Câu hỏi từ kết luận

Chiều 30-6-2016, tại buổi họp báo chuyên đề của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong tháng 4 vừa qua. Để có kết luận này, khi sự cố xảy ra, các cơ quan quản lý và các nhà khoa học đã vào cuộc điều tra nguyên nhân. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Xyanua… kết hợp với Hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng bắc - nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.

Kết luận là kết quả quá trình điều tra, khẳng định sai phạm và tìm ra thủ phạm. Quan trọng hơn, bài học nào cần rút ra nhằm ngăn chặn thảm họa môi trường tương tự không tiếp tục xảy ra? Đây là câu hỏi cần câu trả lời chính xác để có hành động ngăn chặn từ gốc, không để xảy ra mới chạy theo khắc phục hậu quả và “rút kinh nghiệm nghiêm khắc”. Mỗi cơ quan, cán bộ lãnh đạo liên quan đến sự cố sẽ có bài học cho tổ chức và cá nhân mình. Có nhiều bài học ở nhiều khía cạnh được rút ra ở mỗi cấp, mỗi ngành. Nhưng cũng có những bài học chung.

Chẳng hạn, bài học giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Không thể phát triển bằng mọi giá, không thể đánh đổi bởi phát triển, tăng trưởng kinh tế có nhiều cách nhưng môi trường chỉ có một, là điều kiện sống không chỉ hôm nay mà muôn đời con cháu mai sau. Phát triển gắn với bảo vệ môi trường sống trong lành là mục đích phải đạt được trong mỗi dự án đầu tư. Lợi nhuận đem lại từ kết quả dự án liệu có bù lại được chi phí bỏ ra khắc phục ô nhiễm hủy hoại môi trường, hệ sinh thái, tổn hại sức khỏe con người nhiều thế hệ nếu không bảo vệ được môi sinh ngay từ đầu?

Chẳng hạn, bài học về quản lý nhà nước từ cấp phép đầu tư đến cả quá trình vận hành sản xuất. Không chỉ có Formosa Hà Tĩnh, hiện đang và sẽ có nhiều dự án đầu tư được thực hiện trên khắp đất nước. Trong đó, một chuỗi nhà máy công nghiệp có xả thải độc hại đang hình thành dọc theo sông Hậu, trước hết là Nhà máy Giấy Lee & Man ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang thu hút dư luận bởi khả năng có thể gây thảm họa môi trường. Phải chăng cần tiến hành rà soát những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường, nhất là quy chuẩn về xả thải công nghiệp, về thẩm định và giám sát môi trường nhằm kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có xả thải bảo đảm đúng pháp luật, có quy trình và công nghệ kiểm soát?

Chẳng hạn, bài học về trách nhiệm tập thể, cá nhân cán bộ các cấp liên quan. Liệu có thể xảy ra thảm họa môi trường không nếu ngay từ đầu cấp phép, thẩm định dự án và suốt quá trình thực hiện cán bộ và cơ quan chức năng đề cao trách nhiệm trong từng nhiệm vụ được giao với tâm huyết vì lợi ích của nhân dân, đất nước trên hết? Chẳng thế, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 chiều 1-7-2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị cần thanh tra, kiểm tra quá trình cấp phép cho Formosa có tiêu cực không, nếu có phải xử lý. Vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy trong việc lãnh đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ trong từng đơn vị, đảng viên đến đâu?

Là đảng cầm quyền, trong mỗi thành tích, hạn chế yếu kém đều có vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ của Đảng. Mỗi dự án đầu tư, từ chủ trương, quyết định cấp phép đến kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện không thể thiếu vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp được thể hiện trực tiếp qua đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thực thi nhiệm vụ với quyền hạn, trách nhiệm được giao. Câu hỏi về bài học rút ra từ kết luận nguyên nhân thảm họa do vi phạm của Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra tuy không mới, nhưng chưa cũ, cần được xem xét nhằm ngăn chặn thảm họa môi trường, bảo vệ cuộc sống an lành của người dân và phát tiển bền vững của đất nước.  

Phản hồi (2)

Văn Thành Công 08/07/2016

Sau vụ Vedan xả thải ở Đồng Nai cũng đã có nhiều bài học được rút ra, những tưởng không có nữa. Ai ngờ, Formosa Hà Tĩnh còn nghiêm trọng hơn nhiều. Sẽ còn vụ nào nữa đây nếu những tổ chức đảng, chính quyền, cá nhân vi phạm không được chỉ đích danh và bị xử lý nghiêm khắc? Không thể kêu gọi tự giác chung chung được. Tạp chí Xây dựng Đảng nên có bài điều tra về sai phạm về mặt đảng của các tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và cung cấp cho bạn đọc được biết. Ngư dân đi lao động xuất khẩu, chuyển nghề, ai sẽ là những cột mốc chủ quyền trên biển khi kẻ thù đang lăm le nuốt gọn biển Đông của chúng ta? Tạp chí cũng nên có bài hiến kế để nhân dân có đủ điều kiện bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước. Rất mong.

Nguyễn Văn Thân 07/07/2016

Bình luận tuy ngắn nhưng chính xác và hay, trong đó đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Trong bất kỳ sự cố nào, chỉ thấy chính quyền, đâu thấy cấp ủy. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Cấp ủy quyết định từ chủ trương và giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện. Rõ ràng, trong quá trình này có quá nhiều sai sót nhưng cấp ủy, đảng viên đứng ở góc khuất nào không thấy nói đến. Trên các mặt báo, có lẽ chỉ Tạp chí Xây dựng Đảng đề cập đến. Điều đó rất đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ. Nhưng có lẽ cần nhiều bài ở các thể loại khác nữa:phóng sự, điều tra, phân tích để làm rõ hơn, sâu hơn những bài học đã được nêu trong bài bình luận này. Có lẽ nhiều bạn đọc cũng có suy nghĩ như tôi. Xin cảm ơn Tạp chí và mong được tiếp tục đọc nhiều bài khác nữa.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất