Hơn 30 năm thực hiện cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong nước và quốc tế. Vị thế kinh tế của Trung Quốc trên thế giới được nâng lên nhanh chóng. Trung Quốc đã và đang thực hiện có hiệu quả 5 hoá: công nghiệp hoá; thông tin hoá; đô thị hoá; thị trường hoá và quốc tế hoá. Cơ sở hạ tầng cả nước đang được hiện đại hoá, tốc độ phát triển đô thị ở cả thành thị, nông thôn diễn ra nhanh, mạnh. Trung Quốc đã và đang hình thành những đô thị điển hình, kiểu mẫu ở nông thôn và những khu - vườn công nghiệp lớn, có sức thu hút đầu tư cao. Trình độ khoa học kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực có sự phát triển vượt bậc…
Thành tựu của hơn 30 năm cải cách, mở cửa của Trung Quốc - đất nước trên 1,3 tỷ dân gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc. Trong công tác xây dựng đảng, ĐCS Trung Quốc đã đạt được những kết quả quan trọng và có nhiều đổi mới cả trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức-cán bộ và phát huy dân chủ trong Đảng. Đặc biệt, trong công tác tổ chức, cán bộ, ĐCS Trung Quốc có nhiều sáng tạo nổi bật, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Đảng trên mọi lĩnh vực.
Một là, thí điểm chế độ đại hội đại biểu đảng ở cấp huyện.
Thực tiễn hoạt động của ĐCS Trung Quốc cho thấy, mặc dù Điều lệ Đảng khẳng định ở mỗi cấp, cơ quan lãnh đạo là đại hội đại biểu, giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của mỗi cấp là cấp ủy. Tuy nhiên, đại hội đại biểu của mỗi cấp chỉ họp 5 năm một lần, đại biểu dự đại hội đảng chỉ được thực thi trách nhiệm và quyền hạn của mình trong đại hội. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của đại hội đại biểu đảng và quyền của đại biểu dự đại hội ở mỗi cấp bị hạn chế. Khắc phục những hạn chế này, từ năm 2002, Trung ương ĐCS Trung Quốc đã chủ trương thí điểm cải tiến về chế độ đại hội đại biểu đảng cấp huyện ở Thành phố Nhãn An, tỉnh Tứ Xuyên, thay vì đại hội đại biểu đảng chỉ họp 5 năm/lần bằng mỗi năm họp một lần; các đại biểu dự đại hội đảng được thực thi quyền của mình trong suốt nhiệm kỳ đại hội, được quyền giám sát, chất vấn đối với mỗi cấp ủy viên tại mỗi kỳ họp đại hội. Đại biểu đại hội đảng được coi như một chức vụ trong tổ chức đảng, có quyền hạn, trách nhiệm trong một nhiệm kỳ, không phải là một vinh dự đơn thuần của đảng viên được bầu tại đại hội đảng bộ các cấp.
Hai là, cải tiến chế độ hội nghị ban chấp hành đảng bộ cấp khu.
Theo quy định của Điều lệ Đảng, ban chấp hành đảng bộ các cấp có quyền lớn hơn ban thường vụ, nhưng thời gian giữa các kỳ họp ban chấp hành quá dài (1 năm/lần), dẫn đến thực chất quyền hành tập trung chủ yếu vào các ban thường vụ cấp ủy, đặc biệt là bí thư, phó bí thư, do đó khó kiểm soát, dễ nảy sinh độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng, tiêu cực. Để khắc phục những hạn chế này, Trung ương ĐCS Trung Quốc chủ trương thực hiện thí điểm chế độ hội nghị toàn thể ủy viên ban chấp hành với 5 điểm: tăng số lần họp hội nghị toàn thể ban chấp hành mỗi năm 1 lần lên mỗi năm 4 lần; tăng cường và hoàn thiện chức năng giám sát của ban chấp hành. Những việc do ban thường vụ quyết định sẽ được giám sát bởi một ban do ban chấp hành thành lập; quy chế hóa, cụ thể hóa hoạt động của ban chấp hành, thành lập 3 ủy ban chuyên môn của ban chấp hành (uỷ ban kinh tế, uỷ ban nhân sự, ủy ban đề án, đề mục). Những uỷ ban này trong thời gian không họp ban chấp hành sẽ tiến hành điều tra nghiên cứu những vấn đề liên quan; thay đổi phương thức biểu quyết giơ tay hoặc vỗ thay bằng hình thức biểu quyết điện tử; thúc đẩy hoạt động công khai của ban chấp hành thông qua mạng In-tơ-net.
Ba là, sáng tạo mới về xây dựng tổ chức cơ sở đảng với nhiều quan điểm và cách làm.
- Mở rộng diện ảnh hưởng của tổ chức đảng trên các lĩnh vực, thực hiện công tác đảng và tổ chức đảng che phủ cả xã hội, ở đâu có quần chúng thì ở đó có công tác của Đảng, ở đâu có đảng viên thì ở đó có tổ chức đảng.
- Thúc đẩy sáng tạo mới trong công tác tổ chức của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). TCCSĐ phải thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới, tình hình mới, có phương thức nội dung của hoạt động sáng tạo mới.
- Tăng cường sức sống của đội ngũ đảng viên ở cơ sở. Đảng viên phải thể hiện sức sống cả về tinh thần, ý chí, nghị lực, trí tuệ và tính chất tiên tiến. Sức sống của đội ngũ đảng viên chính là sức sống của tổ chức đảng và sức sống của toàn Đảng.
- Xây dựng đội ngũ bí thư TCCSĐ có năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, giữ niềm tin, vui lòng cống hiến, có bản lĩnh, coi trọng phẩm hạnh.
- Tăng cường xây dựng các TCCSĐ ở nông thôn và thành thị, lấy thành thị thúc đẩy nông thôn và ngược lại, bổ sung cho nhau cùng phát triển nhịp nhàng.
Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của các TCCSĐ là thúc đẩy phát triển; phục vụ quần chúng; đoàn kết lòng người; thúc đẩy hài hoà; đưa quan điểm 3 phục vụ vào công việc của TCCSĐ là: tổ chức đảng cấp trên phục vụ TCCSĐ, TCCSĐ phục vụ đảng viên, tổ chức đảng và đảng viên phục vụ quần chúng.
Thành lập tổ chức đảng ở “hai tân tổ chức” (tổ chức kinh tế mới và tổ chức xã hội mới); thành lập chi bộ khối văn phòng, lầu thương vụ; thành lập đội ngũ chuyên làm công tác quản lý công việc của Đảng ở cơ sở, hình thành các trung tâm dịch vụ đảng viên; thiết lập tổ chức đảng trong những hợp tác xã chuyên môn, hiệp hội chuyên môn, ngành nghề ở nông thôn.
Bốn là, sáng tạo mới trong một số khâu của công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, năng lực, đạo đức tốt đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá… trong nước và hội nhập quốc tế.
ĐCS Trung Quốc đã đề ra phương châm 4 hoá trong công tác cán bộ, đó là: “cách mạng hoá, trẻ hoá, tri thức hoá, chuyên môn hoá” và theo quan điểm: kiên trì tiêu chuẩn dùng người đức tài toàn vẹn, lấy đức làm trọng tâm; lấy dân chủ, công khai, cạnh tranh, lựa chọn những người ưu tú làm phương hướng, cải cách, mở rộng dân chủ trong công tác cán bộ, tăng cường tính công khai trong công tác cán bộ, làm cho nhân tài ưu tú bộc lộ toàn bộ tài năng. Những năm vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành cải cách công tác cán bộ đảng, chính quyền ở các nội dung: tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, hoàn thiện chế độ sát hạch cán bộ; thúc đẩy việc luân chuyển cán bộ; tăng cường giám sát cán bộ lãnh đạo và giám sát công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ; hoàn thiện một bước chế độ nhân viên công vụ nhà nước và chế độ thẩm phán, kiểm sát viên; hoàn thiện chế độ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; cải cách chế độ tiền lương và phúc lợi xã hội.
Một trong những nét đáng chú ý trong công tác cán bộ của ĐCS Trung Quốc những năm qua là chế độ khảo hạch, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Trung Quốc đã thực hiện quy trình khảo hạch, tuyển chọn cán bộ thông qua 4 bước: thông báo, đăng ký ghi tên dự thi; thi viết và tham gia phỏng vấn; đánh giá kết quả và bổ nhiệm. Trong công tác khảo hạch cán bộ của Trung Quốc được thực hiện bởi 03 loại hình cơ bản: khảo hạch bình thường; khảo hạch định kỳ (hàng năm); khảo hạch nhậm chức (trước khi bổ nhiệm). Nội dung khảo hạch gồm 5 vấn đề: chính trị tư tưởng; năng lực lãnh đạo; thành tích thực tế; chống hủ bại, đề xướng liêm khiết; hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu trọng điểm. Các khâu then chốt của khảo hạch là: giới thiệu dân chủ; đánh giá dân chủ; điều tra dân ý; phân tích thành tích; nói chuyện, tâm sự; đánh giá tổng hợp. Kết quả đánh giá hằng năm và kết quả khảo hạch cán bộ sẽ là căn cứ để cơ quan quản lý nhân sự thực hiện việc khen thưởng, đào tạo, tăng lương, điều chỉnh, thăng hoặc giáng chức… Những người liên tục được đánh giá là ưu tú sẽ được khen thưởng tương xứng về tinh thần cũng như về vật chất.
Có thể khẳng định, những thắng lợi và thành tựu trong cải cách, mở cửa của Trung Quốc gắn liền với những sáng tạo và thành tựu trong công tác xây dựng đảng của ĐCS Trung Quốc. Chính yêu cầu của công cuộc cải cách, mở cửa đòi hỏi ĐCS Trung Quốc đổi mới nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng, về công tác tổ chức, cán bộ, đồng thời xây dựng hệ thống lý luận khoa học của cải cách, mở cửa, lý luận về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền trong điều kiện mới.
TS. Dương Trung Ý
Học viện Xây dựng Đảng