Sáng 22-11, QH thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là bộ luật dự tính có tác động tới 15 triệu người lao động.
Đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của lao động nữ, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị tăng thời gian được nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng cho mọi nhóm đối tượng, song trao cho chị em quyền lựa chọn linh hoạt được nghỉ từ 4 đến 6 tháng. Đối với tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị phương án “1 tăng, 2 giảm”: tăng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ trí thức, giảm tuổi nghỉ hưu cho lao động nặng nhọc, cán bộ cơ sở (ở cả hai giới). Nhìn nhận tuổi nghỉ hưu là “quyền” và cũng là nghĩa vụ, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, tuổi nghỉ hưu chung của cả hai giới nên là 60 tuổi. Một số trường hợp đặc biệt được đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là về thời giờ làm thêm. Về ý kiến của một đại biểu cho biết có doanh nghiệp huy động làm thêm tới 700 giờ trong năm, đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) phản biện: “Như vậy thì cần phải xem lại chế tài và công tác thanh tra, kiểm tra của chúng ta. Tại sao pháp luật hiện hành chỉ cho phép làm thêm tới 200 giờ mà doanh nghiệp lại huy động làm thêm nhiều đến như vậy?”.
Nhiều đại biểu cho rằng vấn đề cốt lõi trong mối quan hệ lao động không được giải quyết căn cơ trong Bộ luật. Đơn cử, cách thức xây dựng mức lương tối thiểu hiện nay vẫn rất bất hợp lý để rồi cứ mỗi năm lại bàn tăng và “lương chưa tăng thì giá cả ngoài chợ đã lên rầm rầm”! Liên quan đến nhóm quy định về xử lý tranh chấp lao động, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo Bộ luật chưa đảm bảo được hoạt động hiệu quả của cơ chế 3 bên trong việc hóa giải những bất đồng giữa chủ sử dụng và người lao động.
Đại biểu Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, những quy định về đình công trong dự thảo vẫn còn phức tạp, thời gian xin phép đình công quá dài. Đại biểu nói: “Tôi nói thế không phải vì muốn có nhiều cuộc đình công, mà là để người sử dụng lao động phải suy nghĩ giải quyết sớm những yêu cầu chính đáng của người lao động để tránh xảy ra đình công”.
Một số ý kiến khác đề nghị dự thảo Bộ luật quy định thêm một ngày nghỉ được hưởng lương nữa cho người lao động vào dịp Tết Nguyên đán với lý do hiệu quả thực tế của ngày làm việc “kẹp” giữa hai ngày nghỉ là không cao. Chính phủ cũng đã nhận thấy điều này nên đã cho phép hoán đổi ngày làm việc để kỳ nghỉ được liền mạch. Mặt khác, số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam hiện cũng còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Buổi chiều, với gần 90% số phiếu tán thành, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia.
Theo đó, sau khi đánh giá về kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006-2010, QH ra Nghị quyết nêu rõ mục tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia là quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật; bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm phát triển bền vững. Phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Một số chỉ tiêu cụ thể: diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch đến năm 2020 là 26.732.000 ha, theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2025 cấp quốc gia là 26.550.000 ha. Trong đó, đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,812 triệu ha, kế hoạch 5 năm là 3,951 triệu ha; đất rừng phòng hộ lần lượt là 5,842 triệu ha và 3,258 triệu ha; đất rừng đặc dụng là 2,271 triệu ha và 2,220 triệu ha; đất rừng sản xuất là 8,132 triệu ha và 7,917 triệu ha; đất làm muối là 15.000 ha...
Theo quy hoạch này, đất phi nông nghiệp theo quy hoạch đến năm 2020 là 4,88 triệu ha, theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2025 cấp quốc gia là 4,448 triệu ha. Trong đó, đất dành cho quốc phòng lần lượt là 388.000 ha và 372.000 ha; đất an ninh là 82.000 ha và 78.000 ha; đất khu công nghiệp là 200.000 ha và 130.000 ha; đất phát triển hạ tầng là 1,578 triệu ha và 1,430 triệu ha.
Đất chưa sử dụng còn lại theo quy hoạch đến năm 2020 là 1,483 triệu ha và theo “Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2025” cấp quốc gia là 2,097 triệu ha.
QH đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia. Trong đó nhấn mạnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà QH đã phê duyệt.
Phải xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa, trong đó chú trọng đầu tư về hạ tầng, có chính sách để bảo đảm người trồng lúa yên tâm sản xuất; Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Việc sử dụng đất cho mục đich sản xuất phi nông nghiệp phải theo quy hoạch, tiết kiệm, hiệu quả; Rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế; đất do các đơn vị quốc phòng, công an làm kinh tế tại địa phương trước năm 2015.
Nghị quyết QH nêu rõ, trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất, nếu phát sinh các trường hợp cần điều chỉnh các chỉ tiêu thì Chính phủ phải trình QH xem xét, quyết định. Định kỳ hằng năm, Chính phủ phải có báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với QH.
Lê Thuỷ