Có lẽ đến mấy chục năm nay, chưa lúc nào tôi phải ngồi “cắn bút” như mấy ngày này. “Cắn bút” theo nghĩa đen đấy, vì việc này không được đánh máy vi tính, phải viết tay, ký tên đàng hoàng. Cái sự “bút sa... người chết” thế nào tôi đã thấm, cho nên phải “cắn bút” nghĩ ngợi rất căng thẳng.
Tôi là thành viên cấp ủy. Ban chấp hành đảng bộ có 7 người thì 3 người trong ban giám đốc, còn 4 là trưởng các phòng. Từ chục ngày trước, văn phòng cơ quan phát phiếu yêu cầu các ủy viên phải góp ý cho ban giám đốc. Tờ góp ý có các mục: ưu điểm, khuyết điểm, đề xuất, ký tên người góp ý.
Đã bao lần, tôi cầm bút lên rồi lại đặt bút xuống. Xác định quan điểm, tôi sẽ góp ý cho đồng chí mình thật chân thành, thẳng thắn. Vì tôi biết, có những điều họ không bao giờ nghe thấy anh em đánh giá về họ. Ví như 2 đồng chí phó giám đốc, tôi sẽ phản ánh ý kiến của mọi người về tư tưởng “chợ chiều”, ngại va chạm, sợ trách nhiệm, chỉ “lườn khườn” chờ đến tuổi nghỉ hưu. Còn đồng chí giám đốc, tôi sẽ nói về việc anh em phàn nàn cơ quan toàn con cháu, người nhà của ông. Việc hễ ông có mặt là dẫn đến người này nói xấu người kia, khiến nội bộ nghi kỵ lẫn nhau, mọi người gọi ông là “trung tâm mất đoàn kết”. Ông giàu lên bất thường, vừa có căn hộ ở Hà Nội, vừa có mấy mảnh đất ở tỉnh nhà, ông lấy đâu ra lắm tiền thế?...
Nhưng tôi bỗng thảng thốt khi nhớ lại câu chuyện dăm năm trước. Lần ấy, với tư cách là chủ tịch công đoàn, tôi đã vào phòng giám đốc nói hết suy nghĩ gan ruột của tôi, của anh em phản ánh đến tôi. Giám đốc nghe chăm chú lắm, đầu gật gù liên tục khiến tôi càng nói càng hăng. Khi tôi dừng lời, ông thủng thẳng:
- Những điều cậu nói cũ quá, tôi biết hết rồi, toàn đồn đại linh tinh, vô căn cứ. Dù sao thì cũng cảm ơn cậu!
Sau lần góp ý ấy, thái độ của giám đốc với tôi khác hẳn. Cuộc họp giao ban nào tôi cũng có chuyện bị ông phê bình, việc gì tôi làm ông cũng tìm ra được khiếm khuyết. Đại hội công đoàn năm đó, ông gợi ý tôi thôi chủ tịch. Phải đến mấy năm sau ông mới bớt “gầm ghè”, để tôi sống yên ổn. Lần này lại phải góp ý bằng giấy trắng mực đen, có ký tên, tôi sẽ viết thế nào đây? Những gì tôi nghe thấy thì chưa có bằng chứng, họ có thể phủi đi ngay. Những điều nhìn thấy, liệu tôi có đủ khả năng để chứng minh? Thấy tôi mãi không nộp bản góp ý kiến, cậu chuyên viên tổng hợp giục:
- Bác sao lâu thế, các bác cấp ủy viên khác góp hết cả rồi. Bác nộp đi cho em hoàn tất báo cáo gửi lên cấp trên.
- Nói thật là tôi đang cân nhắc, góp ý cho người khác khó lắm chứ cậu tưởng?!
- Bác này, cứ thông minh giỏi giang ở đâu ấy. Em tổng hợp em biết. Này nhá: ưu điểm thì nhiệt tình này, làm việc khoa học này, có tinh thần trách nhiệm này; khuyết điểm là còn nóng nảy khi giải quyết công việc, cần kiềm chế hơn... Đấy, ai bắt bác phải viết dài, viết nhiều. Thậm chí bác viết: “Không có ý kiến gì” như có người đã viết, cũng chả sao...
Tôi ngẩn người. Thật thế sao? Viết như vậy thì phiếu góp ý có tác dụng gì? Tôi thấy Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ “cần có hình thức phù hợp lấy ý kiến góp ý”. Theo tôi, hình thức phù hợp nên là hòm thư góp ý đặt tại phòng họp cơ quan. Trước đó, đảng uỷ và ban giám đốc phổ biến nội dung cần góp ý cho tập thể đảng uỷ, ban giám đốc và các thành viên trong ban lãnh đạo, định thời gian để mọi người viết góp ý, bỏ vào hòm thư. Trong khi chưa có cơ chế bảo vệ người phê bình không bị trù úm, phiếu góp ý có thể viết tay hay đánh máy và không cần ký tên bởi mục đích góp ý là để tập thể, cá nhân biết rõ ưu khuyết điểm nhằm phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, không phải mục đích để biết ai nói gì. Chỉ có thế, góp ý mới thẳng thắn, ưu khuyết điểm mới được chỉ rõ, tự phê bình, phê bình mới có kết quả.
Trung Hiếu