Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật riêng rẽ vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận (Ảnh minh hoạ).
Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2020), đại đa số đại biểu đã bỏ phiếu không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành 2 luật mới là Luật GTĐB sửa đổi do Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) do Bộ Công an chủ trì xây dựng. Mới đây, tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết Ban Cán sự đảng Chính phủ đã báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc tách Luật GTĐB. Đến nay, việc tách 2 luật nhận được nhiều ý kiến trái chiều, tranh luận gay gắt bởi tính bất cập của vấn đề.
Bất cập bởi hai luật này đang có sự chồng chéo ở nhiều điều khoản liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các chính sách lớn của từng dự án bởi Luật TTATGTĐB do Bộ Công an đề xuất xây dựng, trên cơ sở tách từ Luật GTĐB năm 2008, đến nay nhiều khoản vẫn chưa đạt được sự thống nhất giữa các bên. Nếu tách ra, Luật GTĐB (sửa đổi) vô tình trở nên “què quặt” vì thiếu 2 thành tố quan trọng là quy tắc GTĐB và người điều khiển phương tiện GTĐB. Còn Luật TTATGTĐB lại không phủ hết được các nội dung liên quan đến an toàn giao thông đường bộ như kết cấu hạ tầng đường bộ, phương tiện giao thông, vận tải đường bộ.
Bất cập ở khâu thi hành bởi sinh ra 2 luật đồng nghĩa người dân khi tham gia giao thông phải thực hiện đồng thời 2 luật. Liệu có khả năng tranh chấp trách nhiệm và quyền hạn giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an trong quản lý giao thông đường bộ hay không? Hiện nay chưa rõ cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm chính về TTATGTĐB? Đây không phải là một lý do buộc phải thêm 1 luật để giải quyết vấn đề.
Bất cập ở khâu tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật khi Luật GTĐB là một trong những luật thiết yếu của đời sống hằng ngày, cần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Liệu có gây khó khăn cho người dân trong việc cùng lúc phải ghi nhớ và thực hiện không phải 1 mà 2 luật?
Bất cập ở việc tăng thêm tổ chức bộ máy, biên chế bởi theo đề xuất của Chính phủ, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện đang do Bộ GTVT quản lý sẽ chuyển sang cho Bộ Công an (điều được điều chỉnh bởi Luật TTATGTĐB). Đa số đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước cũng đã bỏ phiếu không đồng tình với việc này bởi việc chuyển giao thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ vô tình "đẩy" những cán bộ của Bộ GTVT đang thực hiện nhiệm vụ tương đối tốt trở nên thất nghiệp, trong khi Bộ Công an sẽ phải tuyển nhân sự để đảm nhận trọng trách mới.
Thực hiện các nghị quyết của Ðảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, nhiều cơ quan có nhiệm vụ tương đồng hiện nay đang được thí điểm sáp nhập để cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ thì tại sao một luật không thể bao hàm nhiều nội dung cần điều chỉnh như Luật GTÐB có thể bao gồm lĩnh vực an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ?
Luật GTĐB đang được kết cấu theo một tổng thể thống nhất mà trong đó, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông chỉ là một nội dung thống nhất cho các loại hình giao thông. Liệu Luật TTATGTĐB ra đời có thể kéo theo sự ra đời của nhiều luật TTATGT khác như đường sắt, đường thủy, đường hàng không? Bởi vậy, việc phân tách 2 luật cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm tính thống nhất trong tổng thể hệ thống pháp luật.
Ngọc Anh