Tình hữu nghị gắn bó Việt Nam - Căm-pu-chia
Quốc vương Căm-pu-chia Nô-rô-đôm Si-ha-mô-ni và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
1. Lịch sử gắn bó truyền thống

Việt Nam và Căm-pu-chia là hai nước láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị  lâu đời. Quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Căm-pu-chia được Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Ngày 24-6-1967 hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm hữu nghị cấp nhà nước tới Căm-pu-chia từ ngày 6-8-12-2011 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí lấy năm 2012 là Năm Hữu nghị Việt Nam - Căm-pu-chia  

Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Căm-pu-chia (thành lập 1951) đã có lịch sử gắn bó thân thiết. Tháng 1-1963, tập đoàn Pôn Pôt - Iêng Xa-ry tiếm quyền trong Đảng. Tháng 4-1975, sau khi chế độ Lon Non bị lật đổ, Pôn Pốt lên làm Thủ tướng, thực hiện chính sách diệt chủng đối với nhân dân Căm-pu-chia (1975 - 1979). Đại hội III của Đảng (5 - 9-1-1979) đã thông qua Cương lĩnh và Điều lệ mới với nhiệm vụ "đánh đổ chính quyền của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Yêng Xa-ry, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân, làm cho Căm-pu-chia trở thành một nước hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội". Trước tình hình đất nước hiểm nguy, các lực lượng cách mạng yêu nước Căm-pu-chia đã lập nên Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Căm-pu-chia để tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chống lại bè lũ diệt chủng. Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Căm-pu-chia, đồng thời để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, các chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Căm-pu-chia  tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ, cứu nhân dân Căm-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Ngày 7-1-1979 của Cách mạng Căm-pu-chia đã giành thắng lợi. Với thắng lợi này, nhân dân Căm-pu-chia đã  thực hiện công cuộc hồi sinh và mở ra kỷ nguyên độc lập, hoà bình, tự do và phát triển cho đất nước.

Sau khi đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Yêng Xa-ry (1979), Đại hội IV (26 - 28-5-1981) đề ra nhiệm vụ trung tâm của cách mạng là bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, xây dựng tổ quốc và chính thức lấy lại tên là Đảng Nhân dân cách mạng Căm-pu-chia. Đại hội cử ông Hêng Xom-rin làm Tổng Bí thư. Đại hội V (13 - 16-10-1985) đã tổng kết 7 năm hồi sinh của dân tộc, đề ra nhiệm vụ chiến lược chung và đường lối đối nội, đối ngoại. Ông Hêng Xomrin tiếp tục làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội IV của Đảng Nhân dân cách mạng Căm-pu-chia (26 - 28-5-1981) đề ra nhiệm vụ trung tâm của cách mạng là bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, xây dựng tổ quốc và chính thức lấy lại tên là Đảng Nhân dân cách mạng Căm-pu-chia. Đại hội cử ông Hêng Xom-rin làm Tổng Bí thư. Đại hội V (13 - 16-10-1985) đã tổng kết 7 năm hồi sinh của dân tộc, đề ra nhiệm vụ chiến lược chung và các chủ trương mới về đối nội, đối ngoại. Ông Hêng Xom-rin tiếp tục làm Tổng Bí thư của Đảng. Ngày 17-10-1991, Đại hội bất thường Đảng Nhân dân cách mạng Căm-pu-chia đổi tên thành Đảng Nhân dân Căm-pu-chia, ông Hêng Xom-rin được cử làm Chủ tịch danh dự, ông Chia Xim làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và ông Hun Xen làm Phó chủ tịch.

Nhân dân hai nước trải qua thăng trầm lịch sử đã luôn kề vai sát cánh bên nhau trên tinh thần tin cậy. Từ lịch sử quan hệ truyền thống lâu dài, quan hệ hai Đảng, hai nhà nước và quan hệ giữa mặt trận, hội phụ nữ, tổ chức thanh niên, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt Nam - Căm-pu-chia cũng ngày càng được tăng cường với nhiều nội dung hoạt động thiết thực, góp phần vào việc nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, qua đó góp sức vào việc giữ gìn, vun đắp cho quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Với lịch sử giàu truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau vô tư, trong sáng, quan hệ hai nước luôn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tầm cao mới.

2. Hợp tác toàn diện

Sau Hiệp định Hòa bình Pa-ri năm 1991 và cuộc Tổng tuyển cử năm 1993 tại Căm-pu-chia, quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước. Truyền thống trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương được tiếp tục duy trì. Lãnh đạo cấp cao đều khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và coi đây là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Nô-rô-đôm Si-ha-mô-ni tháng 6-2010, chuyến thăm Căm-pu-chia của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 8-2010 và đặc biệt chuyến thăm hữu nghị Nhà nước Căm-pu-chia mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (6 - 8-12-2011) có ý nghĩa lớn, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, thắt chặt quan hệ láng giềng tốt đẹp, tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện. Thái Thượng hoàng Nô-rô-đôm Shi-ha-nuk khẳng định: Căm-pu-chia và Việt Nam là hai nước không thể tách rời, mối quan hệ quý báu giữa hai nước cần được phát huy trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước.  

Cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa hai nước được thực hiện có hiệu quả thông qua các tổ chức: Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, Hội nghị Hợp tác Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia, Hội nghị Xúc tiến Đầu tư được tổ chức hàng năm. Đặc biệt, một số tỉnh thành của hai nước tuy không có chung biên giới, nhưng cũng tích cực thúc đẩy quan hệ kết nghĩa, ký các thỏa thuận hợp tác giữa các thành phố lớn và nhiều tỉnh thành của hai nước. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Năm 1997-1999, kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ đạt khoảng 130-150 triệu USD/năm, nhưng từ năm 2005, kim ngạch thương mại hai nước tăng trung bình khoảng 30-40%/năm. Năm 2007 đạt hơn 1,2 tỷ USD, năm 2008 đạt 1,6 tỷ USD, năm 2009 đạt 1,33 tỷ USD, năm 2010 đạt 1,8 tỷ USD, năm 2011 đạt 2,8 tỷ USD. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỷ USD trong 5 năm tới. Việt Nam đã có hơn 100 dự án được cấp phép đầu tư tại Căm-pu-chia với tổng số vốn trên 2,2 tỷ USD, tập trung trên các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, năng lượng, trồng cây cao su, chế biến nông sản. Căm-pu-chia trở thành quốc gia đứng thứ hai trên tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Các cơ quan, lực lượng chức năng và các địa phương biên giới Việt Nam và Căm-pu-chia đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ để sớm hoàn thành công tác này theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao. Ngày 24-6-2012, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia Hun Sen cùng dự Lễ Khánh thành cấp nhà nước cột mốc số 314, cột mốc cuối cùng trên đường biên giới trên bộ (thuộc tỉnh Kiên Giang của Việt Nam và tỉnh Kam Pốt của Căm-pu-chia) thể hiện quyết tâm cao của Lãnh đạo và lòng mong muốn của nhân dân hai nước trong việc xây dựng đường biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Trong quan hệ hữu nghị, hợp tác về giáo dục đào tạo vẫn luôn là ưu tiên cao. Hằng năm, Việt Nam và Căm-pu-chia vẫn dành cho nhau hàng trăm suất học bổng dài hạn và ngắn hạn cho sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ của các bộ, ngành và địa phương của hai nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Ngành Y tế Việt Nam vẫn dành cho người dân Căm-pu-chia dọc biên giới Việt Nam được hưởng chế độ khám chữa bệnh ưu đãi như đối với người Việt Nam. Ngoài ra  còn thường xuyên cử các đoàn bác sỹ Việt Nam sang khám, mổ mắt miễn phí cho người Căm-pu-chia. Các hoạt động giao lưu văn hóa, trong đó có việc tổ chức “Tuần Văn hóa” của hai nước theo hình thức luân phiên thường niên đã phát huy vai trò là “cầu nối” giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Việt Nam và Căm-pu-chia luôn dành cho kiều dân của nhau nhiều thuận lợi ổn định cuộc sống, tạo điều kiện bình đẳng tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước nơi họ sinh sống. Giao lưu nhân dân, nhất là ngành du lịch giữa hai nước ngày càng phát triển. Nền văn hóa đặc sắc của hai nước đã là động lực mạnh mẽ cho giao lưu giữa nhân dân hai nước trong thời gian tới. Số lượng khách du lịch của Việt Nam tới Căm-pu-chia gia tăng sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch của Căm-pu-chia phát triển. Năm 2011, Việt Nam trở thành nước đứng đầu về lượng du khách đến Căm-pu-chia với khoảng 600.000 lượt người.

Hai nước luôn ủng hộ hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực: Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEM, Liên Hợp Quốc (UN), hợp tác ba nước Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác bốn nước Căm-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong(ACMECs), Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS)... Quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Căm-pu-chia cũng có những bước phát triển tích cực. Hai bộ vừa tiến hành Cuộc Giao lưu lần thứ 3 và sẽ tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp.

Các cơ chế hợp tác đa dạng góp phần đưa quan hệ hữu nghị giữa hai nước phát triển theo hướng tích cực, hiệu quả, phù hợp với lợi ích của hai nước. Chính vì lẽ đó, hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đang phát triển thuận lợi. Những chính sách ưu đãi về thương mại, đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ mối quan hệ buôn bán và đầu tư giữa hai nước. Các dự án cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, hệ thống chợ biên giới… đang được triển khai sẽ là nền tảng quan trọng cho việc phát triển kinh tế vùng biên giới hai nước nói riêng và tăng cường hợp tác về kinh tế giữa hai nước nói chung. Mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Căm-pu-chia sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất