Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII đã khép lại chiều ngày 21-6-2013 với nhiều thành công. Trong đó có phiên họp ngày 10-6-2013 đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử hoạt động 67 năm của Quốc hội Việt Nam: Lần đầu tiên các đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân cả nước lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Phiếu tín nhiệm được chia làm 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các chức danh đứng đầu của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ có số phiếu tín nhiệm cao là: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 330 (66,27%), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng 328 (65,86%), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 160 (42,17%). Người có số phiếu tín nhiệm cao nhất là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân 372 (74,7%). Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình 209 (41,97%).
Quá trình thực hiện và kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố rộng rãi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Cách làm của Quốc hội sẽ tác động lan toả tích cực đến việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các địa phương. Đây là nấc thang cao hơn trong quá trình mở rộng dân chủ, là điểm mới, đột phá trong công tác đánh giá cán bộ, là giải pháp mở đường cho công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy công quyền, là nút mở cho biện pháp phòng, chống bệnh chạy chức, chạy quyền.
Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong Quốc hội, người dân tin tưởng và hy vọng sẽ được thấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo của Đảng được công bố công khai để mọi người dân được biết. Đây chính là thực hiện lượng hoá đánh giá cán bộ thay vì những đánh giá định tính chung chung, là biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, là biện pháp nhân dân giám sát Đảng, là thực hiện chủ trương dựa vào dân xây dựng Đảng.
Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không lẽ nhân dân không được biết cán bộ lãnh đạo của Đảng được tín nhiệm đến đâu? Vấn đề quan trọng không chỉ là mức được tín nhiệm cao hay thấp mà còn là sự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về vai trò lãnh đạo của từng cán bộ lãnh đạo của Đảng. Khi sự tín nhiệm cao hay thấp của mỗi cán bộ lãnh đạo của Đảng được lượng hoá bằng những con số tuyệt đối, chính xác đến phần trăm liệu cán bộ đó có thể dùng đại từ “chúng ta” khi nói về những quyết định dẫn đến những thất thoát khổng lồ tính đến con số hàng ngàn tỷ đồng, những khuyết điểm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân? Và khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất liệu có giấu mặt được mãi không?
Làng nước đi rồi, đảng viên không thể chậm hơn!
Nguyễn Thuý Hoàn