Từ ngày 3-10-2016, các thứ trưởng Bộ Tài chính đã sử dụng xe taxi hoặc dùng xe riêng để đến trụ sở làm việc. Trước đó, ngày 16-9-2016, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC Quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.
Đơn giá khoán được xác định theo mức giá của các hãng xe taxi (loại 4 chỗ ngồi) phổ biến trên thị trường. Số ki-lô-mét khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc. Số lượt đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hằng ngày: 2 lượt (đi và về). Số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ luật Lao động (22 ngày). Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được thực hiện ổn định 12 tháng/1 lần tính từ thời điểm Bộ phê duyệt đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính.
Đây là việc làm được dư luận quan tâm và hoan nghênh. Là tấm gương không chỉ trong toàn ngành tài chính mà còn là tấm gương cho các đơn vị khác trong toàn hệ thống chính trị. Là việc làm cụ thể về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc khoán kinh phí sử dụng xe công không phải việc làm mới. Năm 2006, việc này đã từng được áp dụng tại Văn phòng Quốc hội với mức khoán 10 triệu đồng/tháng nhưng đã không thành công. Một vài người nhận khoán, trong đó người thực hiện trước tiên là ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Hình ảnh ông Thuận đi xe ôm đến cơ quan làm việc được ví như “chuyện cổ tích” giữa đời thường ở nước ta, được người dân ca ngợi. Nhưng chỉ ít lâu sau, đa số người nhận khoán quay lại sử dụng xe công. Việc khoán đã không được nhân rộng mặc dù ai cũng thấy cần thiết. Năm 2015, Bộ Tài chính công bố ngân sách nhà nước mỗi năm phải chi hơn 13.000 tỉ đồng “nuôi” xe công, mỗi tháng phải chi khoảng 320 triệu đồng/xe.
Vì sao việc khoán kinh phí sử dụng xe công không được thực hiện rộng khắp? Có nhiều lý do, nhưng dễ thấy nhất là bởi việc này chưa trở thành luật buộc phải thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị, mới chỉ là khuyến khích, được thực hiện trong nội bộ một vài đơn vị. Là bởi những cá nhân, đơn vị thực hiện lại chưa có chế tài bị xử lý khi vi phạm và được tôn vinh, khuyến khích, động viên về cả vật chất và tinh thần. Là bởi những tiện ích sử dụng xe công (tiền của công) lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền nhận khoán (tiền túi cá nhân), nhất là “bệnh sỹ diện” có xe đưa đón, cái oai mà không có bất cứ số tiền nào đem lại được! Là bởi quan điểm “trọng công hơn tư” đã ăn sâu vào não bộ, tâm lý của nhiều cơ quan và xã hội tạo thuận lợi lớn cho người sử dụng xe biển xanh và gây không ít khó khăn cho người sử dụng xe biển trắng. Chẳng thế mà có nhiều trường hợp bất chấp những quy định của Nhà nước, tìm mọi cách biến xe biển trắng thành xe biển xanh, mà mới đây nhất vụ ông Trịnh Xuân Thanh là ví dụ điển hình.
Để việc khoán kinh phí sử dụng xe công được thực hiện rộng rãi, công bằng, tiết kiệm chi phí cho sử dụng xe công, góp phần giảm chi tiêu ngân sách, đem lại hiệu quả thiết thực cần sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, trong đó việc khoán xe công cần được quy định cụ thể, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi để tạo sự đồng thuận và được nhân dân giám sát. Thưởng phạt công khai, công bằng. Cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu thực hiện nghiêm túc, là một tiêu chí trong nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên hằng năm. Đây không chỉ thể hiện nói đi đôi với làm trong việc chống lãng phí của công, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, mà còn thể hiện sự gương mẫu, gần gũi với nhân dân của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý - công bộc của người dân.
Đặng Thu Nga