Thông qua Nghị quyết về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực

Về nghị quyết Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. QH ghi nhận Dự án nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành thương mại; những kết quả bước đầu đạt được, những bài học thành công và chưa thành công; những công việc cần tiếp tục thực hiện của Dự án.

Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: Thứ nhất, có biện pháp bảo đảm nguyên liệu cho Nhà máy vận hành ổn định lâu dài; khẩn trương giải quyết những công việc còn lại của Dự án; nâng cao tối đa hiệu quả KT-XH tổng hợp của Dự án, nhất là tác động lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thứ hai, chỉ đạo các cơ quan hữu quan triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Nhà máy theo quy định của pháp luật. Thứ ba, coi trọng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, tiếp thu công nghệ hiện đại để sớm làm chủ công nghệ về lọc hóa dầu. Thứ tư, rà soát, chỉ đạo để sớm hoàn thành công tác di dân, tái định cư; ổn định sản xuất, việc làm và cuộc sống cho nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án. Thứ năm, khẩn trương hoàn thành việc thanh quyết toán Dự án. Thứ sáu, thực hiện kiểm toán toàn bộ công trình theo quy định của pháp luật.

QH yêu cầu hằng năm Chính phủ báo cáo QH tình hình thực hiện việc xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Báo cáo với QH sau khi hoàn thành các công việc của Dự án tại kỳ họp gần nhất.

Về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. QH cơ bản tán thành báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính... Qua 10 năm thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đã đạt được kết quả bước đầu, trong đó có những cải cách quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan. Một số lượng lớn các thủ tục hành chính không hợp lý, chồng chéo đã được rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi; nhiều thủ tục hành chính mới được ban hành theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận lợi, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có bước trưởng thành cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức, phẩm chất cũng như tinh thần phục vụ. Tuy nhiên, tiến độ cải cách thủ tục hành chính còn chậm. Trong một số lĩnh vực thủ tục hành chính vẫn còn bất cập, chồng chéo, không hợp lý, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực còn khá phổ biến; kỷ cương, kỷ luật hành chính và việc xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm. QH cũng chỉ ra một số nguyên nhân như một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức còn hạn chế; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước còn chồng chéo hoặc bỏ trống; hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng mức; công tác giám sát, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên...

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, QH yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số công việc: Thứ nhất, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu những nội dung đã được kiến nghị trong các báo cáo để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý; tiếp tục tổ chức rà soát để sửa đổi, hủy bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ những quy định, thủ tục hành chính không phù hợp hoặc ban hành không đúng thẩm quyền, loại bỏ những khâu trung gian, không cần thiết; tiến hành tổng kết việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính để có giải pháp phù hợp; nghiên cứu toàn diện các mặt và sớm ban hành đồng bộ, cụ thể các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức KT-XH, hồ sơ, quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, tạo khuôn khổ pháp lý công khai, minh bạch để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các vi phạm. Thứ hai, bố trí ngân sách hằng năm bảo đảm yêu cầu đẩy nhanh công tác cải cách hành chính; sớm cải cách cơ bản chế độ tiền lương; tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thứ ba, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính đã đề ra. Thứ tư,  Ủy ban Thường vụ QH phối hợp với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, trình QH quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và nhiệm kỳ để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

QH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ và Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH, HĐND, đại biểu HĐND giám sát việc thực hiện nghị quyết. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất