Làm gì để tránh: cóp-pi-pết?
Từ dạo được bí thư giao cho việc đảng vụ kiêm nhiệm, tôi bận đến tối mắt. Công việc chuyên môn thì phải đặt hàng đầu rồi, nhưng công việc của đảng ủy phân cũng không thể đặt xuống hàng thứ hai. Đầu năm thì kế hoạch công tác, chương trình kiểm tra - giám sát, rà soát quy hoạch; giữa năm thì báo cáo 6 tháng, triển khai nghị quyết, chương trình hành động; cuối năm thì báo cáo tổng kết, thi đua khen thưởng, kiểm điểm ban chấp hành… Đấy là còn chưa kể công văn cử quần chúng ưu tú đi học cảm tình đảng, làm hồ sơ xét kết nạp, chuyển đảng chính thức, cử đảng viên đi học, mua tài liệu… cứ là liên tục. Mà làm văn bản cho Đảng không thể lơ mơ được, phải nộp đúng ngày, đúng thể thức, nghĩa là rất căng thẳng và mất thời gian. Vì thế, mỗi tuần tôi phải dành một ngày để làm công việc này. Nghe tôi than thở, anh bạn tôi cũng làm văn phòng đảng ủy ở cơ quan nọ cười hề hề:
- Tớ làm nhàn không ấy mà. Báo cáo dài nhất tớ cũng chỉ làm hết 15 phút, còn các loại văn bản khác cũng vài phút là xong.
- Bác làm thế nào vậy? Cho em chút kinh nghiệm học tập? Tôi nôn nóng!
- Cứ “cóp pi… pết” là xong. Cậu còn trẻ, sử dụng vi tính thoăn thoắt thế mà kém tớ. Năm nào chả giống năm nào, các mẫu mã, bảng biểu chả thế. Cái chính là khâu lưu trữ, nhớ cho vào “kho” hết, rồi thì cần đến cái gì ta lôi ra, sửa sang, thêm tí số liệu mới. Nhưng cậu lưu ý là phải sửa ngày, tháng, năm cho cẩn thận, chỗ ấy là “dễ lộ” nhất đấy nhé.
- Anh nói thế nào chứ, chương trình hành động, giải pháp thực hiện, chuyên đề học tập cũng mỗi năm một khác, “pết” làm sao được.  Tôi cãi.
- Thì thế - anh bảo - dẫu có khác nhưng cứ “pết” cái cũ vào nộp cho nhanh, ai đọc kiểm tra không? Cậu thật thà quá vất vả là phải…

Thực ra cách làm của bạn tôi đã “xưa như trái đất”. Nhiều lần đi họp tôi cũng đã được đọc một số bản báo cáo y như năm trước. Các loại văn bản khác cũng vậy, cứ “đến hẹn lại lên” thay ngày, tháng là nộp. Báo cáo cấp trên còn như thế, trong cơ quan, nếu học tập chuyên đề gì phải viết thu hoạch là y như rằng “cóp pi… pết” nhan nhản. Người nộp thu hoạch cũng chả biết mình viết gì, cả lỗi chính tả của người “đi trước” cũng cứ thế mà “kế thừa”.

Kinh nghiệm “đảng vụ” của anh bạn khiến tôi không khỏi nghĩ ngợi. Nguyên nhân sâu sa để cho việc “pết” này có đất sống chính là ở người nhận văn bản. Hầu như chưa thấy có hội nghị nào có phần đánh giá chất lượng văn bản. Muốn làm việc đó, người được báo cáo phải đọc, đối chiếu, theo dõi, kiểm tra, giám sát để biết đơn vị làm thế nào, đề xuất những gì, có gì mới so với năm trước không, từ đó nhắc nhở chấn chỉnh ngay những đơn vị chưa nghiêm túc.

Đồng thời, các đồng chí đứng đầu đơn vị, trong cấp uỷ phải nắm, hiểu và biết được cái mới, cái cũ của đơn vị mình để yêu cầu cấp dưới khi thực hiện nhiệm vụ báo cáo phải đầy đủ, đúng, chính xác, cô đọng mà vẫn cụ thể.

Các đảng viên được đơn vị, chi bộ tin tưởng giao nhiệm vụ tổng hợp báo cáo phải có năng lực viết, khả năng bao quát những vấn đề và luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ của mình. Song, điều quan trọng là luôn phải tự giác trong công việc và có ý thức tự phê bình, phê bình... Có như vậy thì tình trạng “cóp pi… pết” như hiện nay mới khó còn đất sống. Và báo cáo đánh giá về công tác xây dựng đảng của chúng ta sẽ chính xác, có tác dụng hơn chứ không phải như nhiều câu hỏi nghi ngờ đặt ra hiện nay!

Phản hồi (2)

Lê Thành Nơi 10/08/2012

Tôi tâm đắc bài nầy. Vì bệnh nầy phổ biến quá.

phamnguyen cuongchi 13/06/2012

Tôi thống nhất với ý kiến của tác giả bài viết, vấn đề các văn bản báo cáo, kế hoạch ... các năm đều na ná như nhau, ngoài vấn đè thống nhất về bố cục theo quy định thì chỉ có khác về số liệu các năm mà thôi.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất