Bài học về xây dựng Đảng từ cuộc cách mạng vĩ đại

Cách đây tròn 95 năm, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới, thời đại của những người lao động nghèo khổ đấu tranh vươn lên tự giải phóng, thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Cách mạng Tháng Mười để lại nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học về xây dựng Đảng.

1. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của Cách mạng. Đảng phải được trang bị lý luận khoa học và cách mạng, đề ra được cương lĩnh, đường lối đúng đắn, phản ánh được xu thế phát triển của lịch sử và nguyện vọng của nhân dân.

V.I. Lênin - lãnh tụ Cách mạng đã sáng lập Đảng Cộng sản (bôn-sê-vích), một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Từ tháng 3-1898 đến trước Đại hội VII (1918), Đảng có tên là Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga. Tại Đại hội VII (1918), theo đề nghị của V.I. Lênin, Đảng mang tên Đảng Cộng sản (bôn-sê-vich) Nga. Đại hội XIV (1925) - Đảng Cộng sản (bôn-sê-vich) toàn Liên bang. Từ Đại hội XIX (1952) là Đảng Cộng sản Liên Xô. Chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở lý luận cho hoạt động của Đảng. Ngay từ đầu, V.I. Lênin vạch ra Cương lĩnh, đường lối của Đảng, trong đó xác định  rõ cơ cấu, thành phần, tính chất, vai trò, nhiệm vụ, mục đích của Đảng.

Đảng đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga tiến hành cuộc Cách mạng dân chủ tư sản những năm 1905-1907 và Cách mạng Tháng Hai năm 1917, lật đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng, giành thắng lợi cho cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười 1917, thành lập Liên bang Xô viết - nhà nước của nhiều dân tộc (1922). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dân Xô viết đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945), sau đó tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhằm khắc phục tình trạng trì trệ kéo dài sau những năm 1970 và đẩy nhanh sự phát triển mọi mặt của đất nước, từ tháng 4-1985, Đảng Cộng sản Liên Xô chủ trương tiến hành công cuộc cải tổ. Tuy nhiên kết quả không như dự tính, tình hình kinh tế-xã hôi diễn biến phức tạp không thể kiểm soát. Sau chính biến 19-8-1991, ngày 24-8, M.Goóc-ba-chốp tuyên bố từ bỏ chức Tổng Bí thư Đảng, đề nghị giải tán Uỷ ban Trung ương, các đảng cộng sản ở các nước cộng hoà tự quyết định vận mệnh của mình, ra lệnh tịch thu các tài sản của Đảng, cấm các tổ chức đảng hoạt động trong quân đội, các xí nghiệp, cơ quan nhà nước và trong lực lượng an ninh. Sự kiện này đánh dấu sự chấm dứt hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô sau 93 năm lãnh đạo đất nước. Quá trình hình thành, phát triển và tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô cho thấy Đảng là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng. Một khi Đảng không còn giữ được bản chất cách mạng tiên tiến, không có được cương lĩnh, đường lối đúng đắn, phản ánh được xu thế phát triển của thời đại và quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân thì thất bại là không thể tránh khỏi.

2. Giữ vững kỷ luật, đấu tranh không khoan nhượng nhằm loại bỏ những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất, làm trong sạch Đảng là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

Đảng Cộng sản Liên Xô là đội tiền phong của giai cấp công nhân. Trong Đảng thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm Đảng là một tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh. Chỉ khi nào tất cả các đảng viên gắn bó với nhau bằng sự thống nhất ý chí, hành động, kỷ luật thì khi ấy Đảng mới có thể lãnh đạo nhân dân vươn tới mục đích đã đề ra.

Công tác xây dựng đảng vững mạnh, thống nhất ý chí về chính trị, tư tưởng và tổ chức là cơ sở triển khai thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối của Đảng. Trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng và sau khi Đảng Cộng sản Nga (b) thành lập, V.I. Lênin và những người cộng sản chân chính đã luôn phải đấu tranh chống lại các phe phái, bè nhóm trong Đảng đại diện cho các lực lượng khác nhau, như: phái men-sê-vích, chủ nghĩa kinh tế, chủ nghĩa dân túy… Đây là cuộc đấu tranh không kém phần quyết liệt và gay gắt, làm cho Đảng được thống nhất ý chí và hành động, yếu tố không thể thiếu để củng cố và tăng cường sức mạnh của Đảng từ bên trong.

3. Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể luôn là một đòi hỏi và là một nhân tố đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng.

Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Trong quá trình vận dụng lý luận cần hết sức linh hoạt, sáng tạo, tránh xơ cứng, giáo điều, dập khuôn, máy móc. Thực tế Cách mạng Tháng Mười Nga cho thấy, căn cứ vào tình hình thực tiễn, sự giác ngộ giai cấp công nhân và quần chúng cách mạng, tương quan so sánh lực lượng giữa giai cấp công nhân và quần chúng cách mạng với các lực lượng phản cách mạng, V.I. Lênin và Đảng Cộng sản (b) có lúc chủ trương đánh đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng, có lúc phải tạm thời để chính quyền rơi vào tay giai cấp tư sản và khi thời cơ đến quyết tâm phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Khẩu hiệu của cách mạng luôn được thay đổi cho phù hợp tình hình thực tế.

4. Giữ vững bản chất giai cấp và liên hệ mật thiết với nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân.

V.I. Lênin và Đảng Cộng sản (b) Nga đã dựa vào giai cấp công nhân để xây dựng lực lượng cách mạng, phát triển sự giác ngộ giai cấp của họ và đưa họ ra đấu tranh để giành quyền lợi của giai cấp mình.Trước khi thành lập Đảng năm 1895, V.I. Lênin đã thành lập Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Đây là bước quá độ để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp công nhân. Dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin, Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân đã gắn cuộc đấu tranh của công nhân đòi thực hiện những yêu sách về kinh tế, cải thiện điều kiện lao động, giảm giờ làm, tăng tiền công với cuộc đấu tranh chính trị chống chế độ Nga hoàng.

Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Cách mạng chỉ giành được thắng lợi khi phát huy được sức mạnh của nhân dân, trong đó xây dựng lực lượng nòng cốt là giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức.

Dù Đảng được tổ chức tốt như thế nào đi nữa nhưng nếu không có liên hệ với quần chúng nhân dân và  không ngừng củng cố, tăng cường mối liên hệ ấy thì Đảng vẫn sẽ không thể tồn tại và phát triển. Một đảng mà biệt lập với nhân dân, mất liên hệ, hoặc liên hệ lỏng lẻo với nhân dân, đảng ấy sẽ mất hết tín nhiệm và sự ủng hộ của nhân dân, do đó sẽ không tránh khỏi bị diệt vong. Muốn giữ vững sự lãnh đạo của mình, Đảng phải tăng cường liên hệ với quần chúng nhân dân, phải được hàng triệu quần chúng lao động ủng hộ. Đảng cần xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo cách mạng kiên trung, ý chí sắt đá, niềm tin mãnh liệt và một tấm lòng thương yêu quần chúng nhân dân, hòa mình với quần chúng, đặt lợi ích của mình trong lợi ích của quần chúng.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là do V.I. Lênin và Đảng Cộng sản (b) gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, thực hiện nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân. Đảng cộng sản liên Xô tan rã, Liên Xô sụp đổ vì đã xa rời nguyên tắc này, quan liêu, cửa quyền, đặc quyền, đặc lợi, xa rời nhân dân. 

6. Có lãnh tụ với những quyết sách đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, dũng cảm phi thường và tấm lòng nhân ái, bao dung.

Cách mạng đòi hỏi sự sẵn sàng hy sinh, không có chỗ cho kẻ hèn nhát, do dự, lừng khừng. Cách mạng Tháng Mười gắn chặt với tên tuổi của V.I. Lênin, người sáng lập, tổ chức và rèn luyện Đảng Cộng sản (b). V.I. Lênin đã hội tụ phẩm chất của một lãnh tụ của giai cấp và của dân tộc. Ở Người toát ra một ý chí mạnh mẽ, tư duy nhạy bén, sắc sảo, nghị lực phi thường và tấm lòng nhân ái, cảm thông, chia sẻ sâu sắc với toàn thể nhân dân lao động.

Trong quá trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đặt chân lên quê hương Cách mạng Tháng Mười. Tận mắt chứng kiến nhân dân làm chủ và những thành tựu bước đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người càng nhận rõ hơn con đường mình đã chọn cho dân tộc Việt Nam: Con đường đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin. Sau nhiều năm chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đầu năm 1930, Hồ Chí Minh đã đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã có một chính đảng tiên tiến lãnh đạo. 15 tuổi Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó Đảng đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng “hai đế quốc to” là Pháp và Mỹ.

Trung thành với lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những bài học thành công và thất bại của Đảng Cộng sản Liên xô là những bài học quý báu, thiết thực đối với Đảng ta trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu do Đảng đề ra.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất