Ngay những ngày đầu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã khẳng định giai cấp công nhân phải xây dựng một chính đảng có tổ chức thống nhất, độc lập và phải “biến mỗi chi bộ của mình thành trung tâm và hạt nhân của các hiệp hội công nhân”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, các chi bộ là nền móng của Đảng, là sợi dây chuyền để Đảng liên hệ với quần chúng. Người nhấn mạnh: “Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”(2).
Trong Đảng bộ Quân đội, chi bộ là nơi trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng, quản lý đảng viên; làm công tác vận động quần chúng, phát triển đảng viên và thực hiện các mặt công tác theo quy định của Điều lệ Đảng, là hạt nhân chính trị lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Thời gian qua, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo việc cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của các chi bộ thuộc các loại hình đơn vị: chiến đấu, cơ quan, nhà trường, doanh nghiệp... trong Đảng bộ Quân đội; chỉ đạo, hướng dẫn bồi dưỡng chi ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ về nghiệp vụ công tác đảng; nguyên tắc, chế độ sinh hoạt; quy trình và cách thức xây dựng nghị quyết... nhằm đảm bảo cho các chi bộ và đảng viên thực hiện tốt chức năng lãnh đạo, giáo dục. Các chi bộ đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu, lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nhiều chi bộ đã có chuyển biến tích cực trong chuẩn bị nội dung và tiến hành sinh hoạt, cũng như quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của cấp mình. Cấp ủy viên các cấp, nhất là bí thư đã phát huy tốt vai trò trong việc lựa chọn nội dung sinh hoạt, dự thảo đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho từng kỳ và từng tháng; khơi gợi thảo luận đề ra giải pháp lãnh đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu ở đơn vị. Trong sinh hoạt, các chi bộ thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tính chiến đấu của cán bộ, đảng viên. Khi đã ra nghị quyết, từng chi ủy viên được phân công cụ thể lĩnh vực phụ trách; đề cao trách nhiệm của người chỉ huy trong triển khai thực hiện nghị quyết trên từng mặt công tác, đảm bảo đạt được mục tiêu, yêu cầu và các chỉ tiêu cụ thể nghị quyết đã đề ra, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, từng bước nâng cao hiệu quả thực hiện nghị quyết của chi bộ.
Sinh hoạt tự phê bình và phê bình tại các chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong giáo dục, rèn luyện lập trường, bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, xây dựng tư cách, ý thức tự giác thực hiện nhiệm vụ, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm lạc hậu, sai trái... Các chi bộ đã đẩy mạnh việc thực hiện bước 2 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hướng mạnh vào nội dung “làm theo” bằng những công việc cụ thể, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, chất lượng đội ngũ đảng viên, củng cố niềm tin của quần chúng với tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng đã góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng sinh hoạt còn một số vấn đề đáng quan tâm: Năng lực trong quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của trên để đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện của không ít cấp uỷ, tổ chức đảng còn hạn chế; nghị quyết còn chung chung, dàn trải, chưa sát thực tế, chưa tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề nổi cộm của đơn vị... Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa chú trọng đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc; một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, chất lượng công tác thấp…
Những tồn tại, khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân, trước hết là do nhận thức của cấp ủy và đảng viên về yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng chưa thật sâu sắc, còn tư tưởng ngại sinh hoạt. Hai là, một số nơi cấp ủy cấp trên chưa thực sự chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ sinh hoạt của chi bộ; việc bồi dưỡng nâng cao năng lực, kinh nghiệm công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ chưa được tiến hành thường xuyên. Ba là, một số chi bộ chậm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nên chất lượng sinh hoạt còn thấp...
Từ thực tiễn hoạt động của chi bộ trong Đảng bộ Quân đội và yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, phải làm cho các cấp ủy và mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng hiện nay.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng là nội dung quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Cần coi trọng việc bồi dưỡng năng lực quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc chấp hành nghị quyết của chi bộ và nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 147/NQ-ĐUQSTW ngày 4-4-2008 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội giai đoạn mới”. Các cấp ủy, chi bộ cần nắm vững và thực hiện đúng quy trình tổ chức sinh hoạt chi bộ, trong đó có khâu rất quan trọng là thảo luận ra nghị quyết. Để làm tốt yêu cầu trên, đồng chí bí thư chi bộ cần lựa chọn nội dung sinh hoạt sát, đúng, phù hợp với đặc điểm, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; chi bộ thảo luận xây dựng nghị quyết cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những khâu yếu, mặt yếu, làm chuyển biến tình hình của cơ quan, đơn vị. Những mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được hoặc chất lượng thấp, những tồn tại, yếu kém của đơn vị cần được làm rõ nguyên nhân, kịp thời rút kinh nghiệm, tìm biện pháp khả thi để giải quyết dứt điểm.
Thực tiễn cho thấy, đối với chi bộ thì việc xây dựng nghị quyết phải cụ thể, tránh tình trạng chung chung, dàn trải, sao chép, mô phỏng nghị quyết của cấp trên; không nên áp đặt ý kiến chủ quan, mệnh lệnh quan liêu, khó tổ chức thực hiện. Chi ủy, chi bộ cần đề cao trách nhiệm, nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết, nhất là những vấn đề cần tập trung lãnh đạo nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ ở cơ quan, đơn vị.
Hai là, cấp ủy mà trực tiếp là đồng chí bí thư chi bộ phải xác định đúng, trúng nội dung sinh hoạt từng kỳ sát với yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan, chi bộ.
Hằng tháng, chi bộ chỉ nên chọn một đến hai nội dung để tập trung lãnh đạo; kết hợp sinh hoạt tự phê bình và phê bình, sinh hoạt học tập, kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong tổ chức thực hiện nghị quyết, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của trên, năng lực công tác đảng và giải quyết mối quan hệ giữa lãnh đạo và chỉ huy. Đi đôi với việc giữ vững chế độ sinh hoạt định kỳ và nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng chí bí thư chi bộ cần chuẩn bị chu đáo nội dung các kỳ sinh hoạt, mở rộng dân chủ, khuyến khích đảng viên thảo luận thẳng thắn, phát huy trí tuệ tập thể bổ sung vào dự thảo nghị quyết trước khi chi bộ quyết nghị, hết sức tránh áp đặt ý kiến cá nhân trong sinh hoạt.
Ba là, trong sinh hoạt, người chủ trì cần điều hành cuộc họp một cách khoa học, linh hoạt nhưng bảo đảm nguyên tắc.
Trong sinh hoạt, bí thư hoặc người chủ trì phải điều hành để chi bộ tiến hành nhiều nội dung: Thông tin tóm tắt nghị quyết, chỉ thị của cấp trên (nếu có); đánh giá tình hình thực hiện trong tháng trước, đề ra nhiệm vụ tháng tới; khơi gợi những vấn đề cần tập trung thảo luận; phân công nhiệm vụ đảng viên và tự phê bình, phê bình đảng viên… Trong đó, việc thảo luận để ra nghị quyết của chi bộ là rất quan trọng, cần phát huy dân chủ để tập trung trí tuệ của tập thể. Các đảng viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm tham gia ý kiến xây dựng nghị quyết, có chính kiến về những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với chi bộ, cơ quan, đơn vị mình. Để thực hiện tốt những nội dung trên, người chủ trì phải điều hành cuộc sinh hoạt một cách khoa học, linh hoạt nhưng phải bảo đảm nguyên tắc. Chi uỷ, nhất là bí thư chi bộ cần giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với người chỉ huy đơn vị để cụ thể hóa nghị quyết trong quá trình tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả thực hiện nghị quyết tại đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện, kịp thời uốn nắn các sai sót, lệch lạc, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo tính nguyên tắc trong sinh hoạt đảng.
Một yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, thực hiện có nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình, nhất là bí thư và người chủ trì phải gương mẫu thực hiện. Đồng thời, thực hiện tốt việc lấy ý kiến của quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên, tăng cường công tác quản lý đảng viên tại nơi công tác và nơi cư trú.
Để trang bị kiến thức và kinh nghiệm công tác đảng cho cấp ủy viên, bí thư chi bộ, sau mỗi kỳ đại hội cấp uỷ cấp trên cần tổ chức các lớp bồi dưỡng cho những đồng chí này về các chế độ và nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, những nội dung cơ bản và phương pháp điều hành một kỳ sinh hoạt, những kinh nghiệm xử lý tình huống thường gặp trong công tác đảng ở chi bộ. Chú trọng tổ chức làm điểm những nội dung đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, coi trọng tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn để chỉ đạo chung, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ trong Đảng bộ Quân đội là một đòi hỏi khách quan, cấp thiết hiện nay. Ở mỗi loại hình đơn vị, các chi bộ cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên; nắm chắc tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị để luôn có được nghị quyết sát, đúng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
-------
(1): Mác-Ăngghen toàn tập, NXBCTQG, H.1993, tập 7, tr. 348.
(2): Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H. 2002, tập 12, tr. 210.
Th.s Phạm Việt Hải
Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, Bộ Quốc phòng