Một lần đi công tác, chúng tôi ghé thăm, thắp hương Đền thờ các vua Trần ở xã Tức Mặc, TP. Nam Định. Bước chân vào Đền thấy treo một khung kính ở đó ghi tám điểm xem người khi chọn tướng tài của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (trích trong Binh thư yếu lược) nội dung như sau:
1. Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không.
2. Gạn cùng bằng lời lẽ xem có trung thành không.
3. Cho gián điệp thử xem có trung thành không.
4. Hỏi rõ ràng tường tận xem đức hạnh thế nào.
5. Lấy của mà thử xem có thanh liêm không.
6. Lấy sắc đẹp mà thử xem có đứng đắn không.
7. Lấy việc khó khăn mà thử xem có dũng cảm không.
8. Cho uống rượu say để xem có giữ đúng thái độ không.
Tôi vội lấy giấy bút ra chép 8 điều của Hưng Đạo vương. Thấy tôi chăm chú ghi chép, một cụ ông có vẻ “lão nông chi điền” đứng cạnh tôi, cởi mở:
- Đấy, anh xem ông cha ta ngày xưa chọn người làm việc cẩn thận, kỹ lưỡng, toàn diện biết bao! Nếu như ngày nay, cán bộ, đảng viên nào của chúng ta cũng được thử thách, lựa chọn những điều theo tinh thần mà ông cha ta đã làm trước đây thì Đảng ta trong sạch, vững mạnh chứ không thể có một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Giá mà cứ lấy những nội dung, tiêu chuẩn như Trần Hưng Đạo đề ra mà sàng lọc, thử thách chắc chắn khối anh không trụ lại được trong Đảng và bộ máy công quyền.
Không chờ xem phản ứng của tôi ra sao, “lão nông” vui vẻ tiếp:
- Mà cũng chả cần phải đợi thử thách, nhiều quan lại thời phong kiến tự khép mình vào khuôn phép ghê lắm, không sống buông thả như nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày nay đâu. Chuyện kể rằng, có một ông quan có thói quen rất tốt. Hằng ngày, cứ mỗi lần làm được một việc gì tốt ông ta lại lấy một hạt đỗ đỏ bỏ vào trong lọ. Mỗi lần làm điều gì không tốt hoặc có hại cho người khác, ông lại lấy một hạt đỗ đen bỏ vào lọ. Khoảng tháng một lần, ông quan lại đổ đỗ ra đếm. Thấy có nhiều đỗ đen thì ông quan lại tự răn mình, quyết tâm tu dưỡng, sửa chữa. Cứ như thế, dần dần số đỗ đen trong lọ ngày một ít đi, số đỗ đỏ ngày càng nhiều hơn lên. Ông quan ngày càng hoàn thiện, làm được nhiều việc tốt, việc thiện cho dân, cho nước, ích nước lợi nhà.
Cách làm như ông quan nọ ngày nay chúng ta gọi là tự chỉ trích hay tự phê bình cũng vậy. Đảng ta, từ người đứng đầu như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đến nhiều đồng chí lãnh đạo khác ở Trung ương cũng như các ngành, các cấp cũng đã thường xuyên tự chỉ trích, tự phê bình. Đảng ta đã nhiều lần phát động toàn Đảng tự phê bình và phê bình, hiện nay đang thực hiện việc này theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nói một cách hình ảnh thì tới đây, mỗi đảng viên phải tự giác “nhặt” ra cho kỳ được “những hạt đỗ đen” mà bấy lâu nay tích tụ lại, chưa kiểm đếm. Nếu đảng viên nào cố tình không thấy thì sẽ được tập thể, cấp trên và nhất là nhân dân chỉ ra cho.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nói về tự phê bình và phê bình tương tự như câu chuyện trên đây, rằng: Mỗi người phải cố gắng bản thân, đồng thời dựa vào sự giúp đỡ của tập thể để thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình để thấy rõ cái hay và cái dở, để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Tự phê bình và phê bình đã từng được Đảng ta coi là “khâu đột phá” trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua. Qua câu chuyện của một “lão nông tri điền” mà tôi gặp trên đường đi công tác cho thấy, hiện nay, chỉ qua việc tiếp xúc, qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tuy không nói ra, nhưng nhân dân rất nhiệt huyết tham gia xây dựng Đảng. Họ là những người hơn ai hết biết khá rõ những cán bộ, đảng viên xung quanh mình ai là người tham nhũng, ai là những cán bộ trong sạch, liêm khiết, ai là những người thực sự đấu tranh chống tham nhũng hay “nói một đằng làm một nẻo?”. Do đó nhân dân đủ sức đồng hành cùng Đảng loại “những hạt đậu đen”, tăng “những hạt đậu đỏ” để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Vũ Lân