Kỷ nguyên mới của Mi-an-ma
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Thên Sên duyệt Đội danh dự QĐND Việt Nam

Ngày 1-4-2012, Mi-an-ma tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung với sự tham gia của nhiều đảng phái. Ðảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập của bà A-ung Xan Xu Ki đã giành được 40 ghế trong số 45 ghế Quốc hội được bầu bổ sung. Bà A-ung Xan Xu Ki được bầu làm nghị sĩ Hạ viện. Đây là bước tiến mới trong quá trình phát triển của Mi-an-ma.

Nằm tại Đông Nam Á, thuộc Tây Bắc bán đảo Trung - Ấn, CHLB Mi-an-ma là quốc gia có diện tích lớn (676.577km2) ở Đông Nam Á với địa hình có núi bao quanh, tạo thành các vùng thảo nguyên rộng lớn, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mi-an-ma rất giàu tài nguyên thiên nhiên như: gỗ, cao su, đá quý, vàng… đặc biệt là trữ lượng dầu và khí tự nhiên đứng thứ 10 trên thế giới. Mi-an-ma cũng là một cánh cửa mở vào hai thị trường đông dân nhất, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN năng động. Nhân dân Mi-an-ma từng rất tự hào là quốc gia tham gia sáng lập Phong trào không liên kết, nơi sinh ra U Than -Tổng thư ký LHQ đầu tiên là người châu Á (1961-1971).

Năm 2011 đã chứng kiến những chuyển biến sâu sắc có ý nghĩa đột phá trong đời sống kinh tế chính trị ở xứ sở chùa Vàng. Những thay đổi dù diễn ra nhanh chóng song đây là các bước đi của một kế hoạch cải cách lâu dài được Chính phủ quân sự của Thống tướng Than Suề công bố và bắt đầu thực hiện từ năm 2003. Đó là lộ trình dân chủ bảy bước gồm: Tổ chức Đại hội Dân tộc; từng bước thực hiện những thủ tục cần thiết cho sự ra đời một nhà nước dân chủ thực sự và có kỷ cương; soạn thảo Hiến pháp mới phù hợp với các nguyên tắc cơ bản và các nguyên tắc này được Đại hội Dân tộc xây dựng; trưng cầu ý dân để thông qua Hiến pháp; tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội tự do và công bằng theo Hiến pháp mới năm 2008; họp Quốc hội theo quy định của Hiến pháp; xây dựng một quốc gia hiện đại, phát triển và dân chủ với các lãnh đạo nhà nước do Quốc hội bầu ra và các cơ quan chính phủ do Quốc hội lập nên. Lộ trình dân chủ bảy bước cho thấy chính quyền Mi-an-ma chủ động chuyển từ quân sự sang dân sự.

Ngày 7-11-2010 bầu Quốc hội Mi-an-ma. Đây là cuộc bầu cử Quốc hội theo quy định của Hiến pháp 2008. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí hòa bình, dân chủ và tự do với hơn 3.000 ứng cử viên từ 37 đảng chính trị khắp cả nước đua nhau tranh cử 1.159 ghế Quốc hội. Theo kết quả được Ủy ban bầu cử Liên bang công bố 10 ngày sau ngày tổng tuyển cử, có 11/37 đảng trúng cử ở Thượng viện và Hạ viện; 25/37 đảng trúng cử ở Nghị viện bang, vùng. Đảng Đoàn kết phát triển (USDP) của Chính phủ thắng cử áp đảo tới 76%, còn lại 24% thuộc các đảng khác.

Quốc hội Mi-an-ma (Thượng viện và Hạ viện) cùng Nghị viện 14 bang, vùng trong cả nước họp phiên đầu tiên thống nhất quy tắc, lề lối làm việc và bầu người đứng đầu Nghị viện các cấp vào ngày 31-1-2011. Ngày 4-2-2011, Quốc hội Mi-an-ma bỏ phiếu bầu ông Thên Xên  (do Hạ viện giới thiệu) làm Tổng thống CHLB Mi-an-ma. Quốc hội cũng bỏ phiếu thông qua kiến nghị của Tổng thống Thên Xên về việc thành lập Chính phủ dân sự mới. Kể từ năm 1962 đến nay, đây là lần đầu tiên vai trò của Quốc hội đã được khôi phục trong đời sống chính trị của đất nước. Hai tháng sau, ngày 31-3-2011, Tổng thống Thên Xên cùng 30 bộ trưởng và 14 thủ hiến các bang, vùng thực hiện Lễ tuyên thệ nhậm chức. Tổng thống Thên Xên tuyên bố tư tưởng và phương châm của Chính phủ mới là “xây dựng Chính phủ hành chính làm việc hiệu quả và trong sạch”. Đến đây, Lộ trình dân chủ Bảy bước của Chính phủ Mi-an-ma hoàn thành bước thứ 6, chuyển sang bước thứ 7 và cũng là bước cuối cùng: xây dựng đất nước phát triển, hiện đại và dân chủ.

Hơn nửa thế kỷ từ khi giành độc lập (4-1-1948), đất nước Mi-an-ma chưa bao giờ ngừng tiếng súng xung đột giữa quân đội chính phủ với các lực lượng vũ trang ly khai, chưa bao giờ có tiếng nói chung giữa các đảng phái chính trị đối lập với đảng cầm quyền. Vì vậy, việc Tổng thống Thên Xên tháng 5 và tháng 12-2011 ký lệnh giảm án và đại ân xá cho hơn 15.000 tù nhân, trong đó có nhiều tù chính trị; ngày 12-8-2011 tuyên bố chính sách mới về việc ngừng bắn, đàm phán ký kết thỏa thuận duy trì hòa bình với các nhóm vũ trang ly khai; ngày 19-8-2011, Tổng thống đối thoại xây dựng với bà A-ung Xan Xu Ki - Lãnh tụ đảng đối lập (NLD) lớn nhất là bước đột phá trong hoà hợp dân tộc. Cùng với việc nới lỏng quản lý thông tin, tuyên truyền, ngày 1-12-2011, Quốc hội Mi-an-ma thông qua Luật “tụ họp và biểu tình hòa bình” được coi là một sự kiện lớn của Mi-an-ma, mở ra con đường dân chủ hóa trong đời sống chính trị của đất nước 60 triệu dân nhưng có tới 135 sắc tộc và 37 đảng phái chính trị khác nhau. Quốc hội Mi-an-ma sửa đổi các đạo Luật kinh tế nhằm kích thích sản xuất và xuất khẩu… Chính phủ Mi-an-ma quyết định tăng lương cho hơn 700.000 cán bộ, công chức, quân nhân đã nghỉ hưu và tuyên bố thực hiện chính sách giảm tỉ lệ dân nghèo ở nông thôn từ 70% năm 2011-2012 xuống còn 60% vào năm 2014-2015. Đây là những bước tiến quan trọng thể hiện quan điểm đổi mới chính sách kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Mi-an-ma điều chỉnh chính sách đối ngoại từ chỗ “nhất biên đảo” với một nước lớn sang cân bằng hơn giữa các nước lớn Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, nhất là việc Mi-an-ma đang cải thiện nhanh chóng quan hệ với Liên Hợp Quốc, Mỹ và các nước phương Tây không chỉ nâng cao vị thế quốc tế của Mi-an-ma, củng cố chính sách không liên kết của Mi-an-ma mà hơn nữa còn giúp Mi-an-ma có cơ sở vững chắc từng bước hội nhập quốc tế. Ngày 17-11-2011, Tổng thống Thên Xên tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a. Nguyên thủ 10 nước ASEAN nhất trí trao nhiệm vụ vinh dự cho Mi-an-ma làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014. Kể từ khi Mi-an-ma gia nhập tổ chức ASEAN (7-1997), đây là lần đầu tiên Mi-an-ma được tín nhiệm nhận trọng trách vinh dự này.

Tháng 12-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn thăm chính thức Mi-an-ma, đánh dấu quan hệ Mi-an-ma - Mỹ đã chuyển từ giai đoạn đối đầu sang đối thoại, cải thiện và tiến tới bình thường hóa. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đã mở đầu một loạt các chuyến thăm khác sau đó của đại diện ngoại giao cấp cao từ nhiều nước Phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Na-uy, Úc, Nhật bản, Niu Di-lân… tới quốc gia Đông Nam Á này, đem lại nhiều kết quả đối ngoại quan trọng cho Mi-an-ma trong nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cô lập. Mỹ quyết định trong năm 2012 sẽ nâng quan hệ ngoại giao với Mi-an-ma từ cấp đại biện lên cấp đại sứ; Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ lệnh cấm đi lại từng áp dụng với các lãnh đạo cấp cao của Mi-an-ma, quyết định từ tháng 4-2012 sẽ chính thức mở Văn phòng đại diện tại Mi-an-ma.

Việt Nam và Mi-an-ma thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 25-5-1975, đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Sau khi Mi-an-ma thành lập Chính phủ mới, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có nhiều chuyến thăm Mi-an-ma. Đó là chuyến thăm của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (tháng 6-2011); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 12-2011), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 3-2012)... Về phía Mi-an-ma, tiếp theo các đoàn Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mi-an-ma, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Mi-an-ma thăm Việt Nam, Tổng thống Thên Xên đã thăm chính thức Việt Nam từ 20 - 21-3-2012. Các chuyến thăm trên có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 giữa 2 nước đạt 168 triệu USD, tăng hơn 20 lần so với năm 2000. Trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ tính 3 dự án đầu tư lớn của Việt Nam sẽ nâng tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào thị trường Mi-an-ma lên gần 500 triệu USD, xếp thứ 12 - 13 trong tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Mi-an-ma. Quan hệ Việt Nam – Mi-an-ma sẽ phát triển nhanh chóng tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Phản hồi (8)

Nguyễn Quang Tiến 30/04/2012

Gần đây, tôi thấy chuyên mục này hấp dẫn hơn, bài có chất lượng, đề cập đến những vấn đề thời sự dưới góc nhìn khách quan, ví như bài về Miến Điện này. Nhưng số lượng bài còn thưa, đề nghị Tạp chí tăng cường hơn.

Lê Hải Châu 24/04/2012

Thế là Liên minh châu Âu tiếp theo nhiều nước phương Tây đã quyết định ngừng các biện pháp cấm vận đối với Myanmar trong vòng một năm, trừ cấm vận vũ khí. Mianma đang trở lại với cộng đồng thế giới và dần thoát khỏi ảnh hưởng quá lớn của TQ. Bài viết là sự nhạy bén chính trị, rất khách quan. Mong Tạp chí có nhiều bài như thế này.

Nguyễn Văn Thành 20/04/2012

Rất có tính thời sự. Bổ ích.

1 2 3

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất