Dám làm, dám chịu trách nhiệm là một trong nhiều tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, quản lý thường được nhắc đến. Nhưng không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ trong hành động thực tế. Việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận I, TP. Hồ Chí Minh trong những ngày qua trực tiếp xuống đường chỉ đạo chấn chỉnh trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là hành động thể hiện rõ tiêu chuẩn này. Dám làm bởi không sợ đụng chạm, không sợ khó khăn, bị phản ứng trực diện, ngấm ngầm do nhiều nguyên nhân. Dám chịu trách nhiệm khi tuyên bố sẽ từ chức nếu không giành lại được vỉa hè cho người đi bộ.
Vỉa hè là một công trình công cộng thuộc hạ tầng đô thị, dành cho mọi người đi bộ. Việc lấn chiếm vỉa hè, thậm chí có nơi cả lòng đường ở các đô thị và việc giải tỏa diễn ra thường xuyên đến mức người dân cảm thấy là việc đương nhiên, chẳng mấy quan tâm. Xe phường lướt tới, quán xá nép lại, thu gom hàng hóa, bàn ghế. Xe đi khỏi, người ta lại bày ra. Thường xuyên có cảnh co kéo phản cảm với từng gánh hàng rong, nhưng đuổi chỗ này, người ta chạy chỗ khác. Rốt cuộc, mọi thứ vẫn đâu vào đấy, chỉ có người đi bộ là bị đẩy xuống lòng đường, nguy hiểm cho cả người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông, là một nguyên nhân gây ách tắc giao thông. Dường như đó là việc bắt cóc bỏ đĩa, đã ném ao bèo, lao xao một thoáng rồi đâu lại vào đó. Các cấp chính quyền địa phương không biết bao lần tuyên truyền, ra quân, giải tỏa nhưng chưa thành công.
Vì sao vậy? Trước hết do việc quản lý vỉa hè đã bị buông lỏng từ lâu. Buông lỏng kéo dài đến mức người ta coi vỉa hè trước cửa nhà là của họ, nguồn lợi thu từ vỉa hè vào túi cá nhân là đương nhiên. Tại sao lại phải giành lại trong khi lẽ đương nhiên vỉa hè là của chung, không ai được quyền giành lấy làm của riêng? Nguyên nhân quan trọng là người chiếm vỉa hè được bảo kê. Chẳng thế, trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 1-3 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định:"Trong việc để xảy ra lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bán hàng rong, kinh doanh dịch vụ, nếu không cẩn thận sẽ có lợi ích nhóm". Nhà nước mất công sức giải tỏa hết đợt này đến đợt khác, người đi bộ không có lối đi, người thực thi công vụ bị thoái hóa trong môi trường người cho, kẻ nhận theo luật bất thành văn.
Lợi ích của một số người làm tổn hại đến lợi ích số đông liệu có thể được tồn tại? Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là vi phạm pháp luật mà ngang nhiên tồn tại thì làm sao có kỷ luật, kỷ cương trong xã hội? Chính vì thế lời nói đi đôi với việc làm của ông Phó Chủ tịch Quận I là chưa từng có và được đồng tình, ủng hộ từ đông đảo người dân và các cấp lãnh đạo. Việc làm của ông đã có sức lan tỏa đến các thành phố khác. Quận I làm được, sao các quận khác không làm được? TP. Hồ Chí Minh làm được sao các thành phố khác bó tay?
Tuy nhiên, người dân hy vọng đây không chỉ là một phong trào, mà là việc làm bền vững, là một hành động góp phần lập lại kỷ cương, trật tự xã hội. Tuy nhiên việc đó không chỉ đòi hỏi công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự giao thông, không để tái diễn vi phạm mà cần sự đồng lòng, tự giác của người dân, sắp xếp chỗ để xe, bán hàng, công ăn, việc làm cho người nghèo…Nghĩa là cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng trước hết cần có cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm trong mỗi lĩnh vực được phân công. Bởi công việc thành công hay thất bại đều quyết định bởi cán bộ, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc.
Thu Nga