Cuba kiên định và sáng tạo trên con đường xã hội chủ nghĩa

Năm 2009 vừa khép lại, sự nghiệp cách mạng Cuba tròn tuổi 50 và bước vào năm 2010 với những thành tựu to lớn qua nửa thế kỷ chiến đấu và chiến thắng. Biết bao sự kiện đã diễn ra trong suốt 51 năm qua, nhưng thắng lợi ngày 1-1-1959 vẫn mãi mãi sống động trong ý thức và nhận thức của nhân dân Hòn đảo Xanh anh hùng, vì đó là cột mốc khẳng định Cuba thật sự bước vào kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; là bằng chứng không thể bác bỏ về sức sống của CNXH đã ra đời, biết tự bảo vệ và lớn mạnh ngay tại “sân sau” của đế quốc Mỹ; là đội tiền phong mở đường cho nhân dân các dân tộc Mỹ-La tinh đấu tranh giành độc lập, tự do, nhân phẩm và tiến bộ xã hội.

Từ năm 1959 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Phiđen Caxtrô, nhân dân Cuba đã ghi thêm nhiều chiến công trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng CNXH. Mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ thông tin xuyên tạc, cô lập ngoại giao, cấm vận thương mại, bao vây kinh tế đến đe doạ chiến tranh và đổ bộ xâm lược vũ trang, tất thảy đều không khuất phục nổi Cuba. Trái lại, hơn 11 triệu nhân dân-chiến sĩ cả nước đã kiên định và sáng tạo trên mọi mặt trận. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng đất nước đã có một nền kinh tế công-nông nghiệp và dịch vụ với một số mũi nhọn đạt trình độ cao (kỹ nghệ biến đổi gien, công nghệ sinh học, xây dựng, du lịch, sản xuất xì gà, khai thác niken, chế biến nước hoa quả...). Từ một thuộc địa là chốn ăn chơi, tiêu xài của tư bản độc quyền Mỹ, Cuba đã trở thành một quốc gia phát triển về mặt xã hội với sự ưu việt vượt bậc về giáo dục, y tế, thể thao, văn hoá, nghệ thuật... Tỷ lệ mù chữ giảm từ 30% xuống dưới 0,2% trong vòng 50 năm qua, 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí, tuổi thọ bình quân của người dân hiện nay đạt 77,97 so với 59 tuổi năm 1959... Với những thành tựu ấy, hiện thực Cuba là bằng chứng sinh động khẳng định trong thế giới đương đại, hoàn toàn có thể và cần xây dựng một xã hội khác với xã hội tư bản để đem lại hoà bình, độc lập cho các dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

 

 Vượi qua “thời kỳ đặc biệt” khi Liên Xô tan rã, từ năm 2005 đến nay, kinh tế Cuba đã vượt qua tình trạng suy thoái và bước vào thời kỳ tăng trưởng khá. Đây là nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất ở khu vực Mỹ-La tinh, đặc biệt năm 2006 đạt tốc độ 12,5%. Khẩu hiệu chỉ đạo hoạt động kinh tế của đất nước là: “Sản xuất ra nhiều nhất bằng ít nguồn lực nhất”. Trên thực tế, sản lượng điện sản xuất tăng trên 7%/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng 4,2%/năm nhờ áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm. Thu hút đầu tư nước ngoài của Cuba tăng 25-30%/năm liên tục trong 2-3 năm qua, chủ yếu vào các ngành công nghiệp dược phẩm, khai thác dầu khí, đánh cá, viễn thông, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoại thương đạt giá trị xuất khẩu năm 2006 là 10,4 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2005; năm 2007 đạt hơn 11 tỷ USD và năm 2008 xấp xỉ 13 tỷ USD. Chính phủ Cuba vừa thông báo tìm thấy mỏ dầu ở ngoài khơi Vịnh Mêhicô với trữ lượng hơn 40 tỷ thùng, bằng trữ lượng của Mỹ. Hiện tại, cả nước sản xuất 60.000 thùng dầu/ngày, đáp ứng 1/2 nhu cầu trong nước.

 Cuba hiện có quan hệ ngoại giao với 180 nước, có 143 văn phòng đại diện ở nước ngoài tại 116 nước trên thế giới. Sự hiện diện của Cuba tại các tổ chức liên kết khu vực ngày càng được củng cố. Cuba có những đóng góp to lớn cho những quốc gia đang phát triển, đang đào tạo 53.000 sinh viên đến từ 89 nước và gửi hàng trăm nghìn giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện đến 103 quốc gia trên thế giới. Tại cuộc họp năm 2009 vừa qua, năm thứ 18 liên tiếp, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết “Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba” với sự ủng hộ của 187/192 nước thành viên. Số phiếu ủng hộ trong năm nay tăng 2 phiếu so với năm ngoái, 3 nước bỏ phiếu chống và 2 nước bỏ phiếu trắng.

 Trong những năm qua, Đảng và nhân dân Cuba kiên định con đường XHCN, năng động, sáng tạo triển khai các cải cách kinh tế, xã hội. Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 54 năm cuộc tấn công Môncađa ngày 26-7-2007, Chủ tịch Raun Caxtrô nêu ra nhiều vấn đề cấp bách và cơ bản của đất nước, đồng thời, kêu gọi toàn dân nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến. Các tầng lớp nhân dân đã sôi nổi thảo luận trong suốt 2 tháng 9 và 10. Tháng 11, các cơ quan trung ương tổng hợp các ý kiến và đến tháng 12, Ban Chấp hành Trung ương thông qua báo cáo cuối cùng. Tổng cộng có 5,1 triệu người tham gia thảo luận qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có hơn 3,2 triệu ý kiến phát biểu tại các cuộc họp, hơn 1,3 triệu tham luận, trong đó hơn 48% là ý kiến phê bình. Các vấn đề được quan tâm nhiều nhất gồm: tình hình sản xuất lương thực, thực phẩm; chủ trương thay thế nhập khẩu; nâng cao hiệu quả sản xuất, tình hình kinh tế-xã hội; nhu cầu tiết kiệm trong tiêu dùng và sản xuất; tình trạng tham nhũng và các hành vi phạm tội; công tác quốc phòng; công tác cán bộ... Nổi lên trên hết là ý chí quyết tâm bảo vệ và xây dựng thành công chế độ XHCN.

 Với khẩu hiệu “Trở lại với đất đai để sản xuất nhiều hơn!”, Cuba đã tận dụng, khai thác có hiệu quả hơn diện tích đất canh tác. Cả nước có khoảng 6,6 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ có 2,9 triệu ha được canh tác. Sắc lệnh về cải cách nông nghiệp, khuyến khích nông dân sản xuất nhằm tăng sản lượng lương thực quy định những hộ nông dân chưa có đất canh tác sẽ được nhận nhiều nhất là 13,42 ha đất để trồng trọt và chăn nuôi trong vòng 10 năm và sẽ được gia hạn tiếp 10 năm nữa. Những hộ nông dân canh tác có hiệu quả sẽ được nhận tới 40,26 ha. Người sử dụng đất được hưởng lợi nhuận từ kết quả lao động của mình, đồng thời phải nộp thuế theo quy định. Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mới được ban hành khuyến khích sản xuất tại mỗi địa phương, phù hợp với đặc tính riêng của từng vùng và tận dụng tối đa hệ thống tưới tiêu; tăng cường sản xuất lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Chiến lược sẽ được thực hiện từng bước, 16 huyện đã được chọn để thử nghiệm mô hình này.

Tại phiên họp của Quốc hội ngày 11-7-2009, Chủ tịch Raun Caxtrô tuyên bố những điều chỉnh để phù hợp tình hình kinh tế thế giới, theo đó Cuba sẽ phải đầu tư một cách hợp lý những nguồn lực ít ỏi hiện có. Chính phủ quyết định tăng tuổi làm việc thêm 5 năm đối với người lao động (nam 65, nữ 60), nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng già hóa dân số đang ngày càng tăng; tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện vấn đề tiền lương để có thể từng bước tăng lương cho người lao động; hủy bỏ các biện pháp kiểm soát hành chính đối với quy trình sản xuất nông nghiệp trước đây; tăng giá thu mua thịt và các sản phẩm sữa; cho phép người dân được tự do tiêu thụ sản phẩm của mình; cho phép tư nhân trở lại tham gia

kinh doanh trong lĩnh vực vận tải cùng với việc Chính phủ chi 2 tỷ USD để nâng cấp hệ thống giao thông công cộng...

Chính phủ Cuba ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ sinh học và dược phẩm. Cuba đã xuất khẩu 38 loại dược phẩm tới 40 nước, trong đó cung cấp miễn phí cho nhiều nước đang phát triển. Kim ngạch xuất khẩu dược phẩm Cuba đã vượt các mặt hàng truyền thống như xì gà, rượu rum, đường và hải sản. Ngành chăn nuôi bò, đặc biệt là sản xuất sữa trong những tháng gần đây, ngoài việc cung cấp sữa tươi cho các nhà máy, đã đáp ứng đủ nhu cầu sữa tươi cho nhân dân tại 60/89 huyện của cả nước. Cuba sẽ không phải nhập khẩu 5.600 tấn sữa bột trong năm nay. Sản lượng sữa năm 2008 đạt 403 nghìn lít; năm 2009 ước đạt gần 500 nghìn lít, so với 272 nghìn lít năm 2006.

Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã quyết định lùi thời điểm tổ chức Đại hội VI của Đảng, trước dự định vào cuối năm 2009. Nhiệm vụ của những người cộng sản và nhân dân Cuba hiện nay là, với sự tham gia rộng rãi nhất của quần chúng, xác định CNXH mà Cuba muốn và Cuba có thể xây dựng được trong hoàn cảnh hiện tại và tương lai của đất nước; mô hình kinh tế vì lợi ích của nhân dân và đảm bảo sự không thể đảo ngược của thể chế chính trị-xã hội của đất nước là gì? Trung ương sẽ chuẩn bị dự thảo các văn kiện, sau đó xin ý kiến của toàn dân và Đại hội VI chỉ được tổ chức khi quá trình xây dựng các văn kiện này hoàn tất. Đó sẽ là một đại hội mà đảng viên và nhân dân cùng thảo luận mọi vấn đề của đất nước; sẽ là một đại hội thật sự cần thiết trong tình hình hiện nay nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt và hướng đến tương lai.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Cuba là di sản quý báu của hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước; là tấm gương sáng về tình hữu nghị thuỷ chung, trong sáng. Trong thời gian qua, mối quan hệ ấy tiếp tục được củng cố và phát triển toàn diện. Lãnh đạo hai bên có nhiều nỗ lực chỉ đạo nâng cao hiệu quả cơ chế nhằm phát huy tối đa tiềm năng hợp tác giữa hai nước, nhất là trên các lĩnh vực mỗi nước có thế mạnh và có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển như nông nghiệp, thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng, dầu khí, công nghệ sinh học, xây dựng, du lịch… Cuba đề cao việc Việt Nam cung cấp gạo, triển khai các dự án trồng lúa, ngô và đậu nành với số vốn lên tới 3,4 triệu USD, góp phần giúp Cuba hoàn thành Chương trình an ninh lương thực. Các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước tích cực triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao và các văn kiện hợp tác song phương đã ký kết, đồng thời tìm ra những lĩnh vực và hình thức hợp tác mới, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước, nhằm từng bước đưa quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại lên ngang tầm mối quan hệ chính trị hết sức tốt đẹp giữa hai nước.                                                                       

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất