Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XI của Đảng, ở mục “Đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ” nêu: “Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa”. Theo tôi, không bổ nhiệm là đương nhiên. Cần thiết khẳng định phải ngăn ngừa, loại bỏ, thay thế những kẻ cơ hội bằng nhiều cách len lỏi, chui vào đội ngũ cán bộ, đảng viên làm mất uy tín và gây tai hoạ cho sự nghiệp của Đảng.
Những kẻ đó là những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội - khuynh hướng tư tưởng chính trị tùy thời, thỏa hiệp.
Những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội thời nào cũng có, nhưng thường xuất hiện công khai và phát triển mạnh vào lúc cách mạng gặp khó khăn, ở những bước ngoặt khi các quan hệ xã hội có những biến đổi. Chủ nghĩa cơ hội ngày nay khác với chủ nghĩa cơ hội “cổ điển” ở chỗ nó khôn khéo hơn, ngụy trang kỹ hơn, cho nên dễ lẫn lộn hơn. Tuy nhiên, chúng luôn có đặc điểm giống nhau là mọi hành vi và quan hệ đều xuất phát từ động cơ vụ lợi cá nhân.
Về mặt chính trị, đó là sự giao động về mục tiêu, lý tưởng và nguyên tắc xây dựng Đảng. Tê liệt ý chí chiến đấu, thiếu bản lĩnh, không dám đấu tranh với các quan điểm và hành vi trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kẻ cơ hội không theo một đường lối rõ rệt, khi ngả theo lối này, khi rẽ theo hướng kia, khi hùa theo người này, lúc ủng hộ người khác, cốt là có lợi cho mình.
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI), cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: Trong điều kiện đảng cầm quyền, cũng cần cảnh giác với những kẻ cơ hội chủ nghĩa đủ mọi loại phát sinh. Nói chung, đó là những người sống vô nguyên tắc, chỉ biết luồn lọt, nịnh bợ để có danh và lợi. Lúc thuận tiện thì họ xông vào để kiếm chác, lúc khó khăn thì lảng tránh cốt giữ lấy thân. Họ sống lá mặt lá trái, đổi chiều theo hướng gió, miễn là đạt được mục đích vị kỷ cá nhân.
Bản chất tư tưởng và thủ đoạn hành động của kẻ cơ hội xảo quyệt, nham hiểm, biểu hiện lại tinh vi, nhiều dạng. Do đó, cần nhận diện chính xác những biểu hiện, đặc điểm chủ yếu của kẻ cơ hội. Đó là những kẻ luồn lách, xu thời, ai mạnh thì theo, việc gì có lợi cho mình thì làm, ra sức chạy chọt, xoay xở, lắt léo, thực dụng. Họ thường bằng mọi thủ đoạn sớm leo lên chức vụ này, chức vụ kia để xoay xở làm giàu một cách bất lương. Họ có thể áp dụng mọi thủ đoạn xấu xa, tinh vi với đồng chí mình nhưng lại rất bàng quan trước lợi ích của tập thể, của nhân dân.
Trong công việc, kẻ cơ hội thường đùn đẩy cho người khác những việc khó, những việc không “chấm mút” được, nhận những việc nhẹ nhàng dễ “kiếm chác”, nhưng lại được nhiều người biết đến, hay “đánh bóng” bản thân. Tệ hại hơn, họ sẽ đổ lỗi cho người khác khi có sai lầm, khuyết điểm, nhưng khi có thành tích thì họ vơ vào mình. Kẻ cơ hội thường “làm thì láo, báo cáo thì hay”, thổi phồng thành tích của bản thân, đơn vị, thậm chí tạo dựng những thắng lợi, thành tích giả, lừa dối cấp trên.
Trong quan hệ xã hội, kẻ cơ hội thường hay “ba phải”, thấy đúng không dám công khai ủng hộ, bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, phê phán, sống theo kiểu “dĩ hòa vi quý”. Gặp ai, kẻ cơ hội cũng ra vẻ thân tình, cởi mở làm cho nhiều người tưởng lầm họ xởi lởi, nhiệt tình, có quan hệ quần chúng tốt. Nguy hiểm hơn, kẻ cơ hội tùy thời, gió chiều nào che chiều ấy, ai mạnh thì theo, ai thất thế thì hùa vào đả kích, dìm dập, lợi dụng phê bình để moi móc nhược điểm của người khác. Kẻ cơ hội xu nịnh cấp trên và chèn ép cấp dưới. Cũng có trường hợp, kẻ cơ hội trước mặt thì nịnh cấp trên, nhưng lại nói xấu sau lưng cấp trên để đề cao mình với quần chúng. Khi cấp trên sắp sửa về hưu, hoặc gần hết nhiệm kỳ, hoặc khi tìm được chỗ dựa vững chắc hơn, họ bắt đầu xa lánh dần, thậm chí còn “phản kích” cấp trên mà họ đã một thời hết lòng “phụng sự”. Và vô lương tâm hơn, khi họ “bắt mạch” biết cấp trên đang bất bình một người nào đó, họ lập tức tấn công hãm hại, lật đổ người đó để “lập công”. Kẻ cơ hội xây dựng một “ê kíp” gồm những người cùng cánh để cùng nhau che chắn cho mọi hành động sai trái của họ. Họ bất chấp tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực cần có, lèo lái đề bạt những người thân của cấp trên nhằm đền đáp “công ơn” đã dìu dắt, che chở họ khi “sóng to, gió lớn”.
Kẻ cơ hội còn xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước sao cho có lợi cho họ. Sau Đại hội VI của Đảng nhân danh đổi mới, “vận dụng sáng tạo” để hành động sai trái, thu lợi về mình. Các phần tử cơ hội, con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, đã gây biết bao tác hại, có những tác hại rất nghiêm trọng. Ở đâu tư tưởng cơ hội thắng thế thì ở đó những nhân tố tích cực bị kìm hãm, mọi khẳng định về giá trị đạo đức và tinh thần bị biến dạng, đúng sai lẫn lộn, đường lối, chính sách bị xuyên tạc, nhân tâm ly tán, lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước bị xói mòn.
Về nguyên tắc, chế độ ta không có đất cho chủ nghĩa cơ hội nảy sinh và phát triển. Song trong thực tế, những phần tử cơ hội đã và đang có mặt ở nơi này, nơi khác trong các ngành, các cấp, cơ quan và đoàn thể. Họ ẩn hay hiện tùy thuộc vào lực lượng cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực ít hay nhiều, mạnh hay yếu.
Ngăn ngừa, phát hiện và đấu tranh vạch mặt để đi đến loại bỏ kẻ cơ hội là thực hiện một nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần tạo được một dư luận xã hội lên án, gây áp lực từ hai phía, trên xuống và dưới lên, không cho chúng có đất để “ngóc đầu dậy”. Đặc biệt, không để cho kẻ cơ hội lọt vào các cấp lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Xây dựng chi bộ, TCCSĐ trong sạch, vững mạnh về mọi mặt là cách tốt nhất để ngăn chặn từ xa, triệt tiêu cơ sở tồn tại căn bệnh cơ hội chủ nghĩa. Xây dựng một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên để ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời, không để “cái sảy nảy cái ung”. Có cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, giám sát cán bộ, đảng viên. Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và kẻ cơ hội là một bộ phận không thể thiếu của công tác xây dựng đảng.
Bài: Nguyễn Xuyến
Ảnh: Hồng Phúc