Cầm tập báo cáo dày cộp, có nhiều bài tham luận của những người “miệng nói tay làm”, tôi thích lắm. Nhưng đọc rồi nghe trên diễn đàn, tôi thấy các báo cáo cứ na ná nhau... Qua tìm hiểu tôi được biết, những báo cáo đó đều do một, hai người viết theo chủ quan của mình!
Được mời dự hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến của cơ sở, tôi chắc mẩm hôm nay sẽ tiếp cận được vô vàn cách làm hay. Cầm tập báo cáo dày cộp, có nhiều bài tham luận của những người “miệng nói tay làm”, tôi thích lắm. Nhưng đọc và nghe trên diễn đàn, tôi thấy các báo cáo cứ na ná nhau. Báo cáo của tỉnh lắm lý luận (đã đành), báo cáo của cá nhân cũng đầy lý luận, cũng “ảnh hưởng tình hình trong nước, quốc tế”, “thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình”. Phần đề xuất, kiến nghị rặt những cụm từ: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền”, “các cấp, các ngành, các đoàn thể”… cần phải thế này, cần phải thế kia. Người nghe không thể tin được đó là ý kiến của bác A , dân tộc thiểu số ở bản heo hút, người dân ở đấy còn chưa nói sõi tiếng Kinh. Điều người nghe cần nhất là bác A đã làm được gì, làm như thế nào để đồng bào mình có cuộc sống tốt hơn, từ đó thôn bản chuyển mình, thì không hề đả động đến.
Giờ giải lao, tôi đến hỏi bác A:
- Bác viết báo cáo hay ai giúp bác viết ạ?
Bác A cười hồn hậu, nói lơ lớ:
- Các anh chị cán bộ viết hộ đấy, mình chỉ đọc thôi mà.
- Khi họ viết có hỏi ý kiến của bác không?
- Họ nộp luôn cho, mình xuống mới biết đấy chứ…
Tiện thể, tôi hỏi luôn bác B, bác C và cũng được nghe những câu trả lời tương tự
Vậy là thực chất, bác A, bác B, bác C… không muốn “nói to” nhưng vì hạn chế khả năng biểu đạt nên để cán bộ viết hộ báo cáo theo chủ quan của họ.
Về bệnh chủ quan này, sinh thời, Bác Hồ đã cảnh báo: "nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào "đẽo chân cho vừa giày".
Giá như cán bộ được phân công giúp đến nhà, trò chuyện, tìm hiểu những công việc giản dị bác A, B,C làm, ghi lại bằng ngôn từ mộc mạc như củ khoai, hạt bắp của bác, sắp xếp cho tuần tự thành văn bản, thông qua bác… thì đã không “nói to” như thế.
Chỉ tiếc rằng “nói to” đi liền với sáo rỗng. Người đọc, người nghe chẳng thu hoạch được gì từ những từ to tát mà chẳng có chút thông tin nào.
Ngô Minh