Việt Nam trong APEC

APEC - Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương - thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Ô-xtrây-li-a. Đây là Diễn đàn hợp tác về kinh tế, hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Việt Nam gia nhập APEC vào tháng 11-1998.

Đồng thuận với mục tiêu của APEC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tự do hàng hóa thương mại và đầu tư và bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Diễn đàn, chủ động thúc đẩy hợp tác APEC trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và các hợp tác khác.   

Trong bối cảnh khủng hoàng kinh tế toàn cầu, Diễn đàn APEC tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của châu Á-Thái Bình Dương, hội tụ 21 nền kinh tế thành viên trong đó có 9 thành viên của G20, chiếm 59% dân số thế giới, đóng góp hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu. Các thành viên đều coi trọng hợp tác trong Diễn đàn. Đồng thời với việc tham gia, đóng góp tích cực tại các Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng hàng năm, Việt Nam tổ chức thành công APEC năm 2006, đặc biệt là Hội nghị cấp cao 14 tại Hà Nội (11-2006), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế 18 (11-2006), Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC; 6 Hội Nghị Bộ trưởng chuyên ngành (thương mại, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính, du lịch, tài chính và ngân hàng, phát triển bền vững); ba đợt Hội nghị các Quan chức cao cấp (SOM) và hàng trăm cuộc họp nhóm công tác chuyên ngành.

Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp cho hoạt động của các nhóm công tác, xây dựng các Chiến lược và Kế hoạch hành động của APEC trong tất cả các lĩnh vực, thực hiện nghiêm túc các cam kết của APEC, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến mới, đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Nhóm công tác y tế kỳ 2009-2010.Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công hơn 70 sáng kiến và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp,chống chủ nghĩa khủng bố...

Hội nghị Cấp cao APEC tại Vla-đi-vô-xtốc (từ ngày 8 đến 9 tháng 9 năm 2012) là Cuộc gặp lần thứ 20 của các nhà Lãnh đạo Diễn đàn. Trước tình hình phục hồi kinh tế thế giới và khu vực đang chậm lại, các thách thức toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt, Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng và thông qua Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo APEC về chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”. Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả và thỏa thuận then chốt, tạo xung lực mới cho hợp tác, liên kết khu vực.

Việt Nam tham gia APEC 2012 có nhiều nét mới với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được đẩy mạnh. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, được nâng tầm trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước tháng 7 vừa qua, đã được cụ thể hóa với việc ký kết Biên bản hoàn tất nghiên cứu tác động để có thể khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga – Bê-la-rút – Ca-dắc-tan vào quý I năm 2013.

Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham gia tích cực tại các hoạt động, phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Liên bang Nga và các nền kinh tế thành viên, đóng góp vào thành công của Hội nghị. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Thủ tướng Nhật Bản được mời phát biểu dẫn đề tại Phiên thảo luận quan trọng của Hội nghị về “An ninh lương thực và tăng trưởng sáng tạo”. Chủ tịch nước cùng Tổng thống Chi-lê cũng được mời phát biểu chính và chủ trì trao đổi với các tập đoàn hàng đầu khu vực về “Nước - nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới” tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Là dân tộc gắn liền với nền văn minh lúa nước và hiện là một trong những quốc gia cung cấp lương thực chủ yếu trên thế giới, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các thách thức toàn cầu liên quan an ninh lương thực và bảo vệ nguồn nước. Việt Nam đề xuất phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực cần được coi là một nội hàm quan trọng của công cuộc đổi mới và chiến lược phát triển quốc gia. Hội nghị chia sẻ đề xuất của Việt Nam về sự cần thiết phải có cách tiếp cận đa ngành, tổng thể gắn kết chặt chẽ an ninh lương thực với nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn nước, đại dương và các tài nguyên biển. Các thành viên đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường bảo đảm an ninh lương thực và nguồn tài nguyên nước trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.

Việt Nam đề xuất nhiều biện pháp tăng cường liên kết kinh tế khu vực, chuỗi cung ứng đáng tin cậy và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, trong đó coi trọng hợp tác ứng phó với thiên tai, an toàn và an ninh hàng hải, và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Việt Nam đề nghị APEC đẩy mạnh hơn phối hợp với các cơ chế liên kết khác ở khu vực, hỗ trợ hợp tác tiểu vùng và kết nối của ASEAN.

Các thành viên đánh giá cao và ủng hộ Việt Nam dự kiến đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017, hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn và đánh dấu kỳ Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 của APEC. Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc đăng cai Hội nghị Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực năm 2014, là một trong các ưu tiên hợp tác của APEC hiện nay.

Những đóng góp của Việt Nam thể hiện sinh động vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết khu vực và nâng cao vị thế của Việt Nam trong APEC. Nội dung hợp tác của APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam -tăng cường liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, ứng phó với thiên tai- đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Phản hồi (1)

Lê Liêm 17/09/2012

Bài có nhiều thông tin mới, bổ ích.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất