Ngày 25-10-2017, thay mặt BCH Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương (khóa XII) Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đây là nghị quyết đề cập đúng vấn đề nan giải hiện nay với giải pháp, lộ trình cụ thể nhưng không ít thách thức khi thực hiện. Vì sao vậy? Bởi vấn đề tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được thực hiện nhiều năm nay nhưng càng tinh gọn, tinh giản càng phình ra. Trong nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu ở các cấp chưa có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt, đồng bộ; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước còn khá phổ biến. Khi hành động, nhiều tổ chức và cá nhân người đứng đầu không đứng trên lợi ích toàn cục mà căn cứ vào lợi ích cục bộ, cá nhân, không vì việc đặt người mà vì người đặt việc, đi ngược với nguyên tắc tổ chức.
Chính vì thế, Nghị quyết chỉ rõ: Thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị, ở Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị, ở địa phương trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh. Đây là nét mới, giải pháp tích cực, khẳng định trách nhiệm của Bộ Chính trị và ban thường vụ cấp tỉnh trong tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hay không trong vấn đề nan giải này phải đối chiếu với kết quả thực hiện Nghị quyết, những chỉ tiêu cụ thể Nghị quyết đã đề ra. Phải chăng cần chỉ rõ thêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền? Nếu không, lỗi sẽ là của “chúng ta”, khó quy trách nhiệm cá nhân.
Khi Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi để: Thực hiện thống nhất văn phòng cấp uỷ phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ cấp tỉnh; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Cơ bản hợp nhất văn phòng cấp uỷ với văn phòng hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.
Tuy nhiên, thực hiện những nội dung trên phải chăng sẽ nảy sinh vấn đề làm thế nào đủ cán bộ có phẩm chất, năng lực kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu “gánh” đủ “hai vai” và làm sao kiểm soát được quyền lực của những cán bộ đó?
Khi Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị cũng chính là khẳng định trách nhiệm cấp ủy và người đứng đầu trong giải quyết vấn đề trên. Trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu rất vẻ vang nhưng hết sức nặng nề. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm do Đảng và nhân dân giao phó trong thời điểm hiện nay cũng chính là khi người cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn được sứ mệnh của Đảng trong vấn đề nan giải tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong quá trình phát triển đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Bon Thăng Long