Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn lịch sử khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-9-1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức cuộc tổng tuyển cử bằng hình thức phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo. Ngay sau đó, ngày 8-9-1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 14 về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đã diễn ra trong cả nước với 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% số đại biểu không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, bộ đội, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của Đảng và Nhà nước ta.
70 năm nhìn lại, trong nhiều bài học, bài học tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, đoàn kết dựa vào dân làm nên những thắng lợi của đất nước và dân tộc luôn nóng bỏng tính thời sự. Thời điểm bầu cử, 90% người dân mù chữ, vừa thoát khỏi thân phận người dân mất nước, nếu không tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, liệu Đảng có dám quyết định lãnh đạo tiến hành tổng tuyển cử tự do theo nguyên tắc phổ thông, kín và trực tiếp? Trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn gian nan, thù trong giặc ngoài, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, không tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, liệu Đảng có dám chắc cuộc bầu cử thắng lợi, góp phần quan trọng gìn giữ, xây dựng chính quyền nhân dân còn non trẻ?
Đặt niềm tin trọn vẹn vào nhân dân là do Đảng tin tưởng nhân dân ủng hộ, tin theo Đảng. Niềm tin ấy được thử thách, khẳng định qua những năm tháng Đảng hoạt động bí mật được nhân dân nuôi dưỡng, chở che, bảo vệ và theo Đảng đứng lên tiến hành cuộc khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Niềm tin ấy được kết tinh, nhân lên gấp bội bằng hy sinh anh dũng không tiếc máu xương của biết bao cán bộ, đảng viên của Đảng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lợi ích thiết thực, hạnh phúc của người dân. Không có những hy sinh ấy, không có những tấm gương vì nước quên thân, vì dân phục vụ, liệu nhân dân có tin tưởng, theo Đảng thực hiện lý tưởng của Đảng? Không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động, không chỉ kêu gọi, hứa hẹn mà bằng lợi ích cụ thể cho dân, được nhân dân tin theo là lẽ đương nhiên.
Tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, được nhân dân ủng hộ, tin theo, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thẳng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, niềm tin vào dân phải thể hiện bằng phát huy dân chủ, công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước. Có bầu cử tự do để người dân chọn lựa người tài đức đại diện cho mình trong hoạt động lãnh đạo, quản lý đồng thời loại bỏ những kẻ sâu dân, mọt nước, xây dựng Đảng, chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Nguyễn Thúy Hoàn