1. Chừng năm 1963, xã Đồng Xuân thuộc huyện Lập Thạch, quê tôi tuy khuất nẻo sau những vùng đồi, rừng cọ trung du, nhưng dưới chân đồi lại có đồng ruộng khá tươi tốt, nên được ông Kim Ngọc, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đưa ba khoán, một cơ chế quản lý nông nghiệp còn đang hình thành về để thực nghiệm. Bấy giờ việc làm của ông Kim Ngọc bị coi là khoán chui. Trong buổi họp đầu tiên với Đảng bộ xã, ông Kim Ngọc nói, ông gắn bó với bà con xã Đồng Xuân từ những năm kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chiến dịch Trần Hưng Đạo, năm 1951, ông được phân công làm Phó tư lệnh chiến dịch, phụ trách hậu cần, đặt cơ sở tại xã, được bà con hết lòng giúp đỡ nên đã hoàn thành nhiệm vụ. Nay ông đem cơ chế quản lý Ba khoán về xã, nhờ bà con triển khai để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, nếu thắng lợi thì sẽ báo cáo với Trung ương để nhân rộng. Ông không coi việc làm của ông và bà con là khoán chui, mà làm thí điểm về một mô hình quản lý mới.
Bí thư Kim Ngọc thuyết phục các đảng viên trong Đảng bộ xã cùng ông triển khai Ba khoán. Nhưng ngay trong cuộc họp đầu tiên này, ông Bí thư Đảng bộ xã, một cán bộ từng gắn bó với ông Kim Ngọc từ trong kháng chiến xin từ chức bí thư. Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc hỏi: “Vì sao đồng chí từ chức?” Ông Bí thư Đảng bộ xã nói: “Từ trước đến nay, là đảng viên, rồi là bí thư đảng ủy xã, tôi luôn làm đúng đường lối của Đảng. Nay nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phân tích về Ba khoán tôi thấy rất hay, nhưng làm theo đồng chí, thì có nghĩa tôi làm trái với đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa của Đảng. Tôi thấy mình không đủ trình độ để giải thích cho đảng viên và nhân dân về việc đúng sai này, nên, tôi xin từ chức bí thư đảng bộ xã. Xin đồng chí cho phép”. Cả cuộc họp Đảng bộ xã lặng đi vì đề nghị bất ngờ và kiên quyết của đồng chí Bí thư Đảng bộ xã. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc cũng im lặng suy nghĩ. Rồi đồng chí Kim Ngọc nói: “Đồng chí Bí thư Đảng bộ xin từ chức, phải do Đảng bộ quyết định, nhưng riêng tôi, tôi đồng ý. Đó là kiến nghị, là lương tâm và trách nhiệm của một đảng viên chân chính, không nhân danh Đảng để làm những việc mà mình chưa hiểu, mà nhân danh Đảng tự chịu trách nhiệm về công việc của mình và giữ niềm tin của mình với Đảng…”. Câu chuyện ở xã Đồng Xuân cách nay nửa thế kỷ, nhưng có lẽ vẫn là bài học mang tính thời sự hôm nay.
Đồng chí Đỗ Mười thăm Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị, tháng 7-1989 (ảnh: TL)
2. Năm 1994, làm việc với cán bộ, công nhân từng gắn bó với cảng Hải Phòng từ thời chiến tranh phá hoại để viết vở kịch Phong tỏa, tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1995, tôi và nhà viết kịch Lê Thu Hạnh được một bác bảo vệ cũ của cảng kể câu chuyện khá ấn tượng về cuộc điện thoại vào lúc quá nửa đêm của nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười. Xin nhớ lại, trong chiến tranh, có một thời kỳ cảng Hải Phòng, yết hầu kinh tế phía Bắc bị phong tỏa bằng thủy lôi. Trong khi bộ phận kỹ thuật của ta còn đang nghiên cứu máy phóng từ để phá thủy lôi, nhiều tàu vận tải của nước ngoài đến Hải Phòng không cập được cảng vì thủy lôi bao vây. Vào một đêm, chừng hai giờ sáng phòng trực ban tác chiến của cảng vang lên hồi chuông điện thoại. Lúc đó, đồng chí Phó giám đốc cảng trực ca đêm đang ngủ. Anh bảo vệ nghe máy, quát to: “Cảng Hải Phòng nghe, nói to lên!”. Bên kia đầu dây là giọng nói khàn khàn, nhưng mạch lạc: “Tôi, Đỗ Mười, Phó thủ tướng đây! Đồng chí là ai?”. Nghe xong, anh bảo vệ mau mắn trả lời: “Dạ thưa bác, em là bảo vệ. Xin bác giữ máy để em gọi đồng chí Phó giám đốc nhận điện”. Bên kia đầu dây vẫn một giọng khàn khàn: “Không cần gọi Phó gám đốc. Đồng chí là người Hải Phòng đang thức. Tôi nói với đồng chí là được rồi… Hà Nội hết mẹ nó gạo rồi”. Nói xong câu đó, chắc là đồng chí Phó thủ tướng hạ máy vì trong ống nghe chỉ còn tín hiệu tút tút. Anh bảo vệ vội lay Phó giám đốc dậy để truyền đạt cuộc điện thoại của Phó thủ tướng. Và cũng ngay sau phần đêm còn lại, hàng trăm công nhân của cảng được đánh thức và tập hợp thành đội ngũ. Họ khoác những chiếc túi ni-lông lớn, cởi trần, không một tấc sắt trên người bơi qua vùng bom từ trường, tiếp cận tàu vận tải của Ba Lan chở bột mì. Đoàn công nhân như một đoàn kiến cần mẫn bốc từng bao bột mì cho vào túi ni-lông làm thành những chiếc phao vừa bơi vừa đẩy vào bến cảng. Đội công nhân làm việc suốt đêm, suốt ngày để giải phóng cả một con tàu chở bột mì… Tôi và chị Lê Thu Hạnh có đưa chi tiết cuộc điện thoại của Phó thủ tướng vào vở diễn. Xem xong, có khán giả nói với tôi rằng, khi ý Đảng, ý Chính phủ nói lên nguyện vọng, hạnh phúc của nhân dân thì chỉ cần nói với một người bình thường cũng trở thành sức mạnh.
3. Anh hùng Bông Văn Dĩa từng là liên lạc của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đồng chí hoạt động ở Nam Bộ. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, đồng chí Lê Duẩn bị giặc bắt đày ra Côn Đảo, đồng chí Bông Văn Dĩa cũng bị bắt và cầm tù ở địa ngục trần gian này. Ở nhà tù Côn Đảo, Bông Văn Dĩa vẫn tiếp tục bí mật làm liên lạc cho đồng chí Lê Duẩn với tổ chức Đảng trong nhà tù. Sau thắng lợi của cách mạng Bình Dân ở Pháp, nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam trong nhà tù đế quốc được trả tự do, trong đó có đồng chí Lê Duẩn và Bông Văn Dĩa. Năm 1959, đồng chí Mười Kỷ, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau trao cho Bông Văn Dĩa nhiệm vụ đi con thuyền gỗ có sức chở 9 tấn từ Cà Mau ra Bắc để xin vũ khí. Không bản đồ, không la bàn, chỉ với kinh nghiệm của một người từng nhiều lần đi biển đánh cá, Bông Văn Dĩa một mình đưa thuyền ra vùng biển quốc tế để tránh các vòng kiểm soát của địch, rồi ngày nhìn mặt trời, đêm nhìn trăng sao đưa thuyền ra Bắc. Cập vào bờ biển Quảng Bình, đúng dịp đồng chí Lê Duẩn đang công tác ở gần đó, nên người đầu tiên mà Bông Văn Dĩa báo cáo xin vũ khí đưa về Cà Mau chiến đấu là Tổng Bí thư Lê Duẩn. Nhưng công việc lại không đơn giản và mau chóng như Bông Văn Dĩa nghĩ. Thay vì xin vũ khí rồi về luôn, Bông Văn Dĩa được đồng chí Trần Văn Quang, bấy giờ là một cán bộ cao cấp trong quân đội đưa đi nghỉ an dưỡng tại một hòn đảo của Quảng Ninh. Ở đó, suốt mấy tháng liền Bông Văn Dĩa chỉ một nhiệm vụ là “đánh vật” với mấy trang quy ước mật mã rời rạc, không theo quy luật nào, rất khó thuộc. Cho đến khi Bông Văn Dĩa thuộc lòng “những con số chết tiệt”, thay vì nhận vũ khí, ông Dĩa nhận lại con thuyền cũ, vật dụng cũ, không một viên đạn, khẩu súng, chỉ thêm mấy lon gạo và đùm cá khô cũng là gạo và cá quen thuộc của miền Nam rồi ra về. Trước ngày lên thuyền trở lại miền Nam, Bông Văn Dĩa được gặp lại đồng chí Lê Duẩn. Ông nói, đồng bào đồng chí cử tôi ra Bắc xin vũ khí về chiến đấu, nay tôi về tay không, tôi còn mặt mũi nào mà gặp anh em. Đồng chí Lê Duẩn ôm vai Bông Văn Dĩa nói rằng: “Anh nói với đồng bào đồng chí cho tôi hỏi thăm tất cả. Đảng và Chính phủ không quên Cà Mau. Nhưng cách mạng là của cả nước. Anh đi đường biển là vì cách mạng của cả miền Nam, chứ đâu chỉ của Cà Mau”. Cũng như lần trước, Bông Văn Dĩa lao thuyền ra vùng biển quốc tế, rồi ngắm trăng sao mà lao vào bờ. Thật may, lần này ông ghé đúng vào đảo Thổ Chu, cách Cà Mau chừng trăm cây số. Ở đây, ông dễ dàng nhập vào thuyền của những người dân đánh cá, để về Cà Mau. Ba tháng sau, những con số vô hồn trong bản mật mã học thuộc từ Quảng Ninh, Bông Văn Dĩa mới phải dùng đến. Những con tàu Không số đầu tiên bí mật vào bến do Bông Văn Dĩa và những chiến sĩ Cà Mau tổ chức trong rừng đước. Không chỉ đến Cà Mau, con đường biển đã đưa những con tàu Không số cập nhiều bến dọc miền duyên hải, cung cấp vũ khí kịp thời cho cuộc Đồng Khởi, đưa cuộc chiến đấu bước vào thời kỳ mới. Tháng 5-1975, tôi gặp anh hùng Bông Văn Dĩa ở Cần thơ. Khi đó, ông là trung đoàn trưởng trung đoàn vận tải. Nhắc lại chuyện cũ, ông nói với tôi rằng, bài học mà ông luôn dạy các chiến sĩ mới của ông, ấy là có khi nóng vội, ông cũng trách Đảng chuyện này chuyện khác. Nhưng ngẫm lại, Đảng bao giờ cũng thấu đáo hơn bản thân mình.
Hà Đình Cẩn
(Nguồn: Hồn Việt)