Hội nghị Trung ương 13 (khóa XI) vừa kết thúc thu hút sự quan tâm dư luận không chỉ bởi tầm quan trọng của Hội nghị đối với thành công Đại hội XII của Đảng mà còn bởi Hội nghị tiếp tục những nét mới thể hiện tính công khai trong hoạt động của Đảng. Đó là sau mỗi ngày làm việc, Trung ương thông báo rộng rãi về nội dung làm việc trong ngày, ai chủ trì và hình thức thảo luận hội trường hay ở tổ. Đây là bước tiến mới về công khai hoạt động của Đảng. Trước đây, mỗi hội nghị Trung ương chỉ có một thông báo khi hội nghị kết thúc.
Với những nội dung trọng tâm: Tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng; báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; về nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư đã công khai chỉ rõ những vấn đề cụ thể cần quyết định. Chẳng hạn về nhân sự, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Trung ương sẽ bỏ phiếu biểu quyết danh sách các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XII. Đồng thời, Trung ương cũng bỏ phiếu biểu quyết đề cử các đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Theo quy trình công tác nhân sự, các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) ghi phiếu giới thiệu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi ứng cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Tuy nhiên, theo quan điểm dựa vào nhân dân xây dựng Đảng, liệu có thể công khai hơn nữa những nội dung quan trọng mà nhân dân cần biết để có thể góp ý và giám sát, từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm từng đồng chí ủy viên Trung ương đối với trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó trong việc xây dựng đường lối, đội ngũ cán bộ đủ đức tài thực hiện đường lối ấy? Chẳng hạn, sau mỗi ngày làm việc, trong thông báo của Hội nghị có thể công khai hơn hội nghị đã tiếp thu như thế nào những ý kiến đóng góp của toàn Đảng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân? Đặc biệt chính kiến rõ ràng đối với những ý kiến khác nhau, ngược quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng liệu có thể công khai hơn những hạn chế, đặc biệt trách nhiệm cá nhân, tập thể và giải pháp khắc phục?...
Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền. Theo Hiến pháp, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân. Do đó, Đảng hoàn toàn có thể công khai hơn nữa hoạt động và những quyết định quan trọng của mình. Đây chính là thể hiện sự gắn bó mật thiết máu thịt với nhân dân để nhân dân không chỉ giám sát hoạt động của Đảng mà còn góp ý xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, trực tiếp đóng góp trí tuệ vào những quyết định của Đảng. Không biết làm sao có thể giám sát? Không biết làm sao có thể góp ý? Trong tình hình mới, khi các phương tiện thông tin ngày càng đa dạng, phong phú và nhanh chóng, Đảng càng chủ động thông báo công khai bao nhiêu, những thông tin không chính xác, bịa đặt, vu khống càng không có đất tồn tại. Quan trọng hơn, tạo sự đồng thuận xã hội tiến hành thành công Đại hội XII của Đảng và đoàn kết thống nhất thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Thúy Hoàn