Cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp trong quân đội gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình

Nhiệm vụ kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và cũng là khâu khó khăn, phức tạp  nhất hiện nay. Vì vậy trong quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương lần này, nhất là trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình, Đảng ta yêu cầu phải gắn với “trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thực sự gương mẫu để cho các cấp noi theo… tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế”[i].

Thực hiện nhất quán quan điểm chỉ đạo của Đảng, các cáp ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong quân đội phải thực sự gương mẫu tự phê bình và phê bình, đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc tiếp tục phát huy những thành tựu, ưu điểm, tạo sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới. Để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình các cấp ủy trong quân đội xác định:

Một là, nêu cao dũng khí, tự giác, gương mẫu tự phê bình để cấp dưới và đảng viên học tập, noi theo.

Cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp trong quân đội, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị tự giác gương mẫu tự phê bình trước là việc làm quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng. Điều này đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, thực sự cầu thị tiến bộ, có dũng khí, có tính tự giác cao, đủ can đảm tự nhận khuyết điểm và nghe người khác nói về những yếu kém của mình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”[ii]; “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít mà những tính tốt ngày càng tăng thêm”[iii]. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp trong quân đội cần kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, nghiêm túc, chân thành. Thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác gương mẫu làm trước, tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khuyết điểm thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình"[iv].

Hai là, thực sự phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm trong tổ chức tự phê bình và phê bình.

Sau khi đã thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp phải tổ chức cho mỗi cán bộ, đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo các nội dung Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu, gồm: Thứ nhất, về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái. Thứ hai, những hạn chế yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ; tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Thứ ba, những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là của người đứng đầu… Trong ba nội dung này, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Khi kiểm điểm, cần tập trung liên hệ, làm rõ nguyên nhân và chỉ ra phương pháp khắc phục.

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, cần được chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế. Thực hiện các giải pháp phải đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Hết sức tránh cách làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, cũng như tình trạng lợi tự phê bình và phê bình để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác.

Tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiến hành thực sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và tình thương yêu đồng chí giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Trước khi kiểm điểm phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, cần có hình thức thích hợp lấy ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm. Sau khi kiểm điểm, báo cáo kết quả với cấp trên và thông báo với cấp dưới. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại; kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không tự nhận sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra. Những trường hợp vi phạm, tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn kỷ luật.

Tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài, do đó các cấp ủy, tổ chức đảng, từng đảng viên phải thường xuyên tự giác xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, không chờ đến khi tổ chức các hội nghị mới kiểm điểm. Thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị, sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 lần này, cần duy trì nghiêm túc nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình hàng năm, gắn với kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao và lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Định kỳ hằng năm, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng biết, đóng góp ý kiến.

Ba là, phát huy vai trò của quần chúng trong đóng góp ý kiến phê bình cán bộ chủ chốt các cấp của quân đội.

Trong thực hiện tự phê bình và phê bình đối với cán bộ chủ chốt các cấp, quần chúng có vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, “cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lỗi lầm mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy,…”[v] dân chúng đều biết rõ. Do vậy, cần động viên, phát huy vai trò của quần chúng mạnh dạn, thẳng thắn góp ý kiến phê bình cho cán bộ chủ chốt các cấp trong quân đội.

Tùy tình hình cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, mà có hình thức lấy ý kiến đóng góp của quần chúng cho thích hợp, có thể lập đường dây nóng, mở hòm thư góp ý để tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng đóng góp ý kiến. Mỗi cán bộ chủ chốt các cấp trong quân đội phải thực sự khiêm tốn, cầu thị tiến bộ, chú trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp phê bình đúng đắn của quần chúng, nhất là những hạn chế, khuyết điểm để sửa mình. Kiên quyết chống mọi biểu hiện dân chủ hình thức hoặc trù dập, định kiến với người phê bình, đồng thời cần có quy chế động viên, khen thưởng xứng đáng và bảo vệ những quần chúng và cán bộ cấp dưới dũng cảm đóng góp ý kiến phê bình cấp trên và cán bộ, đảng viên.

Bốn là, cụ thể hóa và hoàn thiện quy định về tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ quân đội.

Các cấp ủy, cán bộ chủ chốt và cơ quan chức năng các cấp trong quân đội phải làm tốt chức năng tham mưu trong việc rà soát, loại bỏ các quy định, chính sách đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn, ban hành đồng bộ các quy định, chính sách để đổi mới mạnh mẽ tự phê bình và phê bình. Đặc biệt, cần tích cực cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI, Chỉ thị của Bộ Chính trị, các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng các cấp về tự phê bình và phê bình thành các quy chế, quy định cụ thể để triển khai thực hiện gắn với trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong quân đội.

Căn cứ vào từng loại hình tổ chức đảng, cần bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, tôn trọng nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, khắc phục và loại bỏ lối tư duy nhiệm kỳ cũng như việc hình thành lợi ích nhóm trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong quân đội.

Đặng Sỹ Lộc
Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)


[i] ĐCSVN, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 16 tháng 01 năm 2012, tr.4. [ii] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.644. [iii] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.251. [iv] Nguyễn Phú Trọng, Bài phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Báo nhân dân, số 20625, thứ 3 ngày 28 tháng 2 năm 2012, tr.5.[v] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.296.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất