Sáng 24-11, tiếp tục phiên chất vấn của đại biểu QH, có 24 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề về chất lượng giáo dục phổ thông, đại học; việc thành lập quá nhiều trường đại học dẫn đến không tuyển đủ sinh viên; vấn đề thiếu trường mầm non công lập, chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non; giải pháp đảm bảo công bằng và chất lượng giáo dục ở vùng miền núi, dân tộc.
Trả lời câu hỏi của của các đại biểu: Phan Văn Tường (Thái Nguyên), Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) liên quan đến sự yếu kém của chất lượng giáo dục bậc đại học. nhiều trường đại học được thành lập nhưng không tuyển đủ sinh viên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, gần đây Bộ đã từng bước giảm nhịp độ thành lập mới trường đại học. Từ 2006-2011, cả nước có thêm 84 trường đại học, trong đó 33 trường thành lập mới và 51 trường nâng cấp từ cao đẳng lên, bình quân mỗi năm thành lập 14 trường. Trong 3 năm đầu (từ 2006-2008) đã thành lập mới 24 trường và nâng cấp 25 trường, bình quân mỗi năm thành lập 16 trường. Trong 3 năm sau (2009-7/2011) có 26 trường cao đẳng nâng cấp thành đại học và thành lập 9 trường đại học mới, bình quân mỗi năm thành lập 12 trường. Như vậy, số lượng trường đại học thành lập mới trong 3 năm gần đây đã giảm nhiều. Các điều kiện thành lập trường và cho phép trường đại học hoạt động cũng đã được điều chỉnh theo hướng nâng cao, tránh tình trạng chất lượng đào tạo kém. Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận dù có tiến bộ nhưng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nói chung và bậc đại học hiện còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, còn một khoảng cách so với các nước tiến tiến trên thế giới và trong khu vực, chưa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Để giải quyết tình trạng này, không có con đường nào khác là phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo lộ trình, công bố rộng rãi cơ cấu và nhu cầu dự báo về nguồn nhân lực để làm cơ sở tham khảo, cân nhắc điều chỉnh quyết định lựa chọn ngành nghề đăng ký thi cho các thí sinh. Trước băn khoăn của một số đại biểu về giáo dục mầm non, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận thiếu sót trước đây trong việc nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng và vị trí của giáo dục mầm non. Hiện nay, theo Quyết định 60, 61 của Thủ tướng Chính phủ, trước hết là cần giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất; tiếp tục xóa bản trắng, làng trắng cơ sở giáo dục mầm non; khắc phục những bất cập về chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non ngoài công lập. Theo Bộ trưởng, điều kiện chung hiện nay Chính phủ mới phê duyệt cho Bộ thực hiện đề án phổ cập mầm non 5 tuổi, đối với các bậc nhỏ hơn còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Bộ đang phối hợp nghiên cứu, triển khai xã hội hóa các hình thức như nhóm trẻ gia đình; chế độ chính sách đối với giáo viên, bảo mẫu; khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng lớp mẫu giáo, mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cuối phiên trả lời chất vấn về vấn đề giáo dục đào tạo, Quốc hội đã dành thời gian để Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ báo cáo thêm. Phó Thủ tướng cho biết: trong 10 năm qua, tỷ lệ người được đào tạo nghề nghiệp đã tăng từ 16% lên 40%. Dù rằng còn nhiều việc phải làm nhưng đây là tỷ lệ rất quan trọng, bởi nước ta đã chấm dứt tình trạng thầy nhiều hơn thợ. Phó Thủ tướng cho biết, đối với giáo dục phổ thông, thực hiện nguyên tắc vừa giáo dục tri thức, vừa giáo dục làm người, chương trình được thông qua từ năm 2006 vẫn còn nặng về giáo dục tri thức, giáo dục trong phòng học, trường học, hạn chế về kỹ năng, hoạt động ngoại khóa ngoài xã hội. Về giáo dục bậc đại học, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thực tế trong một thời gian dài, hệ thống giáo dục đại học tuy có bám sát yêu cầu thực tiễn nhưng chủ yếu là đào tạo theo khả năng, thầy đến đâu đào tạo đến đó, chưa làm rõ chuẩn sinh viên tốt nghiệp đại học phải có năng lực, kỹ năng gì và làm việc ở vị trí nào.
Theo Phó Thủ tướng, đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá hệ thống giáo dục, theo đó phải hoàn chỉnh lại quản lý giáo dục bậc đại học, phổ thông, dạy nghề theo phân cấp trách nhiệm. Thực hiện phân cấp trong quản lý là vấn đề vô cùng quan trọng, đã thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương tham gia giám sát việc hình thành và hoạt động các trường và cơ sở dạy nghề. Quy chế quản lý nhà nước ở các cấp học cần được hoàn chỉnh, qua đó đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học và nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu trưởng các trường. Cần có chính sách hợp lý đầu tư cho giáo dục, giáo viên và học sinh, hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh vùng khó khăn, tăng cường thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là một phiên chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, sôi nổi, thể hiện sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giáo dục đào tạo là quốc sách đồng thời là sự nghiệp suốt đời. Giáo dục và đào tạo trong những năm vừa qua đã có những chuyển biến khá tích cực cả về số lượng và chất lượng. Nhu cầu học tập của người dân được đảm bảo ngày càng tốt hơn, kể cả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền Tây Nam bộ, miền núi phía Bắc đều có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trẻ em tới trường đạt cao, 98-99%.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, theo hướng Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đặt ra, phải thực hiện việc chuẩn hóa, đổi mới thực sự về quản lý, phân cấp cũng như việc mở rộng hệ thống mạng lưới đào tạo trong công lập, ngoài công lập được triển khai theo quy hoạch và được quản lý một cách chặt chẽ để đảm bảo chất lượng của giáo dục, đào tạo là hàng đầu.
Tiếp đó, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Vấn đề về giá xăng, dầu và giá điện. Trả lời các câu hỏi của các đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) về chuyện quản lý điều hành giá điện, giá than trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết trong quản lý điều hành giá, nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là kiên trì nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, quản lý chi phí hợp lý vào giá thành và mức lãi của doanh nghiệp. Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, hiện giá điện vẫn bao cấp cho sản xuất thép và ximăng. Theo kết quả kiểm toán năm 2010, sản lượng điện thương phẩm cung cấp thép và xi măng chiếm hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm với 982 triệu kwh và giá bán điện cho thép chỉ 914 đồng. Vì vậy, có hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài nhập phôi thép vào Việt Nam rồi sử dụng năng lượng giá rẻ tại Việt Nam sản xuất để xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài. Đó là hiện tượng cần khắc phục trong điều hành về giá. Yếu tố thị trường không ngăn cản gì việc Nhà nước quản lý về giá trên cơ sở ban hành những chính sách, văn bản điều hành về giá.
Liên quan đến việc bình ổn giá, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, trong trường hợp những mặt hàng liên quan đến Nhà nước bình ổn giá thì Nhà nước thực hiện bình ổn đảm bảo giá để phục vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo cho người nghèo, thu nhập thấp được trợ giá. Những hộ sử dụng điện trung bình thì cũng phải thấp hơn mức bình quân chung. Vì vậy, trong năm 2011 vừa phải điều hành giá theo thị trường vừa thực hiện điều chỉnh giá như vừa nêu.
Tham gia cùng trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính về những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định có một số dự án điện độc lập bán điện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) giá thấp là nguyên nhân dẫn đến tình hình kinh doanh khó khăn của những dự án này. Phần lớn những dự án điện độc lập này có quy mô nhỏ, công suất dưới 30kW, mới được xây dựng, kinh doanh trong những năm gần đây. Lỗ có nhiều lý do như chênh lệch tỷ giá, vay ngân hàng đầu tư… Trong khi hợp đồng với EVN là hợp đồng không điều chỉnh giá, nên khó khăn cho dự án. Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ đã ban hành Thông tư yêu cầu EVN cùng các dự án điện độc lập xem xét lại các hợp đồng đã ký kết, những yếu tố khách quan biến động lớn phải điều chỉnh chứ không thể để kéo dài.
Xung quanh chuyện lãi, lỗ của ngành điện và xăng dầu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng), Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng), Đặng Thế Vinh (đoàn Long An) về tình hình kinh doanh thua lỗ của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: đối với EVN số liệu đã được kiểm toán là lỗ 8.040 tỷ đồng và tổng số 23.500 tỷ đồng. Nguyên nhân là do EVN thực hiện mua điện của các doanh nghiệp ngoài ngành EVN với giá cao. Trả lời câu hỏi vì sao có tình trạng này, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ là do cơ cấu hiện nay thủy điện là rẻ nhất, sau đó đến nhiệt điện chạy dầu và tua bin khí. Tuy nhiên, do sản lượng điện từ thủy điện chỉ chiếm 40% nên mặc dù có 100% thủy điện chăng nữa chúng ta vẫn phải có nhiệt điện, như vậy phải mua điện. Lỗ 8.040 tỷ đồng nguyên nhân chính là mua điện giá cao để cung cấp cho lưới điện Quốc gia.
Trả lời về vấn đề lãi, lỗ của ngành xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: trước năm 2008 chúng ta phải bù lỗ cho mặt hàng dầu để phục vụ sản xuất, xăng điều hành bình thường. Nhưng từ sau năm 2008 trở đi chúng ta điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Khi tiến hành theo kết quả kiểm toán thì năm 2008 Petrolimex lãi 913,7 tỷ USD, riêng xăng dầu lãi 642 tỷ USD. Năm 2009 lãi 219 tỷ USD; năm 2010 lãi 314 tỷ, riêng xăng dầu lỗ 142 tỷ. Nếu năm 2011 không có biến động đột biến về tỷ giá điều chỉnh tháng 2 và 3, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thực hiện đúng định mức về bán hàng thì không có chuyện lỗ và vẫn có thể lãi. Về ý kiến của dư luận xung quanh thu nhập của người lao động trong ngành điện, theo bộ truởng Vũ Huy Hoàng, thu nhập của lao động ngành điện là cao hay thấp phải dựa vào 3 yếu tố: Mức thu nhập của người lao động làm công ăn lương của cả nước; những doanh nghiệp cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh; cùng khu vực doanh nghiệp. Lẽ ra, lãnh đạo EVN phải công bố chi tiết. Riêng các loại phụ cấp ngành điện được hưởng do tính đặc thù như an toàn điện, độc hại nguy hiểm đã chiếm tới 25% tiền lương. Lãnh đạo EVN phải có phân tích chi tiết hơn thì sẽ tạo được sự chia sẻ của dư luận.
Chiều nay 24-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời chất vấn. Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi rất cụ thể: Hiện tại, có bao nhiêu ngân hàng bị xếp loại yếu kém và phương án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước cụ thể như thế nào. Nhận định khái quát rằng hệ thống ngân hàng của ta về cơ bản vẫn đang hoạt động hiệu quả, có sức đề kháng tương đối tốt, bằng chứng là đã trụ vững trong bối cảnh khó khăn toàn cầu như vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 37 ngân hàng cổ phần đang hoạt động, có thể chia ra làm nhiều loại: ngân hàng rất lành mạnh; ngân hàng trung bình; ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động tốt; ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động chưa được lành mạnh. Nhóm quy mô nhỏ, hoạt động chưa được lành mạnh chỉ có 8 ngân hàng, chiếm khoảng 5%.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận, trong những tháng đầu năm nay, khi lạm phát tăng cao, việc giữ nguyên trần lãi suất này là kém linh hoạt, phần nào khiến cho người gửi tiền bị thiệt.
Sáng mai, 25-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được dành 1 tiếng rưỡi để trả lời tiếp các chất vấn mà 16 vị đại biểu đã nêu. Cũng trong sáng 25-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trả lời trực tiếp chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Lê Thuỷ