Sáng ngày 26-9-2014, tới dự khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, trong đó chỉ rõ: “Với vai trò là liên minh chính trị, là tổ chức rộng rãi của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức đảng và cơ quan chính quyền, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân và vì dân. Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn”.
“Làm người phản biện sắc sảo, chân tình” không dễ nhưng chắc chắn làm được. Vì sao? Là bởi Mặt trận là nơi tập hợp rất đông đội ngũ trí thức, những nhà khoa học hàng đầu trong nước và cả người Việt Nam ở nước ngoài - những người vốn luôn nặng lòng với đất nước, quê hương. Là bởi Mặt trận là tổ chức rộng rãi của đông đảo nhân dân-sức mạnh dời non, lấp biển, “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Là bởi Mặt trận có chức năng phản biện xã hội được hiến định bởi Hiến pháp 2013, được Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Nhưng để tiếng nói phản biện được lắng nghe không dễ. Vì sao? Là bởi những tiếng nói phản biện nhìn sự việc, vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau, tìm ưu điểm và khuyết điểm, thường chỉ ra những sai sót, không thuận chiều. Thông thường, tiếng khen dễ nghe hơn tiếng chê. Chẳng thế, người xưa đã tổng kết “trung ngôn nghịch nhĩ” hoặc “sự thật mất lòng” đó sao? Là bởi, tiếng nói phản biện có thể bị coi là chống đối hoặc suy thoái tư tưởng khiến nhiều người e ngại, không dám phản biện đến nơi, đến chốn, nhất là những vấn đề được coi là “nhạy cảm”.
Để tiếng nói phản biện được lắng nghe, ý kiến phản biện nhất định phải “sắc sảo, chân tình”, có cơ sở thực tiễn, căn cứ khoa học, trung thực khách quan với tinh thần xây dựng. Mặt khác, các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cầu thị lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu những ý kiến phản biện đúng, cho dù có “nghịch nhĩ” đến đâu. Thậm chí, những ý kiến phản biện có thể chưa đúng, không nên quy chụp mà cần có trao đổi, thảo luận để tìm tiếng nói chung, tạo sự đồng thuận xã hội.
Nguyễn Thuý Hoàn