Ngày 30-6-2022 Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm (2012-2022) công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tháng 5-2012 Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương này, ngày 1-2-2013, Ban Chỉ đạo đã chính thức được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động, với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước. Đây là bước đột phá đầu tiên về tổ chức, thể hiện cụ thể phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và cả hệ thống chính trị - là tiền đề dẫn tới những đột phá mới trong hoạt động, kết quả trong mặt trận cam go phòng, chống “giặc nội xâm". Kể từ thời điểm này, việc phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào. Chẳng phải trước đó, chúng ta cũng đã có Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nhưng trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng làm Trưởng Ban đó sao? Nhưng hình thức tổ chức này đã không đem lại kết quả như mục tiêu đề ra.
Sau 10 năm hoạt động với sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (trực thuộc Bộ Chính trị), đến nay công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn.
Trong 10 năm qua, đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ (cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là 180 vụ án, 133 vụ việc; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc là 31 vụ án, 5 vụ việc; cấp độ tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng bộ, ngành chỉ đạo xử lý là hơn 600 vụ án, vụ việc). Trong đó, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 10 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...). Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khoá XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khoá XII), trong đó có 8 Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng có bước tiến mới. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt (nếu như năm 2013 tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì giai đoạn 2012-2022, bình quân đạt tỉ lệ 34,7%). Những con số trên chẳng phải kết quả cụ thể của bước đột phá trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đó sao? Chẳng thế, theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, 93% số ý kiến của người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện niềm tin của Nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng.
Kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua cho thấy không chỉ cần có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng mà cần phải có tổ chức bộ máy tương xứng, cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, đủ tâm và tầm thực hiện quyết liệt, kiên trì không ngơi nghỉ với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đồng thời, phải xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để không thể tham nhũng, tiêu cực.
Đặng Khánh Chi