Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông

Giải thưởng quốc tế đầu tiên mang tên Việt Nam là Giải thưởng Trần Nhân Tông về hoà giải. Giải thưởng hàm chứa các giá trị Việt Nam được phổ quát tới toàn nhân loại, làm rạng danh lịch sử dân tộc với nội hàm sâu sắc về hòa giải, yêu thương, đoàn kết cùng phát triển các giá trị, di sản của dân tộc.

Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông do Viện Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy) tổ chức. Viện Trần Nhân Tông được thành lập do một số nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Ha-vớt (Harvard University), một trong những cái nôi của trí tuệ nước Mỹ và do Giáo sư Thô-mát Pa-tê-sơn (Thomas Patterson) làm Chủ tịch. Giáo sư Thô-mát Pa-tê-sơn (Thomas Patterson) hiện là Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Ha-vớt (Harvard University), được đánh giá là Trung tâm nghiên cứu Báo chí, Chính trị và Chính sách công uy tín trên toàn cầu, nơi thu hút được nhiều nhà lãnh đạo truyền thông, nhà báo nổi tiếng thế giới. Mục đích Viện Trần Nhân Tông đề ra gồm: (1) Tổ chức nghiên cứu về Trần Nhân Tông theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời xuất bản các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm về Trần Nhân Tông bằng nhiều loại hình. (2) Thúc đẩy, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống. (3) Quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới.

Trần Nhân Tông là Hoàng thái tử của vua Trần Thánh Tông, lên ngôi nǎm 21 tuổi (1279). Ông làm vua 14 nǎm, đến 35 tuổi nhường ngôi cho con là Anh Tông để làm Thái Thượng hoàng. Dưới sự trị vì của ông, triều đại nhà Trần là một thời thịnh trị, một trong những triều đại hiển hách nhất cả về võ công và văn trị trong lịch sử Việt Nam. Đây cũng là thời kỳ nhà Trần phải đối diện cùng một lúc với vô số thử thách. Lãnh thổ nhỏ yếu và liên tiếp bị xâm lăng bởi các lân bang. Đặc biệt, đây là giai đoạn chứng kiến sự ra đời và bành trướng khắp thế giới của đế quốc Mông Cổ (1271-1368). Tuy nhiên, vó ngựa xâm lăng của đế chế Mông Cổ đã bị chặn đứng ở một quốc gia nhỏ bé - Đại Việt. Cùng với vua cha Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã trực tiếp lãnh đạo ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông  (lần thứ 2 năm 1285 và lần thứ 3 cuối năm 1287 đến tháng 4 năm 1288 và giành được thắng lợi quân sự cuối cùng). Dưới triều vua Trần Nhân Tông, tinh thần vệ quốc được phát huy ở mức cao nhất, toàn dân sục sôi ủng hộ, sẵn sàng, quân sĩ tỏ thái độ quyết không đội trời chung với địch. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những vị nguyên soái, đại tướng lỗi lạc như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão v.v. trong đó, tên tuổi của Trần Hưng Đạo đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam để trở thành một trong những danh tướng của thế giới. Những thắng lợi từ cuộc kháng chiến thần thánh này đã giúp nhà Trần giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền móng cho việc mở mang bờ cõi, yên định biên cương và  xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiêu biểu cho các giá trị truyền thống. Đặc biệt, đây chính là những chiến thắng đã khởi đầu cho sự sụp đổ của đế chế Nguyên - Mông, giải thoát cho các quốc gia khác khỏi một ách thống trị xâm lược tàn bạo. 

Sau khi lãnh đạo toàn dân kháng chiến đánh thắng quân xâm lược,Trần Nhân Tông bắt tay xây dựng đất nước bằng việc khởi xướng tinh thần yêu thương hoà giải. Ngay sau khi về lại Thăng Long, vua đã ra lệnh đốt tất cả những bằng chứng có thể kết tội những người đã từng thông đồng với giặc. Việc này được sử sách ca ngợi có tác dụng an dân và định nhân tâm một cách sâu sắc và thành công. Để rồi trong toàn bộ công cuộc mở mang  bờ cõi và xây dựng nền văn hóa, vua Trần Nhân Tông đã tụ hội được những người giỏi nhất giúp sức cho đại nghiệp.

Việc xoá bỏ mọi dấu tích của những người trong lúc loạn lạc lầm lỗi theo giặc, vua Trần Nhân Tông đã dùng trí tuệ và sự nhân từ của đạo Phật kết hợp với tinh thần đoàn kết truyền thống của dân tộc Việt Nam để tập hợp mọi người vào một sự nghiệp chung. Sự hoà hợp đó trở thành nền móng căn bản nhất cho việc hình thành và phát triển một nền văn hoá Việt Nam tiêu biểu cho các giá trị nhân văn, cao cả và yêu thương giữa con người. Các giá trị này, kể từ thời điểm đó đã là những giá trị phổ quát chung của nhiều dân tộc trên thế giới, bất chấp khoảng cách địa lý, khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ.

Không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất, Trần Nhân Tông còn in đậm dấu ấn của một nhà văn hóa lớn và là vị tổ sư sáng lập ra Trúc Lâm, thiền phái đầu tiên đặc sắc Việt Nam. Cùng với thời gian, tư tưởng Trần Nhân Tông đã vươn ra toàn cầu  kết tinh những giá trị cao cả nhất của nhân loại: trí tuệ, lòng nhân ái và sự hòa giải.

Lễ trao Giải thưởng Trần Nhân Tông lần đầu tiên được tổ chức ngày 21-9-2012 tại Đại học Ha-vớt (Mỹ). Tổng thống Mi-an-ma, ông U Thên Xên và bà A-ung Xan Xu Ki, lãnh tụ Ðảng Đối lập - Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) được trao tặng Giải thưởng danh giá này. Tiêu chí của giải thưởng này trao cho 2 người ở 2 phía đối lập, xung đột, bắt tay, hoà giải với nhau nhằm đem lại hoà bình, hạnh phúc, phát triển cho đất nước, người dân. Hòa giải chỉ thực sự được diễn ra khi mỗi bên sẵn sàng bước tới với sự khoan dung, với một tấm lòng cao cả và điều chỉnh để tiến tới sự tương đồng. Trong năm qua Tổng thống U Thên Xên và bà A-ung Xan Xu Ki đã có những nỗ lực để đưa đất nước Mi-an-ma biến chuyển tốt đẹp về chính trị, được thế giới trân trọng, ghi nhận. Đồng thời, giải thưởng Trần Nhân Tông về hoà giải muốn gửi đến lời chúc các vị lãnh đạo Mi-an-ma tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa cho đất nước Mi-an-ma và thế giới.

Lễ trao giải đã quy tụ được nhiều nhân vật danh tiếng đến từ khắp năm châu, với tinh thần hoà giải và yêu thương đã thực sự là một ngày hội lớn, một ngày trọng đại tôn vinh tinh thần hoà giải, tôn vinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Phản hồi (7)

Bùi Dũng 03/11/2012

Bài quá bổ ích và hay.

Nguyễn Vinh Quang 03/11/2012

Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất trên thế giới vừa là vua của một quốc gia, vừa được tôn vinh là Phật Hoàng-vua của trần thế và vua của đời sống tâm linh, tôn giáo. Tư tưởng, hành động minh triết của nhà vua hóa giải các xung đột xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo bằng hòa giải và yêu thương là tư tưởng nhân loại vượt thời đại, biên giới quốc gia, có tính thời đại ngày nay. Tôi mong Tạp chí có thêm nhiều bài viết nữa về Giải thưởng này, vể Trần Nhân Tông, làm sao tư tưởng hòa giải và yêu thương thấm đẫm ngay trên đất nước Việt Nam ta.

Lê Duyên 31/10/2012

Thông tin hay nhất trong tháng.

1 2 3

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất