I. Chính sách thị trường lao động, việc làm của một số đảng dân chủ xã hội.
1. Xu hướng chung:
Một là, giảm thiểu sự điều tiết từ phía Nhà nước, tăng tính linh hoạt của thị trường lao động, việc làm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Trong tình hình thế giới phức tạp hiện nay và sự tác động từ nhiều phía vào nền kinh tế của từng quốc gia, đặc biệt là sự tác động của quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, buộc các đảng dân chủ xã hội và chính phủ của họ phải thực thi các chính sách quản lý giảm thiểu sự điều tiết từ phía Nhà nước, nâng cao tính tự thân vận động của thị trường lao động, việc làm, chỉ có như vậy mới bảo đảm cho nền kinh tế thị trường đạt hiệu quả cao.
Hai là, khống chế tiền lương thấp và trợ cấp thất nghiệp, đây là những chính sách tỏ ra có hiệu quả trong việc thu hút đông đảo người lao động tham gia thị trường lao động, tăng số người có việc làm, giảm số người thất nghiệp, tăng tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân; khắc phục tình trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp.
Ba là, thực hiện một thiết chế quan hệ xã hội mới về thị trường lao động, việc làm, gồm Nhà nước, giới chủ và người lao động (là 3 chủ thể nằm trong chính sách điều tiết thị trường lao động, việc làm). Thiết chế này mang tính xã hội mềm dẻo hơn và người lao động cũng có vai trò quan trọng nhất định, buộc Nhà nước mỗi khi đề ra chính sách thị trường lao động, việc làm phải cân nhắc kỹ càng hơn, bảo đảm hài hoà các lợi ích Nhà nước, giới chủ và người lao động.
Các xu hướng trên, đang được các Đảng dân chủ xã hội và Chính phủ của họ vận dụng thực hiện trong cải cách ở những mức độ khác nhau trong từng quốc gia, phù hợp với truyền thống lịch sử lao động, việc làm mỗi nước nhằm đạt được yêu cầu caỉ cách chính sách xã hội đối với mỗi quốc gia trong tình hình hiện tại.
2. Một số mô hình cải cách chính sách thị trường lao động, việc làm đã và đang được thực hiện ở một số nước.
2.1- Mô hình của Cộng hoà Liên bang Đức:
Mọi cải cách về chính sách thị trường lao động, việc làm ở Cộng hoà Liên bang Đức đều xoay quanh cái trục “nền kinh tế thị trường xã hội, sở hữu hỗn hợp”. Các chính sách cải cách chủ yếu đã được thực thi trong các thời kỳ như sau:
Thời kỳ tái thiết Nhà nước phúc lợi xã hội (1949-1965) được coi là chuẩn mực của chính sách xã hội Đức, là thời kỳ xây dựng "chủ nghĩa tư bản xã hội Đức”. Trong thời kỳ này đã tiến hành những cải cách có tính quyết định về chính sách xã hội có liên quan trực tiếp đến thị trường lao động, việc làm. Khâu quan trọng thứ nhất trong mạng lưới an sinh xã hội là cuộc cải cách lương hưu năm 1957. Cuộc cải cách đã xác định nguyên tắc lương hưu tương hợp với mức đóng góp bảo hiểm và thu nhập.
- Thời kỳ đại liên minh “CDUCSU và SPD” (1966-1969): Chính sách xã hội ở thời kỳ này hướng nhiều vào sự bình đẳng và giảm thiểu các đặc quyền, đặc lợi đối với viên chức so với công nhân.
- Thời kỳ (1969-1982) đã đưa tỷ trọng các khoản chi xã hội tăng từ 26,2% lên mức 33,9%, đây là mức cao nhất so với các thời kỳ trước. Cải cách lương hưu một lần nữa lại được tiến hành. Cuộc cải cách này đã thành công. Bước ngoặt về chính sách xã hội đã bắt đầu mở ra ngay dưới thời Chính phủ của thủ tướng Helmut Schmidr.
- Thời kỳ Liên minh “CDU-FDP”- Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (1982-1990) do Thủ tướng Helmut Kohl đứng đầu lên cầm quyền năm 1982: Là thời kỳ diễn ra sự chuyển đổi theo hướng bảo thủ trong nền chính trị Đức. Các cam kết về xã hội của Nhà nước được chuyển vào thị trường và gia đình. Nhà nước xã hội được coi là Nhà nước cạnh tranh và định hướng vào những điều kiện mới của nền kinh tế toàn cầu hoá. Chính sách xã hội đã có bước ngoặt.
Việc chuyển các ưu tiên xã hội sang các ưu tiên về chính sách tài chính, Nhà nước phúc lợi xã hội bắt đầu chuyển đổi thành Nhà nước bảo hiểm.
Các yếu tố trọng tâm của Nhà nước xã hội vẫn được giữ nguyên. Sự trì trệ của các cơ quan, các thiết chế đã cản trở cải cách và do đó mà vẫn giữ được tính liên tục của các cấu trúc của Nhà nước phúc lợi xã hội.
Trong các năm 1990-1998, việc thống nhất hai Nhà nước Đức và áp dụng mô hình bảo hiểm xã hội của Tây Đức vào các bang mới phía Đông nhằm nhanh chóng đưa mức sống ở phía Đông lên ngang bằng với mức sống phía Tây đã làm thay đổi mạnh mẽ một số chính sách xã hội liên quan đến lao động và việc làm. Trong chính sách xã hội đã thiết lập hệ thống bảo hiểm xã hội trên các lĩnh vực lương hưu, thất nghiệp và y tế. Cùng với việc chuyển giao tổng thể các thiết chế bảo hiểm xã hội, chính sách thị trường lao động cũng phát triển tích cực. Ngoài việc áp dụng rộng rãi các quy định về nghỉ hưu trước tuổi, các biện pháp tạo việc làm phổ cập cũng được áp dụng và mở rộng các chương trình đào tạo theo hình thức tập trung. Nhờ đó đã giảm thiểu được tình trạng thất nghiệp. Những cắt giảm đầu tiên về các khoản chi xã hội nhằm tài trợ cho gánh nặng bởi quá trình tái thống nhất nước Đức đã đạt được qua các cuộc thương thảo hết sức khó khăn với đảng đối lập SPD. Tuy nhiên, trợ cấp xã hội ít bị cắt giảm hơn so với những nước khác.
Một trong những biện pháp đầu tiên mà liên minh “Đỏ - Xanh” khi lên cầm quyền sau 1998 là tái thực hiện các cắt giảm trong chính sách xã hội mà liên minh cầm quyền thiên chúa giáo - tự do đã khởi xướng. Bằng các "đạo luật điều chỉnh bảo hiểm xã hội và bảo đảm các quyền của người lao động", Chính phủ đã hạn chế các khoản chi ở các lĩnh vực lương hưu, y tế và các khoản trợ cấp thay lương. Việc lành mạnh hoá ngân sách bảo hiểm xã hội trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Chính phủ của Liên minh “Đỏ - Xanh” coi cải cách chế độ bảo hiểm tuổi già là đề án cải cách lớn. Mục tiêu là giữ ổn định dài hạm các khoản đóng bảo hiểm. Hai yếu tố cải cách được quan tâm : Một là, đưa nhân tố cân đối vào công thức lương hưu. mức lương sẽ được giảm xuống theo các bậc khác nhau và đạt mức 67% thu nhập; Hai là, việc giảm lương hưu theo luật định cần được cân bằng trên cơ sở xây dựng chế độ chăm sóc tuổi già tư nhân.
Trong quá trình tranh cử năm 1998, liên minh “Đỏ - Xanh" đã khơi dậy và tạo ra sự đồng thuận xã hội nhằm thực hiện các biện pháp cải cách căn bản trên lĩnh vực chính sách việc làm và chính sách xã hội. Tuy nhiên một loạt cải cách theo hướng tự do hoá thị trường của Liên minh “Đỏ - Xanh” không tiến hành được do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc thiếu sự thống nhất về cương lĩnh của Chính phủ trong lĩnh vực chính sách xã hội.
2.2. Mô hình của nước Anh:
Khác với chính phủ của các đảng dân chủ xã hội, Chính phủ của Công Đảng Anh chủ trương hoàn toàn theo hướng thị trường. Chính phủ của Đảng bảo thủ (1976-1996) đã tiến hành những cải cách về cơ cấu, nhờ đó càng tăng cơ hội cải cách cho Chính phủ Công Đảng. Đặc biệt Chính phủ của bà Margaret Thatcher đã hạn chế mạnh mẽ quyền lực của các tổ chức Công đoàn và sử dụng các biện pháp phi điều tiết thị trường lao động. Những biện pháp này tạo điều kiện cho Công đảng mở ra những khả năng mới năng động hoá việc làm. Vì vậy, Chính phủ Công đảng Anh ngay lập tức đã có thể bắt đầu dự án “Welfare to work” mà không lo phải đụng độ với giới lao động và công đoàn.
Trong cuộc vận động tranh cử Công đảng đã cam kết tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá bảo thủ của Chính phủ tiền nhiệm ít nhất 2 năm và đặt nó dưới hai nguyên tắc cơ bản sau: Một là, mọi khoản chi thường xuyên chỉ được phép thực hiện trên cơ sở lấy từ các khoản thu thường xuyên. Các khoản nợ mới chỉ được phép dùng cho các mục đích đầu tư. Hai là, nợ công mới cần được giữ ở mức ổn định, không phụ thuộc vào chu kỳ thăng trầm kinh tế và không được có những can thiệp phản chu kỳ ngắn hạn.
Chính sách ngân sách của Anh không bó hẹp hơn bất kỳ chính sách ngân sách nào của phần lớn các Chính phủ dân chủ xã hội và tư sản thuộc lục địa Châu Âu. Hơn nữa, bộ trưởng Ngân khố Anh còn sử dụng các khoản thu thuế vượt trội để tài trợ cho các chương trình đặc biệt về giáo dục, việc làm và y tế. Công đảng bắt đầu cải tổ hệ thống thuế theo hướng bỏ hẳn hoặc bỏ gần hết thuế thu nhập đánh vào khu vực lương thấp. Với một hộ (gia đình) có ít nhất một người làm việc toàn phần sẽ được bảo đảm mức thu nhập tối thiểu là 10.000 bảng Anh. Dưới mức đó thì thu nhập gia đình sẽ được bù.
Từ năm 1996 đến 1999 việc làm ở Anh tăng 1,03%, tăng nhanh hơn các nước thuộc liên minh kinh tế và tiền tệ WWU. Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh từ 8,7% (1996) giảm xuống còn 6,3% (1998). Điều đó cho thấy thị trường lao động phi điều tiết mạnh của Công đảng Anh năng động hơn phần lớn các thị trường lao động được điều tiết mạnh ở lục địa Châu Âu. Việc thu hút lao động vào thị trường lao động, một mục tiêu truyền thống của dân chủ xã hội đã được Công đảng Anh thực hiện thành công hơn phần lớn các chính phủ dân chủ xã hội và tư sản ở lục địa Châu Âu.
2.3. Mô hình của Cộng hoà Pháp:
Đặc trưng truyền thống của chính sách xã hội Pháp thể hiện rõ nhất trong chính sách việc làm. Điều này biểu hiện ngay trong năm cầm quyền đầu tiên của những người theo Đảng dân chủ xã hội Pháp khi họ đưa ra kế hoạch cắt giảm nạn thất nghiệp trong thanh niên. Mục tiêu là tạo ra 700.000 việc làm, nhưng Nhà nước sẽ chi tài chính tới 80%. Trong đó, riêng khu vực công chiếm 350.000. Đây là một chính sách mà cả Công đảng mới ở Anh, Đảng dân chủ xã hội Hà Lan và Đảng dân chủ xã hội Đức đều không dám theo đuổi. Số 350.000 việc làm còn lại được tạo ra trong khu vực tư bằng những khoản bù lỗ về lương của Nhà nước. Ngoài ra còn có một số biện pháp khác sau đây: Thông qua bù lỗ cho chế độ về hưu sớm để hạn chế cung về lực lượng lao động; ban hành đạo luật khung áp dụng chế độ tuần làm việc 35 giờ; không áp dụng các biện pháp phi điều tiết thị trường lao động; duy nhất chỉ có việc tạo điều kiện để dễ dàng hơn cho việc kết thúc quan hệ lao động theo thời hạn.
Trong khi hai biện pháp đầu được coi như là những biện pháp của một chính sách việc làm dân chủ xã hội truyền thống, thì biện pháp cuối lại nhằm điều tiết thị trường lao động một cách mạnh mẽ. Nhưng chính ngay khu vực thị trường phi điều tiết của những việc làm theo thời hạn, được trả lương thấp và hầu như không được bảo hiểm xã hội lại chứng tỏ rằng nó đặc biệt năng động, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Nếu sự phát triển này tiếp diễn, thì ở Pháp (cũng giống như ở Tây Ban Nha) có thể sẽ xuất hiện một thị trường lao động đối lập, một bên là khu vực được điều tiết mạnh nhưng trì trệ, và bên kia là bộ phận phi điều tiết nhưng năng động và sẽ đẻ ra những bất bình đẳng xã hội đáng kể.
2.4. Mô hình của Đan Mạch:
Chính sách thị trường lao động của Đan Mạch ngay trong những năm 70 và 80 của thế kỷ XX đã có những yếu tố tích cực hoá mạnh mẽ. Khác với các nhà nước phúc lợi xã hội Châu Âu lục địa, trọng tâm của chính sách việc làm là tích cực hoá nguồn lực lao động chứ không phải trợ cấp cho những người thất nghiệp. Những yếu tố tích cực đó đặc biệt được phát triển trong những năm 90. Song giờ đây, trọng tâm được nhấn mạnh là nghĩa vụ đào tạo lại, bồi dưỡng và nhận việc. Cho đến năm 2000, chiến lược tích cực hoá này càng được tăng cường hơn theo nhiều bước, nó thu hút rất mạnh tầng lớp thanh niên, đưa họ vào các chương trình bồi dưỡng và việc làm mới. Nét đặc biệt của chính sách tích cực hoá thị trường lao động của Đan Mạch là nhấn mạnh giáo dục và đào tạo. Người thất nghiệp có nghĩa vụ tham gia thực hiện biện pháp tích cực hoá, nếu không anh ta sẽ nhanh chóng mất quyền được hưởng trợ cấp xã hội. Nhưng anh ta cũng có quyền đề nghị với cơ quan quản lý thị trường lao động cho phép thực hiện biện pháp tích cực hoá phù hợp với hoàn cảnh cá nhân. Thông qua chiến lược nâng cao trình độ chuyên môn khuyến khích người lao động tích cực hưởng ứng các chương trình đào tạo để có thể thích ứng được với những đòi hỏi đang biến đổi một cách nhanh chóng của thị trường lao động. Điều này đã trở thành động lực của chính sách thị trường lao động Đan Mạch. Tính linh hoạt của thị trường lao động Đan Mạch vượt xa mức độ linh hoạt của các thị trường lao động thuộc lục địa Châu Âu. Ở Đan Mạch không có luật quy định lương tối thiểu, chỉ có một khoản bảo hiểm nhỏ khi chấm dứt hợp đồng đối với việc làm bán thời gian. Vì vậy, các doanh nhân Đan Mạch có thể thực hiện một chính sách việc làm thích hợp với chu kỳ thăng trầm kinh tế của xí nghiệp. Chính sách này cho phép cả việc sa thải người lao động. Việc sa thải người làm công có thể được tiến hành nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn so với Đức hay các nước khác ở lục địa Châu Âu.
Tuy nhiên, chính sách thị trường lao động Đan Mạch cũng bắt đầu gặp phải tình trạng phản ứng của cung về lực lượng lao động. Trong suốt thập kỷ 90, Chính phủ tiếp tục nới rộng các chương trình cho nghỉ hưu từ 60 và tìm cách hạn chế chương trình cho nghỉ hưu sớm. Sự cân bằng giữa Nhà nước, thị trường và xã hội đã đạt tới một chất lượng đặc biệt ở Đan Mạch. Trong khi chính sách đầu tư và chính sách việc làm tiếp tục tạo không gian cho các lực lượng thị trường, thì Nhà nước bằng những trợ giúp xã hội và dịch vụ phổ cập hào phóng của mình vẫn bảo đảm an sinh xã hội và sự chấp nhận của xã hội đối với thị trường phi điều tiết. Nhìn từ góc độ công bằng, Đan Mạch là một nước toả sáng ở tất cả các chỉ số quan trọng. Nó thực hiện những khoản chi rất lớn cho giáo dục đào tạo và có những khoản chi xã hội lớn nhất, có tỷ lệ nghèo khổ thấp nhất và mức chênh lệch thu nhập rất vừa phải. Đan Mạch rất thành công trong việc thu hút lao động tham gia vào thị trường lao động. Với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt mức rất cao so với quốc tế và có tỷ lệ người thất nghiệp thấp nhất trong tổ chức OECD. Phân loại theo lý thuyết công bằng, Đan Mạch đứng hàng thứ tư trong các nước OECD, loại trừ được tình trạng đẩy con người ra bên lề xã hội, đầu tư vào vốn người... Đan Mạch được coi là tương đối lý tưởng ở các nước do Đảng dân chủ xã hội cầm quyền hiện nay.
II. Rút ra ưu điểm của từng mô hình có ý nghĩa thực tiễn với Việt Nam.
1. Ưu điểm của Cộng hoà Liên bang Đức: Lấy nền kinh tế thị trường xã hội, sở hữu hỗn hợp làm trục xoay quanh để thực hiện các chính sách cải cách thị trường lao động, việc làm. Nó buộc các mục tiêu cải cách đặt ra phải gắn liền với vấn đề an sinh xã hội của người lao động đang làm việc và cả những người đã nghỉ hưu, người thuộc tầng lớp thấp của xã hội được chú ý nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển dần từ Nhà nước phúc lợi xã hội sang Nhà nước bảo hiểm xã hội, giảm bớt gánh nặng chi ngân sách, tăng tính tự chịu trách nhiệm với các tổ chức xã hội và người dân.
2. Ưu điểm của nước Anh: Chủ trương hoàn toàn theo hướng thị trường, nó giúp Chính phủ Anh mở ra những khả năng mới năng động hoá việc làm, nó kích cầu việc làm trong khu vực lương thấp. Tuy nhiên mô hình này có một số hạn chế: tỷ lệ đói nghèo cao gấp đôi Đức, các dịch vụ công trong lĩnh vực vận tải, giáo duc, y tế kém hơn phần lớn các nước lục địa.
3. Cộng hoà Pháp: Hầu như không có ưu điểm gì đáng nói, vì nó phải trả giá ở sự kém cỏi trong chính sách thị trường lao động, việc làm. Nhà nước phúc lợi xã hội thời kỳ sau chiến tranh thế giới không có sức thuyết phục cả về phương diện chi trả tài chính và cơ cấu cân bằng; Cơ cấu này quá ít kích thích đối với lao động nhận việc làm. Điều đáng lo ngại là việc tiếp tục đẩy lùi các cuộc cải cách và càng về sau các tầng lớp yếu thế của xã hội càng phải trả giá đắt.
4. Ưu điểm của Đan Mạch: Ưu điểm là điều chỉnh việc làm, bảo đảm thu nhập theo hướng không bám chặt vào quy chế và không dựa vào trợ cấp xã hội. Việc điều chỉnh ngân sách dành cho các khoản chi xã hội trong ngân sách Nhà nước theo hướng có lợi cho các nhiệm vụ đầu tư xã hội. Trong đó, nghiên cứu, giáo dục và đào tạo giữ vị trí then chốt.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, những ưu điểm của chính sách thị trường lao động và việc làm phù hợp với tình hình trong nước và thế giới của các mô hình nói trên là những kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam. Chúng ta có thể nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của mình nhằm xây dựng và phát triển thị trường lao động, việc làm trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
(Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)