1. Nhiều câu hỏi “nóng” chất vấn các thành viên Chính phủ.
Tổng kết phần chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết, kỳ họp thứ tám của QH cùng với 1.643 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến còn có 234 chất vấn bằng văn bản của 94 đại biểu ở 44 đoàn đại biểu QH và 164 văn bản đã được trả lời, chiếm 70,1% tổng số chất vấn bằng văn bản.
Tại hội trường, qua năm buổi chất vấn đã có 104 lượt đại biểu đăng ký và 66 đại biểu được chất vấn, trao đổi, tham gia thảo luận, giải trình làm rõ hơn, đã thể hiện tính chất nghiêm túc của kỳ chất vấn lần này. Đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp này đã có 26 chất vấn bằng văn bản. Tại hội trường có 19 đại biểu đăng ký chất vấn trực tiếp, trong đó 9 đại biểu đã được chất vấn và được Thủ tướng trả lời. Đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu có 16 chất vấn bằng văn bản và 17 đại biểu QH đăng ký chất vấn trực tiếp, trong đó có 12 đại biểu QH nêu câu hỏi đã được Bộ trưởng trả lời. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Bộ Giao thông vận tải được đánh giá là Bộ trưởng nhận được nhiều chất vấn và cũng đã nhiều lần trả lời chất vấn. Tại kỳ họp thứ tám, riêng Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhận được 19 chất vấn bằng văn bản và Bộ trưởng đã trả lời tất cả vấ đề nêu ra bằng văn bản. Và chất vấn trực tiếp tại Hội trường Bộ trưởng cũng được 19 lượt đại biểu QH đăng ký hỏi hoặc trao đổi thêm. Theo đánh giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh là thành viên Chính phủ theo dõi lĩnh vực này và quản lý tài chính từ lâu nên nắm được rất kỹ, chắc và trả lời các câu hỏi thường rất cặn kẽ, tỉ mỉ, rất chu đáo. Đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng có 16 chất vấn bằng văn bản và 25 lượt các đại biểu QH đăng ký chất vấn và trao đổi thêm...
Chủ tịch QH cho biết, chất vấn lần này có bước tiến so với các kỳ trước là các câu hỏi của các đại biểu được gửi đến sớm, tạo điều kiện thuận lợi giúp Ðoàn thư ký, Ban công tác đại biểu tổng hợp, kịp thời gửi bằng văn bản đến các thành viên được trả lời chất vấn để trả lời cho đại biểu QH. Ðồng thời có điều kiện để Ủy ban Thường vụ QH phân loại, tổng hợp nhóm vấn đề, xin ý kiến các đại biểu QH bằng văn bản rồi thông báo lại cho các thành viên. Theo Chủ tịch QH, các nhóm vấn đề, câu hỏi nêu ra khá tập trung, xác đáng, chọn những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cần phải tiếp tục giải quyết, những vấn đề nóng hổi, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm. Ðối với bộ trưởng, có ba nhóm vấn đề nhưng trong thực tế diễn ra trên Hội trường, có bộ trưởng chỉ tập trung vào một vấn đề. Vinashin là vấn đề rất nổi bật, không chỉ đối với một bộ trưởng, mà đối với nhiều bộ trưởng, đến Phó thủ tướng, Thủ tướng. Vấn đề bô-xít, bùn đỏ sau khi xảy ra sự cố ở Hung-ga-ri, thủy điện miền trung, thiếu điện, quy hoạch điện, phân phối điện, giá điện, điều hành giá cả, xuất nhập khẩu, nhập siêu, bội chi ngân sách, giá cả liên tục biến đổi... cũng tập trung vào một số nội dung có điều kiện đi đến cùng. Từ ý kiến, kiến nghị của cử tri đến phiên thảo luận KT-XH, và phiên chất vấn, những vấn đề nói trên tiếp tục được đề cập, xem xét. Tiếng nói trong nghị trường lần này rất rõ, vấn đề trách nhiệm thuộc về ai và sẽ xử lý thế nào, không chỉ nói chung chung và hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật và chức năng giám sát của QH.
Một nét mới trong chất vấn kỳ này là các đại biểu QH nêu câu hỏi cũng như các vị trả lời đã chuẩn bị nghiên cứu khá kỹ, khá sâu, nắm khá chắc vấn đề, có trao đi đổi lại, có lý lẽ để thuyết phục lẫn nhau và có sự tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm vấn đề của các thành viên Chính phủ, kể cả Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.
2. Trách nhiệm trước các vấn đề đã trả lời chất vấn.
Sau 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường được các đại biểu QH, cử tri và dư luận nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Theo đánh giá của Chủ tịch QH, kỳ chất vấn tiếp tục có những đổi mới, cải tiến và đã đạt được kết quả thiết thực, có chất lượng tốt. Với 96,3% số đại biểu QH tham dự và hầu hết các thành viên của Chính phủ, dù là đại biểu QH hay không là đại biểu QH đều có mặt. Đồng thời còn có sự tham gia của rất đông các đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các khách quý và với sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri, nhân dân… cho thấy sức cuốn hút, hấp dẫn của phiên chất vấn lần này. Theo đánh giá của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, trong những ngày chất vấn các thành viên Chính phủ với tinh thần thật sự cầu thị, lắng nghe, chân thành và trân trọng các đại biểu QH và cố gắng trả lời rõ ràng, cụ thể những câu hỏi nêu ra. Số lượng đại biểu hỏi được nhiều hơn, số bộ trưởng trả lời ít hơn nhưng lại có sự tham gia nhiều hơn của các thành viên Chính phủ.
Phần chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, công khai. Chủ tịch QH nêu rõ, báo chí là một kênh quan trọng nối QH, cử tri, nhân dân, tạo ra bầu không khí dân chủ trong xã hội, đưa tin khách quan, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân, cử tri cả nước hiểu đầy đủ, toàn diện hoạt động của QH và các vấn đề, đồng thời gắn QH, Chính phủ với cử tri, với nhân dân. Một phong cách làm việc mới là mỗi bộ trưởng trước khi trả lời đều có báo cáo về kết quả tình hình thực hiện những vấn đề đại biểu QH chất vấn, nêu ra tại kỳ họp trước.
Lần này là lần thứ ba duy trì báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nên có điều kiện làm kỹ, bài bản hơn, chất lượng cao hơn, thật sự đã mang ý nghĩa giám sát, có tranh luận, tìm hiểu, kiểm tra kỹ và có kiến nghị giải quyết, rất đúng chức năng của QH.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, cái được lớn nhất, chung nhất, có tác dụng thiết thực nhất là thông qua việc hỏi và trả lời, trao đổi, thảo luận, tranh luận với sự tham gia của nhiều thành viên Chính phủ, nhiều đại biểu QH đã tiếp tục làm rõ thêm được nhiều vấn đề, nhất là một số vấn đề quan trọng, nổi cộm, bức xúc; có phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp và yêu cầu làm rõ trách nhiệm. Các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm qua đó sẽ thấy rõ, đầy đủ hơn thực trạng tình hình, những mặt được, chưa được, nguyên nhân và trách nhiệm của mình cũng như những việc cần làm. Việc trao đổi thẳng thắn, chân tình, trong không khí dân chủ, trách nhiệm, qua đó tạo sự thông cảm, hiểu nhau hơn.
Theo Chủ tịch QH, một số hạn chế khi chất vấn là có trường hợp hỏi chưa rõ vấn đề, hỏi dài, một người hỏi nhiều vấn đề, một vấn đề lại nhiều khía cạnh làm bớt tính tập trung và bộ trưởng khó trả lời, có khi hỏi vụn vặt, chưa đúng tầm của QH. Có bộ trưởng trả lời hấp dẫn, nhưng có người nặng về diễn giải, kể lể thực trạng tình hình nhưng nhìn chung chuẩn bị nghiêm túc, nắm được vấn đề và trả lời cung cấp được nhiều thông tin cho đại biểu QH. Thủ tướng nhiều lần nói nhận trách nhiệm, nhiều bộ trưởng nhận trách nhiệm thẳng thắn, nhưng cũng có trường hợp vẫn còn chung chung, chưa đủ cụ thể.
Chủ tịch QH đề nghị, sau kỳ chất vấn, các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả những chương trình, kế hoạch, kể cả các điểm mới mà đại biểu QH và QH nêu ra tại kỳ họp này. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, các đoàn đại biểu QH tăng cường giám sát những vấn đề thuộc nội dung chất vấn của kỳ họp cũng như việc thực hiện Nghị quyết về KT-XH của QH để hậu chất vấn là sự nối tiếp, phát huy những kết quả chất vấn tại hội trường. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chất vấn ở hội trường chỉ là bước đầu, quan trọng là chuyển biến, chuyển động trong thực tiễn và đề nghị nhân dân và cử tri cả nước cùng các đại biểu QH theo dõi giám sát việc thực hiện.
Chủ tịch QH khẳng định, các phiên chất vấn tại kỳ họp này của QH thành công, đạt chất lượng. Hy vọng hậu chất vấn tiếp tục có những bước tiến mới trong chỉ đạo thực hiện, trong xử lý công việc mà QH đã nêu.
Thủy Anh