Đổi mới bắt đầu từ đâu?

Ngày 10-3-2016, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị này, nhiều nội dung quan trọng được bàn thảo và quyết định. Trong đó, Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta. Đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền. Đây là nội dung quan trọng bậc nhất của Hội nghị bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.

Hiến pháp năm 2013 có nội dung mới trong việc xác nhận cụ thể cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đây là bước tiến so với Hiến pháp năm 1992, ở chỗ mặc dù quy định quyền lực nhà nước được cấu thành từ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng lại chưa quy định cụ thể cơ quan nào là cơ quan hành pháp và tư pháp, mới chỉ xác định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và Tòa án là cơ quan xét xử. Việc xác định rõ các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp khắc phục tình trạng không ai chịu trách nhiệm trong mô hình tập quyền XHCN. Đây là cơ sở cho việc thực hiện kiểm soát quyền lực, xây dựng nhà nước pháp quyền - một vấn đề luôn nóng bỏng tính thời sự. Tuy nhiên, việc xác định nhiệm vụ mỗi tổ chức của Nhà nước là cơ sở, rất quan trọng. Nhưng việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ lại phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu tổ chức ấy. Liệu nhiệm vụ có hoàn thành không nếu người đứng đầu không đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ?

Cuộc sống có đủ áp lực buộc luật pháp phải đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện các nguyên tắc pháp trị trong quản lý xã hội, bảo đảm cho mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, không có ngoại lệ. Luật pháp có thể đổi mới được không nếu không có những cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm với phương châm việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh như Bác từng căn dặn cho dù việc đó chưa ai từng làm và không có tiền lệ? Chẳng hạn, liệu có thay đổi được không tình trạng luật ban hành không thi hành được ngay mà phải chờ nghị định, nghị định ban hành không thi hành được ngay mà phải chờ thông tư, sau thông tư là cơ man công văn chỉ đạo chỉnh sửa và không biết bao nhiêu văn bản trái luật, không được cuộc sống chấp nhận bị “chết yểu” ngay sau khi ký ban hành? Liệu cán bộ lãnh đạo, quản lý có biết sự tồn tại tình trạng này là tạo quyền quá lớn cho các bộ duy trì cơ chế xin-cho, theo đó cán bộ, công chức cấp dưới có điều kiện nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp? Và, liệu có thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu với thế giới, chấp nhận cuộc chơi chung nếu không quyết liệt đổi mới, gạt bỏ mọi cản trở, bất cập trên con đường đi lên vốn đã nhiều trắc trở muôn vàn thách thức? Đổi mới bắt đầu từ đâu nếu không bắt đầu từ những cán bộ được Trung ương Đảng đánh giá đủ đức, đủ tài, tin tưởng giới thiệu giữ những cương vị chủ chốt của Nhà nước? Bởi đây chính là cái gốc để công việc thực hiện có hiệu quả, thành công. Đây cũng chính là trách nhiệm của Đảng cầm quyền trước nhân dân, đất nước.

Phản hồi (1)

Lê Giang 15/03/2016

Đổi mới từ cán bộ là quá đúng. Chẳng hạn Bí thư Đinh La Thăng về TP. Hồ Chí Minh là thấy phong cách khác ngay. Cũng mong Đảng đổi mới cách tổ chức thực hiện nghị quyết. Tại sao cứ sau nghị quyết phải có chỉ thị mới thực hiện được. Sao không bắt tay xây dựng ngay kế hoạch và thực hiện?

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất