả công hữu, tư hữu, quốc hữu, dân hữu, có ưu thế “tạp giao” nhất định. Xu thế phát triển của chế độ sở hữu, phương hướng cơ bản của chế độ sở hữu là thích nghi với yêu cầu sản xuất không ngừng của xã hội hóa. Không chỉ chú ý phát huy tác dụng của tư bản, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sở hữu, mà còn phải chú trọng bảo vệ lợi ích của người lao động, từng bước thực hiện “người lao động có phần của mình”, “người người có phần của mình”. Vừa phải chú ý thực hiện quyền sở hữu, vừa phải chú ý quyền thu nhập thực tế, bởi quyền thu nhập thực tế là thực hiện mục đích cuối cùng của quyền sở hữu.

6. Nghiên cứu tầng lớp giai cấp, thay đổi từ góc độ quan hệ sản xuất đơn thuần sang thiên về góc độ lực lượng sản xuất.

Về phương diện đánh giá các giai cấp và giai tầng, đã từng lấy quan hệ sản xuất làm tiêu chuẩn, tức là căn cứ vào một giai cấp và giai tầng có phải tư nhân chiếm hữu tư liệu sản xuất, có phải bóc lột hay không bóc lột để phân định tiến bộ hay phản động.

Phải thay đổi lý luận về tiêu chuẩn quan hệ sản xuất này bằng tiêu chuẩn lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa Mác từng khẳng định, trong lịch sử, giai cấp tư sản cũng đã có tác dụng rất cách mạng, đã từng là giai cấp lãnh đạo của cách mạng. Căn cứ của nó chính là trong thời kỳ lịch sử nhất định, giai cấp tư sản đại diện cho yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội. Đối với các giai cấp khác cũng nên đánh giá theo cách như vậy. Nói một cách cụ thể, nên căn cứ vào các giai cấp và giai tầng có cần thiết cho yêu cầu của lực lượng sản xuất lúc đó hay không để nhận định là tiến bộ hay phản động. Phàm là giai tầng và giai cấp mà sản xuất xã hội yêu cầu đều thuộc lực lượng tiến bộ xã hội.

7. Từ đối lập giản đơn giữa giai cấp và giai tầng chuyển sang bổ trợ hợp tác cùng có lợi.

Trong quá khứ, khi phân tích về giai cấp và giai tầng, có khuynh hướng chú trọng vào sự khác biệt về lợi ích, thậm chí vào sự xung đột. Điều đó đã có tính hợp lý lịch sử nhất định. Ngày nay, sự khác biệt khách quan giữa giai cấp và giai tầng cũng không thể phủ nhận. Nhưng khi xem xét sự khác biệt giữa giai cấp và giai tầng thì cũng phải nhìn nhận sự đồng nhất giữa giai cấp và giai tầng. Nếu chỉ nhìn sự khác biệt thì điều đó là phiến diện và trên thực tế là có hại.

Có thể lấy mối quan hệ giữa người công nhân và người chủ xí nghiệp: Họ chiếm hữu bao nhiêu tài sản? Thu nhập bao nhiêu? Chi phí như thế nào? Giữa họ có sự khác biệt và mâu thuẫn, đồng thời lại có tính bổ trợ rất lớn. Biểu hiện chủ yếu là người chủ xí nghiệp tạo ra điều kiện sản xuất và cơ hội việc làm cho người công nhân, sức lao động của người công nhân được báo đáp thích ứng, mà người chủ xí nghiệp nhờ có tiền vốn và tài trí quản lý mà thu được lợi nhuận nhất định. Trong nội bộ nhân dân, khái niệm hợp tác, tương hỗ, hai bên cùng có lợi này đã có sự chuyển đổi. Thực tế này bao hàm một sự chuyển đổi về quan niệm, từ đối lập giản đơn giữa giai cấp và giai tầng đến chuyển đổi hài hòa cùng có lợi. Đương nhiên người lao động có địa vị yếu thế, lợi ích thường bị tổn hại, phải chú ý bảo vệ lợi ích chính đáng của họ.

8. Từ lý luận bản vị sang bảo vệ thực tiễn.

Phải dùng Chủ nghĩa Mác đang phát triển để chỉ đạo thực tiễn mới. Khái niệm này được nhấn mạnh ở hai ý nghĩa: Một là kiên trì Chủ nghĩa Mác, đó là tôn trọng lịch sử, tôn trọng khoa học, cũng là yêu cầu thực tiễn hiện nay. Hai là dựa vào Chủ nghĩa Mác cũng chưa thể đầy đủ, Chủ nghĩa Mác tất yếu phải phát triển. Tuân theo Chủ nghĩa Mác là tuân theo quan điểm thực tiễn. Lý luận ra đời từ thực tiễn, lấy thực tiễn kiểm nghiệm lý luận, dựa vào phát triển của thực tiễn mà thay đổi, hơn nữa cuối cùng là phục vụ thực tiễn. Kiên trì quan điểm thực tiễn, dựa vào quan điểm thực tiễn và lý luận chính là kiên trì quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác.

9. Từ phục tùng cá nhân lãnh đạo cách mạng sang tuân thủ chân lý phổ biến.

Chỉ có chân lý phổ biến mới giành được sự ủng hộ của nhân dân, giành thắng lợi. Điều chủ yếu của Chủ nghĩa Mác là thế giới quan và phương pháp luận, các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác cũng từ đây mà ra. Giống như các khoa học khác, Chủ nghĩa Mác không có biên giới, cũng không bị hạn chế bởi tư tưởng của người lãnh đạo. Chỉ cần đó là điều đúng đắn thì cho dù trong kinh điển của Chủ nghĩa Mác chưa đề cập đến, chúng ta cứ theo cái đúng mà làm. V.I.Lênin từng khẳng định: Chủ nghĩa Mác hoàn toàn khác với “chủ nghĩa bè phái, nó không phải là học thuyết bất biến cứng nhắc, giẫm chân tại chỗ, xa rời với sự phát triển văn minh thế giới. Chủ nghĩa Mác là tư tưởng chỉ đạo của chúng ta, bắt nguồn từ Mác, song không chỉ giới hạn ở Mác. Trên tổng thể, chúng ta phải kế thừa và phát triển.

10. Chuyển từ  trích dẫn sang tinh thần cơ bản.
Tiêu chuẩn cơ bản kiên trì hay xa rời Chủ nghĩa Mác, tức là có tôn trọng quy luật khách quan, đặc biệt là trên cơ sở quy luật xã hội hay không, có nhằm mưu cầu hạnh phúc cho đại đa số nhân dân, bao gồm mỗi cá nhân trong đó hay không. Tôn trọng khách quan là tiền đề và cơ sở, nó thể hiện tính khoa học của Chủ nghĩa Mác. Mưu cầu lợi ích cho tuyệt đại đa số nhân dân là mục đích, nó thể hiện tính nhân dân của Chủ nghĩa Mác. Không có tinh thần cống hiến cho lợi ích tuyệt đại đa số nhân dân thì không phải là Chủ nghĩa Mác chân chính. Hiểu rõ tiêu chuẩn này giúp lý giải Chủ nghĩa Mác sâu sắc hơn, có ý nghĩa quan trọng trong việc phán đoán kiên trì hay đi ngược lại Chủ nghĩa Mác.

Phản hồi (3)

Hoàng Minh Hải 01/05/2010

Bài viết quá tuyệt vời. Các cán bộ lãnh đạo quản lý cần đọc để đổi mới tư duy triệt để cho dân được nhờ! Cảm ơn Tạp chí đã đăng bài này.

Trần Duy Hưng 16/10/2009

Bài hay, hấp dẫn, nhiều ý tưởng mới, đáng đọc! Mong có nhiều bài như vậy!

Nguyễn Hoàng Giang 03/10/2009

Bài viết có nhiều thông tin tốt. Mong Tạp chí Xây dựng Đảng có nhiều bài báo như thế này hơn nữa.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất