Để phát huy hơn nữa dân chủ trong Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Từ khi ra đời, Đảng là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi cách mạng thắng lợi, giành được chính quyền, Đảng trở thành Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo xây dựng xã hội mới - xã hội của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, trước hết Đảng phải là tấm gương thực hành dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ(1), trong Đảng “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình (2). Mặt khác, mỗi đảng viên bất cứ ở địa vị nào cũng phải làm gương dân chủ. Lịch sử hơn 80 năm Đảng lãnh đạo sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước đã minh chứng cho sức mạnh dân chủ trong Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề dân chủ trong Đảng là một chủ đề cần được coi trọng và phát huy, thể hiện đúng đắn nhất nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

Tôi xin góp một số ý về phát huy hơn nữa dân chủ trong Đảng, nhằm nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một là, tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng để bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội. Ở nước ta, nói tới dân chủ đối với xã hội, trước hết phải nói tới việc bảo đảm và phát huy dân chủ ngay trong Đảng ta, đây là cái gốc của vấn đề. Trình độ dân chủ của xã hội phụ thuộc vào điều kiện tiên quyết từ trình độ dân chủ trong Đảng. Toàn bộ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng ta được đặt trong sự chế định của nguyên tắc tập trung dân chủ. Chỉ khi nào Đảng thực hiện tốt nguyên tắc đó, thì mới tạo được điều kiện cho việc bảo đảm và phát huy dân chủ ở xã hội. Một đảng “là đạo đức, là văn minh” theo quan điểm của Hồ Chí Minh là phải bảo đảm thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, phải làm cho tất cả mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình với Đảng; khi đã thảo luận dân chủ, ra được nghị quyết, thì mọi đảng viên phải tập trung thực hiện thắng lợi nghị quyết.

Hai là, thực hiện tốt dân chủ trong sinh hoạt đảng. Trong sinh hoạt, đảng viên được trình bày quan điểm, ý kiến của mình trong tổ chức, được bảo lưu ý kiến và kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm của Đảng. Ý kiến xây dựng của đảng viên được tôn trọng là điều kiện để đảng viên phát huy tính tích cực trong xây dựng Đảng, nâng cao trí tuệ, nhận thức trong Đảng; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng trong Đảng cũng như trong toàn xã hội… Sinh hoạt đảng là một hoạt động thường xuyên và rất quan trọng của Đảng. Mọi đường lối, chủ trương, tổ chức thực hiện, tổng kết rút ra kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng, xây dựng Đảng, đấu tranh với các thế lực chống Đảng… đều từ trong sinh hoạt đảng. Sinh hoạt dân chủ, chất lượng cao sẽ góp phần làm cho Đảng mạnh. Trong Đảng, mọi đảng viên, bất kỳ cương vị gì đều bình đẳng, vì thế, dân chủ trong sinh hoạt đảng là điều tất yếu và có ý nghĩa quyết định dân chủ trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước để bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết; lãnh đạo thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối, quan điểm, các nghị quyết của Đảng kế hoạch, các chương trình công tác lớn của Nhà nước; bố trí cán bộ cho bộ máy nhà nước và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo trong quản lý đất nước và xã hội.

Bốn là, tăng cường có hiệu quả công tác dân vận, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân. Dân vận, trước hết phải quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(3). Trong công tác dân vận phải thực hành phong cách Hồ Chí Minh: "Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc" (4).

Năm là, nâng cao vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân hoạt động theo đúng định hướng chính trị và pháp luật. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong hoạt động, tránh căn bệnh hành chính. Bên cạnh cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhiều ý kiến đóng góp xây dựng và thực hiện đường lối phát triển đất nước. 

Sáu là, phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, tiếp tục khẳng định nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ. Đảng quyết định chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý đối với toàn bộ đội ngũ cán bộ. Thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ để lựa chọn được những người thực sự có phẩm chất chính trị, có đạo đức, trình độ, có uy tín. Đổi mới và hoàn thiện chế độ bầu cử, thực hiện nguyên tắc quyết định theo đa số, đồng thời phát huy trách nhiệm, tôn trọng quyền hạn và ý kiến của người đứng đầu cơ quan. Trong công tác cán bộ, cần đặc biệt chống những biểu hiện dân chủ hình thức, cục bộ, quan liêu độc đoán, không xuất phát từ lợi ích chung, thành kiến, hẹp hòi, thiếu công tâm hoặc nể nang, tùy tiện, thiếu trách nhiệm với tổ chức và với cán bộ, đảng viên.

Bảy là, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm làm cho mỗi đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng của Người để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Phát huy dân chủ trong đảng viên, tổ chức đảng viên lãnh đạo quần chúng đưa đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực cuộc sống là yêu cầu tất yếu, là thể hiện dân chủ trong Đảng.


Trần Lê

-----------------------------------------


(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, T. 7, tr.241. (2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, T. 10, tr.118. (3)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 698. (4)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 699.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất