Sự trở lại của Đảng Xã hội Pháp
Ngày 6-5-2012, cử tri Pháp đã bỏ phiếu vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. Ông Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (François Hollande) của đảng Xã hội (Parti socialiste-PS) đã trúng cử với gần 52% số phiếu.

Với thắng lợi này, ông P. Ô-lăng-đơ đã trở thành Tổng thống thứ hai của Đảng Xã hội cánh tả sau chiến thắng của ông Phrăng-xoa Mít-tơ-răng trong hai cuộc tranh cử năm 1981 và 1988. Đảng Xã hội Pháp có nguồn gốc từ phong trào tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà đại diện là Chi bộ Pháp của Quốc tế Công nhân (Section française de l'Internationale ouvrière) thành lập năm 1905. Từ năm 1969, đảng với tên Đảng Xã hội chính thức được thành lập. Lãnh tụ nổi bật của Đảng Xã hội Pháp là Phrăng-xoa Mít-tơ-răng (François Mitterand) - Tổng thống Pháp giai đoạn 1981-1995. Tính cho đến năm 2007, Đảng Xã hội là đảng chính trị đứng thứ hai nước Pháp về số đảng viên và nghị viên trong Quốc hội Pháp. Đồng minh chính trị truyền thống của đảng là Đảng Cộng sản Pháp, Đảng cánh tả cấp tiến và Đảng Xanh. Với thắng lợi của ông Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ Đảng Xã hội giành thắng lợi sau 17 năm.

Ông Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ sinh năm 1954 trong một gia đình trung lưu. Cha ông, một bác sĩ, có xu hướng chính trị cực hữu, trong khi mẹ ông, một cố vấn trợ cấp xã hội, lại có xu hướng cánh tả. Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ là cử nhân luật, tốt nghiệp HEC - Trường quản lý kinh doanh hàng đầu của Pháp, Trường Khoa học chính trị Pa-ri (Sciences-Po) và Trường Hành chính quốc gia (ENA) năm1980. Khi còn là sinh viên, ông đã tham gia các hoạt động chính trị và gia nhập đảng Xã hội từ năm 1979. Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ từng làm cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Phrăng-xoa Mít-tơ-răng. Năm 1997, ông trở thành lãnh đạo đảng Xã hội và đảm nhiệm vị trí này trong hơn 1 thập kỷ. Tuy vẫn tiếp tục hoạt động chính trị nhưng Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ rời Chính phủ năm 1984 và hành nghề luật sư chuyên kinh tế tài chính, giảng viên về kinh tế học ở Viện khoa học chính trị Pa-ri (Sciences-Po) đến năm 1991. Ông chưa từng đảm nhiệm một vị trí nào trong Chính phủ Pháp. Tuy ông chưa từng giữ chức bộ trưởng nào nhưng đã từng làm việc trong Chính phủ và là người đứng đầu Đảng Xã hội trong 11 năm. Ông cũng là người từng được cựu Tổng thống Phrăng-xoa Mít-tơ-răng đào tạo như một nhà kỹ trị và được huấn luyện trong hoạt động chính trị. Ông được đánh giá là thông minh, điềm đạm, khéo léo và dễ tạo được sự đồng thuận.

Giai đoạn hiện nay đang là thời điểm khó khăn nhất đối với nước Pháp kể từ sau đợt bầu cử tổng thống năm 2007. Nước Pháp không nằm ngoài quỹ đạo của cơn bão khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới, đặc biệt là của cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng trong khu vực đồng Euro và những vấn đề khó khăn trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Nợ công của Pháp từ 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2007 - năm đầu tiên Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) thuộc đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) nắm quyền - lên đến hơn 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2011, tương đương 85,3% GDP, buộc Chính phủ Pháp phải thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm 24,6 tỷ USD. Tâm trạng của công chúng lại càng thất vọng thêm khi tháng 12-2011 Standard & Poors hạ mức xếp hạng tín dụng của Pháp xuống mức AA, cùng tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng được dự đoán là sẽ vượt mức 10% trong năm 2012. Những doanh nhân từng làm ăn ở Pháp trong những năm qua đã cảm nhận rất rõ sự thay đổi không tích cực đối với người nước ngoài, đặc biệt trong việc siết chặt các quy định về nhập cư và giấy phép cư trú…

Trước những khó khăn đó,  Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ chọn khẩu hiệu “Sự thay đổi là bây giờ” với những đề xuất: tăng thuế đến 75% đối với những người có thu nhập trên một triệu euro/năm, không để cho giới đầu cơ tài chính khuynh đảo kinh tế quốc gia và vùng euro, tăng trưởng và tạo việc làm… đã được đa số cử tri ủng hộ. Chính sách đối nội và đối ngoại của Pháp sẽ có sự điều chỉnh để thực hiện những cam kết mà Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ đưa ra trong cương lĩnh tranh cử, nhằm đưa nước Pháp vượt qua những khó khăn nội bộ, vững vàng và cân bằng hơn trên bình diện đối ngoại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế ở châu Âu và vị thế trên thế giới. Nhưng đó là con đường dài gập ghềnh với muôn vàn khó khăn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất