Một bước tiến mới
Trong dịp dự Hội nghị cấp cao APEC 19 (11-2011) được tổ chức tại Ha-oai (Mỹ) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự Cuộc họp cấp cao các thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và lãnh đạo 7 nước: Niu Di-lân, Bru-nây, Chi-lê, Xin-ga-po, Ôt-xtrây-li-a, Ma-lai-xi-a, Pê-ru đã đạt sự thỏa thuận về khuôn khổ chung của Hiệp định TPP. Các nhà lãnh đạo đã giao cho các nhà đàm phán đạt được tiến độ và sẽ ký kết Hiệp định TPP trong năm 2012. Phó đại diện thương mại Mỹ có mặt tại Hà Nội từ 21 đến 25-2-2012 đã có các cuộc trao đổi, làm việc mang tính kỹ thuật về đàm phán TPP giữa Mỹ với Việt Nam, đề cập cải cách doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi luật lao động, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các dịch vụ thương mại... nhằm thực hiện thoả thuận của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Mỹ.

Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương là một tập hợp nhiều nền kinh tế phát triển với thể chế khá mạnh. TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, bao gồm nhiều điều khoản truyền thống và mới nổi với mục đích đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, gắn kết các nền kinh tế thành viên, bảo vệ môi trường cũng như quyền của người lao động và thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững và năng động hơn. TPP là một hiệp định thế hệ mới, sẽ làm mẫu cho các hiệp định thương mại tự do khác trong tương lai. Quy mô thương mại trong TPP sẽ lớn hơn, đặc biệt là khi TPP có  thêm Nhật Bản, Ca-na-đa và Mê-hi-cô.

Việt Nam đang thực hiện những cải cách mang tính chất chuyển đổi nền kinh tế, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước:

Tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả. Xây dựng cơ chế, chính sách định hướng và tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư. Nâng cao chất lượng và tính bền vững của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước; minh bạch hóa tài chính và kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh góp phần tăng tính an toàn của nền kinh tế. Tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính. Nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống; giảm dần việc huy động đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư từ thị trường vốn; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán; tăng hiệu quả hoạt động bảo hiểm; kiểm soát hiệu quả các quỹ đầu tư, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ lũng đoạn thị trường.

TTP sẽ có ích cho Việt Nam trong quá trình thực hiện những cải cách mang tính chuyển đổi trên phục vụ lợi ích của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, cải cách Luật Lao động, doanh nghiệp nhà nước sẽ làm cho nền kinh tế có tính cạnh tranh cao hơn. TPP bao gồm các cam kết giúp Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế trong những lĩnh vực làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Với cải cách Luật Lao động, TPP sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng các tiêu chuẩn của tổ chức Lao động quốc tế ILO. Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng thương mại hơn nữa ra bên ngoài khu vực ASEAN. Cán cân thương mại của Việt Nam đối với khu vực TPP sẽ có triền vọng tốt hơn so với khu vực ASEAN. Quyết định tham gia đàm phán TPP của Việt Nam là một bước tiến mới có tính chiến lược để có thể tận dụng TPP làm một bước đột phá tích cực trong quá trình hội nhập và phát triển theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng.

Phản hồi (1)

Trần Văn Thái 07/03/2012

TPP là sân chơi mới, rất khó tham gia, nhất là những nước chưa có nền kinh tế thị trường đầy đủ như nước ta. Bài viết là một góc nhìn tiến bộ.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất