Giải pháp đồng bộ
Ngày 18-4-2022, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thông báo khởi tố, bắt tạm giam Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết (cựu Phó Chính ủy), Thiếu tướng Phạm Kim Hậu (cựu Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng), Thiếu tướng Bùi Trung Dũng (cựu Phó Tư lệnh), Đại tá Nguyễn Văn Hưng (Chủ nhiệm Kỹ thuật và Phó Tư lệnh) và Thượng tá Bùi Văn Hòe (Phó Phòng Tài chính) về tội tham ô tài sản, theo khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự. Trước đó, Ban Bí thư đã cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020; cách chức tất cả chức vụ trong Đảng với Trung tướng Sơn, Trung tướng Đồng, Trung tướng Quyết, Thiếu tướng Dũng. Cũng tại Cảnh sát biển Việt Nam, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang điều tra một vụ án khác liên quan sai phạm về xăng dầu. Cục Điều tra Hình sự đã khởi tố 14 người về tội nhận hối lộ. Trong số này có nhiều bị can giữ vị trí quan trọng của Cảnh sát biển như Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh.

Khởi tố, bắt giam và xử lý kỷ luật các sỹ quan cao cấp trong lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, cho thấy không có vùng cấm, quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng. Nhưng phòng hơn chống. Làm thế nào để hạn chế, đẩy lùi và không xảy ra tham nhũng ở nơi vốn được coi là có “kỷ luật sắt”?

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Họ được cung cấp nguồn lực và những chế độ ưu đãi. Thông tin hoạt động của họ thường được coi là bí mật, khó kiểm tra, giám sát tạo một lớp bảo vệ cho các sỹ quan dễ bề tham nhũng. Trong các kết luận xử lý vi phạm của các đảng ủy, ban thường vụ, Ban Bí thư đều chỉ rõ đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát". Trong các nguyên tắc tổ chức và họat động của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản nhất và lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Vừa vi phạm nguyên tắc, vừa thiếu kiểm tra, giám sát, làm sao tiêu cực, tham nhũng không xảy ra?

Cần rà soát, siết chặt, bổ sung, sửa đổi cơ chế để bảo đảm những nguồn lực, chế độ ưu đãi, thông tin chỉ phục vụ những nhiệm vụ đặc thù, không thể lợi dụng để trục lợi. Đồng thời với “kỷ luật sắt” của Quân đội, xử lý nghiêm khắc khi vi phạm, cơ chế họat động chặt chẽ, không có kẽ hở khiến các sỹ quan không thể tham nhũng, tăng cường kiểm tra, giám sát là những giải pháp cơ bản để tham nhũng khó xảy ra.

Những giải pháp trên cần nhưng chưa đủ. Quan trọng nhất là người cán bộ. Nếu người sỹ quan đủ phẩm chất giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục thì liệu viên đạn bọc đường có hạ gục được họ trong nền kinh tế thị trường vốn nhiều cám dỗ không? Khi bản thân đã suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thì dù những giải pháp trên có được thực hiện thì họ cũng tìm mọi cách “vơ vét cho đầy túi tham”. Do đó, công tác cán bộ phải đặt lên hàng đầu, trong đó khâu đánh giá là khâu đầu tiên cần phải làm tốt. Để chọn được những cán bộ thực đức, thực tài bố trí vào những vị trí lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu thì họ cần được dõi theo, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở trong quá trình hoạt động để họ ý thức được vị trí, trách nhiệm để không ngừng tự rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.  

Cảnh sát biển nói riêng và Quân đội nói chung là lực lượng vũ trang vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là lưc lượng nòng cốt chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lực lượng nòng cốt bảo vệ chế độ, cuộc sống an bình cho nhân dân. Tham nhũng làm suy yếu lực lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến an nguy của đất nước. Cần có nhiều giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt mới có hiệu quả, xây dựng lực lượng vũ trang trong sạch, vững mạnh, góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất