Trong hầu hết các chương trình hoạt động đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, mỗi khi đến Tuyên Quang, các đại biểu hai nước đều rất xúc động tham quan một di tích lịch sử của cách mạng Lào. Nhờ đó, các đại biểu hiểu biết thêm về cội nguồn cách mạng Lào, về mối quan hệ đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam - Lào, về tầm nhìn chiến lược vĩ đại và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Tại thôn Làng Ngòi và thôn Đá Bàn thuộc xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang, cách ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) chưa đầy 10 cây số, vẫn còn in dấu tích về một căn cứ cách mạng của Lào giữa lòng căn cứ địa cách mạng Việt Bắc. Hơn 60 năm về trước, từ giữa năm 1950 đến cuối năm 1951, giữa rừng núi Việt Bắc, đồi xóm Thổ (sau này được đổi tên gọi là đồi Hoàng Thân), tại thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, đồng chí Cay-xỏn-Phom-vi-hản cùng với nhiều nhà cách mạng Lào đã ở và làm việc, lãnh đạo cách mạng Lào. Tại đây, đã diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng.
Ngày 13-8-1950, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la. Hơn 100 đại biểu đại diện cho các bộ tộc Lào dự Đại hội, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Lào. Đại hội đã bầu Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Thủ tướng Chính phủ kháng chiến kiêm Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước, đồng chí Cay-xỏn-Phom-vi-hản được cử làm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong thời gian các đồng chí đại biểu Lào ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần từ ATK Định Hóa sang xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn thăm và làm việc với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào tại căn cứ Cách mạng Lào.
Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II, họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức trên đất nước ta, đoàn đại biểu Đảng bộ Lào trực thuộc Đảng cộng sản Đông Dương do đồng chí Cay-xỏn-Phom-vi-hản, làm Trưởng đoàn đã tham dự.
Trước tình hình quốc tế, khu vực và Đông Dương có những chuyển biến sâu sắc, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải ra sức giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam có liên hệ mật thiết với cuộc chiến tranh giải phóng Lào”. Đại hội đã quyết định thành lập ở mỗi nước một chính đảng riêng, ở Việt Nam là Đảng Lao động Việt Nam, ở Lào là Đảng Nhân dân Lào. Từ đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào được nâng lên tầm cao mới trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung vì độc lập, tự do của mỗi quốc gia (năm 1962, đổi thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào).
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” và thực hiện chủ trương của lãnh đạo hai nước, quân và dân Việt Nam - Lào đã phối hợp chiến đấu giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt là phối hợp giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch Thượng Lào năm 1953, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người cộng sản Lào đã tổ chức Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào (1955) để lãnh đạo nhân dân Lào đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống kẻ thù chung. Ngay sau khi thành lập, Đảng Nhân dân Lào đã gửi điện cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Bức điện có đoạn: “Chúng tôi thành công trong việc thành lập Đảng Nhân dân Lào là nhờ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi, dìu dắt và sự giúp đỡ vô điều kiện của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian qua”.
Qua nhiều năm tháng, các di tích tại xã Mỹ Bằng (Tuyên Quang) đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hang đá dưới chân dãy núi mà Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ở và làm việc trước đây đã sập, toàn bộ cửa hang bị che lấp. Nơi tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la tại làng Ngòi cũng chỉ còn tấm bia ghi lại sự kiện, lán tổ chức Đại hội chưa được phục dựng.
Ban Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét để xác định khu di tích cách mạng Lào tại Tuyên Quang là khu di tích trọng điểm quốc gia, có kế hoạch đầu tư nâng cấp, xứng tầm với ý nghĩa của di tích. Đồng thời, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình đào tạo sinh viên Lào tại Việt Nam nội dung giáo dục truyền thống và tham quan khu di tích lịch sử cách mạng Lào tại Việt Bắc.
Nguyễn Doãn Kình
Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên