Nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ

Nghị quyết lãnh đạo là văn kiện chính trị trọng yếu của các cấp bộ đảng từ cơ sở đến Trung ương. Nội dung chủ yếu của nghị quyết lãnh đạo bao gồm: đánh giá tình hình, kết quả công tác lãnh đạo của chi uỷ, chi bộ, đảng bộ trong nhiệm kỳ, quý hoặc tháng trước; đánh giá tình hình, xác định phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo cho nhiệm kỳ, quý hoặc tháng tiếp theo; phân công nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện công tác lãnh đạo. Chính vì vậy, công tác xây dựng nghị quyết luôn là khâu trọng tâm, là một nội dung quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ các cấp. Chất lượng nghị quyết lãnh đạo liên quan mật thiết đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, quyết định đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trên tất cả các mặt công tác.

Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở đã tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng nghị quyết lãnh đạo, tăng cường bám sát thực tiễn công tác,̀ đã tạo được những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đảng ở cơ sở cũng như nâng cao chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít tổ chức cơ sở đảng, chi bộ yếu về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước và cấp ủy cấp trên vào thực tiễn nhiệm vụ còn hạn chế; chưa kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở; chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lí kịp thời những đảng viên vi phạm.

Nguyên nhân chủ yếu là, chưa chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trong đó đặc biệt là khâu xây dựng nghị quyết lãnh đạo. Công tác kiểm tra đã cho thấy rằng, ở những chi bộ yếu kém, nội dung nghị quyết lãnh đạo rất nghèo nàn, thiếu nội dung; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình yếu. Một số nghị quyết lãnh đạo của chi bộ còn dàn trải, chung chung, chưa xác định được vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần lãnh đạo, thậm chí có nghị quyết lãnh đạo của chi bộ có nội dung tương tự như nghị quyết của cấp ủy cấp trên, hoặc có chi bộ  ra nghị quyết lãnh đạo giống như sắp xếp lịch công tác cho cơ quan, đơn vị…

Nhằm tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, cũng như làm rõ hơn sự cần thiết phải nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ, tác giả đưa ra một số ý kiến trao đổi cụ thể như sau:

1. Về công tác chuẩn bị.
Để xây dựng nghị quyết lãnh đạo, chi ủy, trực tiếp là bí thư chi bộ cần phải làm tốt khâu chuẩn bị nội dung của dự thảo nghị quyết trên cơ sở nghiên cứu kỹ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Nghiên cứu và nắm vững nội dung nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên, nhất là nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp (nếu nghị quyết của cấp ủy cấp trên triển khai sau nghị quyết lãnh đạo của chi bộ, thì nhất thiết chi bộ phải bổ sung nội dung vào nghị quyết lãnh đạo những chỉ tiêu và chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy cấp trên). Đồng thời phải nắm chắc nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, nghị quyết đại hội nhiệm kỳ, nghị quyết năm, nghị quyết công tác lãnh đạo quý, kế hoạch xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh của chi bộ và các nội dung liên quan khác. Đặc biệt là phải xác định rõ được các nhiệm vụ trọng yếu cần tập trung lãnh đạo, cũng như những hạn chế, khuyết điểm nổi cộm cần tập trung giải quyết.

Trong quá trình xây dựng dự thảo nội dung nghị quyết, chi ủy, trực tiếp là bí thư cần tiến hành tổ chức lấy ý kiến tham gia từ đảng viên, tổ đảng và các tổ chức quần chúng đối với công tác lãnh đạo của chi bộ để việc dự thảo nghị quyết sát tình hình thực tiễn. Trên cơ sở các ý kiến thu thập được, chi uỷ, bí thư chi bộ phải tiến hành phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học để thấy rõ được những nguyên nhân mạnh, yếu trong công tác lãnh đạo. Đặc biệt là, phải thấy được những nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm, dự kiến các nhiệm vụ đột xuất và những vấn đề do thực tiễn đặt ra để có nội dung, biện pháp lãnh đạo kịp thời trong tháng tới. Các vấn đề đã được xác định phải được đưa vào dự thảo nghị quyết lãnh đạo một cách cụ thể, phản ánh đúng bản chất của vấn đề làm cơ sở cho việc phát triển nội dung xây dựng và đóng góp của chi uỷ và các đảng viên trong chi bộ. Công tác chuẩn bị nội dung dự thảo nghị quyết lãnh đạo của chi bộ phải được tiến hành trên cơ sở phát huy năng lực trí tuệ, vai trò, trách nhiệm của từng chi ủy viên, cán bộ chủ chốt phụ trách các ban, ngành, bộ phận và tổ chức quần chúng. Phải thông báo nội dung hội nghị chi bộ trước cho các tổ đảng, đảng viên để chuẩn bị ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị quyết được chính xác, đầy đủ, có tính khả thi. Nội dung nghị quyết cần chuẩn bị ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; bám sát nhiệm vụ, chức năng của cơ quan, đơn vị để đánh giá và đề ra phương hướng, biện pháp thực hiện.

2. Những nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết.
* Về đặc điểm tình hình.
Nêu ngắn gọn đặc điểm chi phối trực tiếp đến kết quả lãnh đạo của chi bộ trong tháng, nhất là những thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ. Bổ sung những thông tin mới liên quan đến nội dung xây dựng nghị quyết như: tình hình trong nước và quốc tế; tình hình kinh tế, chính trị, xã hội địa phương; những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; tình hình tư tưởng, chất lượng cán bộ, đảng viên, quần chúng; tình trạng cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật…

* Phần đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của tháng trước.
Căn cứ vào chỉ tiêu, yêu cầu, nội dung đã đề ra trong nghị quyết của tháng trước, trong dự thảo nghị quyết cần làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, khẳng định kết quả làm được, xác định nguyên nhân những việc chưa làm được. Tập trung đánh giá sâu việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm và xác định trách nhiệm của cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt. Đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện các việc đột xuất trong tháng, mức độ hoàn thành và xác định rõ các nguyên nhân liên quan. Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo của chi bộ, trách nhiệm của chi ủy, bí thư, phó bí thư, chi ủy viên hay đảng viên được phân công phụ trách. (đối với nghị quyết lãnh đạo hằng tháng không kiểm điểm đánh giá toàn diện tất cả các nội dung như nghị quyết lãnh đạo hằng năm và sáu tháng).

* Phần phương hướng, nội dung, biện pháp lãnh đạo trong tháng.
Trước khi triển khai các nội dung chính cần phải khái quát ngắn gọn những đặc điểm chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo nhiệm vụ trong tháng tới của chi bộ như: những biến động về biên chế tổ chức, về lãnh đạo chỉ huy; tình hình thời tiết, khí hậu và các yếu tố khác có thể gây tác động tới nhiệm vụ của đơn vị; dự kiến các nhiệm vụ đột xuất có thể phát sinh… Việc xây dựng nội dung, phương hướng nhiệm vụ và biện pháp lãnh đạo cần phải căn cứ vào chương trình, kế hoạch công tác chung của đơn vị đã được xác định trước đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng trước, yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chi bộ. Nội dung và biện pháp lãnh đạo cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc nổi cộm đang tồn tại. Sau khi xác định được nội dung cần tập trung lãnh đạo, dự thảo nghị quyết phải đề ra chỉ tiêu, yêu cầu và các biện pháp cụ thể. Về chỉ tiêu, yêu cầu: các chỉ tiêu, yêu cầu đặt ra phải sát thực tế, sát đối tượng và khả năng thực hiện của các tổ chức, cá nhân. Cần nêu cụ thể và nên lượng hóa bằng các số liệu, hoặc tỉ lệ (%) tiện cho việc giao nhiệm vụ và theo dõi kiểm tra, đánh giá, tổng kết. Về biện pháp thực hiện: phải được xây dựng một cách đồng bộ về chính trị tư tưởng, về công tác tổ chức, về hành chính, chính sách. Đặc biệt cần có giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu, tạo chuyển biến vững chắc trong cơ quan, đơn vị.

* Phân công tổ chức thực hiện nghị quyết.
Việc phân công tổ chức thực hiện nghị quyết phải rõ ràng, cụ thể, gắn với chức trách, nhiệm vụ, năng lực của từng tổ chức, cá nhân nhằm đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Chú ý phân công nhiệm vụ cho đảng viên là cán bộ chủ trì, các chi ủy viên, các trưởng ngành, trưởng bộ phận, đảng viên ở các vị trí trọng yếu. Việc phân công tổ chức thực hiện phải được đưa vào nội dung của dự thảo nghị quyết, làm cơ sở cho việc biểu dương, khen thưởng, kiểm điểm, quy trách nhiệm và đánh giá kết quả phấn đấu của tổ chức, cá nhân trong tháng và cuối năm được chính xác.

Sau khi chuẩn bị xong dự thảo nghị quyết, bí thư (hoặc phó bí thư) chi bộ phải tiến hành các bước sau: họp chi ủy để thông qua nội dung và thống nhất thời gian họp chi bộ (đối với các chi bộ không có chi ủy thì bí thư hội ý với phó bí thư chi bộ và người phụ trách cơ quan, đơn vị, các ban ngành, bộ phận), tranh thủ các ý kiến đóng góp để bổ sung và thống nhất nội dung, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết. Tiến hành báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về nội dung dự thảo nghị quyết, thời gian sinh hoạt chi bộ và mời cấp ủy cấp trên xuống dự (nếu có nội dung quan trọng). Thông báo cho các tổ đảng, đảng viên về nội dung, thời gian, địa điểm sinh hoạt, gợi ý chuẩn bị ý kiến để phát biểu. Nội dung dự thảo nghị quyết phải được chi bộ thảo luận, bí thư chi bộ kết luận, chi bộ biểu quyết thông qua và theo nguyên tắc, khi có hơn một nửa số đảng viên chính thức của chi bộ tán thành, được trở thành nghị quyết của chi bộ.

Trên đây là một số nội dung trao đổi nhằm nâng cao chất lượng xây dựng dự thảo nghị quyết lãnh đạo của chi bộ đảng. Đây cũng được coi là khâu trọng yếu, quyết định và khẳng định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Khi có được nghị quyết lãnh đạo sát, đúng, có phân công, phân nhiệm cụ thể và các giải pháp thực hiện đồng bộ, nhất định chất lượng cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị sẽ có bước tiến vững chắc và khắc phục được cơ bản tình trạng tồn tại của các chi bộ yếu kém hiện nay.

Phản hồi (1)

Đặng Xuân Trường 15/12/2011

Tôi là bí thư của 1 chi bộ xem qua bài viết này, tôi rất cám ơn tác giả đã nêu ra một số ý rất hay tôi mong mỗi ngành, mỗi cấp, tùy theo nhiệm vụ chính trị và chuyên môn Đảng ủy cấp trên cần có những hướng dẫn chi tiết nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất