An Giang nhân rộng mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND
Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, xã Bình Chánh (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đảng. Trong ảnh: Bình Chánh đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ động, tích cực xây dựng đề án tổng thể

Trên cơ sở các nghị quyết, quan điểm, chủ trương của Trung ương và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban soạn thảo và xúc tiến việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trên tinh thần tiến hành chặt chẽ từng bước, không cầu toàn, nóng vội, bảo đảm khoa học, khả thi, lấy chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy và yêu cầu thực tế của địa phương (dân số đông, trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, gia đình chính sách còn nhiều…) để làm mục tiêu của Đề án.

Theo đó, An Giang tập trung làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị; quan tâm đúng mức đến lợi ích, nhất là chế độ, chính sách cho cán bộ kiêm nhiệm và cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy; đề cao tính nêu gương, tính tiền phong của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo sự lan toả tích cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… Vì vậy, triển khai thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện; sáp nhập một số cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cùng cấp tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; thí điểm mô hình quản lý theo ngành dọc ở một số lĩnh vực có điều kiện; đẩy mạnh cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập… trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả quan trọng.

Mạnh dạn thực hiện mô hình 

Qua 2 năm thực hiện, đến nay, mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khóm, ấp đã thực hiện ở 888/888 khóm, ấp (100%) trong tỉnh. Mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã triển khai thực hiện thành công từ nhiều năm nay ở nhiều xã, phường, thị trấn của 100% đơn vị cấp huyện, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong phát huy quyền dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 118/156 xã, phường, thị trấn (đạt 75,64%) của 100% đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND. Trong đó, huyện Châu Phú đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình từ năm 2010; đến nay, 13/13 xã, thị trấn của huyện đã thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, qua đó, giảm 7/47 biên chế được giao cho mỗi xã và tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng/xã/năm.

Về số lượng và cơ cấu chức danh phó bí thư cấp ủy khi thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, tỉnh giao ban thường vụ huyện, thị, thành uỷ căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, có thể lựa chọn áp dụng một trong hai phương án: (1) Bố trí 1 phó bí thư thường trực cấp uỷ phụ trách công tác đảng kiêm chủ nhiệm UBKT cấp uỷ, 1 phó bí thư cấp uỷ kiêm chủ tịch HĐND và trưởng khối dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MMTQ; (2) Bố trí 1 phó bí thư thường trực cấp ủy phụ trách công tác đảng và trưởng khối dân vận (nơi có điều kiện bố trí kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ), 1 phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND, kiêm chủ nhiệm UBKT cấp ủy.

Đối với cấp huyện, có 4/11 đơn vị (thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, huyện Châu Phú và huyện Tri Tôn) đã triển khai thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND (trong đó, thành phố Long Xuyên là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện mô hình) trên cơ sở lựa chọn nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là trình độ chuyên môn sâu về công tác đảng và quản lý nhà nước; đủ tuổi công tác đủ hai nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 hoặc ít nhất phải còn đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ tới.

Cùng với việc thí điểm thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, các địa phương tiến hành hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Trong điều kiện chưa có quy định của Trung ương về việc thực hiện mô hình, tỉnh đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ trong diện sắp xếp, kể cả đối với các đồng chí đảm nhiệm 2 chức danh và các đồng chí thôi đảm nhiệm chức danh bí thư cấp ủy hoặc chủ tịch UBND để bố trí công tác khác phù hợp.

Bên cạnh đó, tỉnh đã vận dụng quy định của Trung ương để thực hiện chế độ phụ cấp kiêm nhiệm 10% đối với đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện và 20% đối với đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy UBND cấp xã; đồng thời, khi bố trí cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách khác thì áp dụng mức phụ cấp 20% mức thu nhập của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm. Nhờ vậy, cán bộ trong diện sắp xếp yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về lộ trình đến năm 2020, tỉnh An Giang sẽ triển khai thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 156/156 xã, phường, thị trấn (đạt 100%); tiếp tục thực hiện ở cấp huyện đối với những địa phương đủ điều kiện.

Hiệu quả bước đầu

Việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tiễn, đã tạo sự thống nhất và đồng tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trong tỉnh. Thực hiện chủ trương thí điểm đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND vừa là người tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên vừa là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Vì vậy, các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND.

Hầu hết các đảng bộ thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đã phát huy được năng lực lãnh đạo trong phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội ở địa phương. Vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy và UBND tập trung vào một người, tạo cơ sở thống nhất cho mọi hoạt động, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, trông chờ, ỷ lại, mất đoàn kết. Các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND. Góp phần tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đội ngũ cán bộ có điều kiện rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, nâng cao năng lực, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, chịu trách nhiệm trước tập thể.

Còn những khó khăn

Năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở của An Giang nhìn chung còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ có khả năng đảm nhiệm được nhiệm vụ của 2 chức danh bí thư và chủ tịch UBND còn hạn chế, nên một số địa phương gặp khó khăn trong việc chọn cán bộ vào vị trí này. Một số nơi thực hiện thí điểm nhưng chưa kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy; chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND một cách đồng bộ nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, chưa phân định rõ khi nào ở “vai bí thư” với tư cách là người đứng đầu cấp ủy giải quyết theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; khi nào ở “vai chủ tịch” UBND với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Bên cạnh đó, việc đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND mất nhiều thời gian đi họp và giải quyết nhiều công việc cụ thể của chính quyền nên ảnh hưởng đến công tác đảng, đoàn thể cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Vì vậy, có lúc, có nơi dẫn đến tình trạng quan liêu, bỏ sót việc, ảnh hưởng đến vai trò, chức năng lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Những nơi đội ngũ cán bộ tham mưu yếu thì đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND sẽ rất khó khăn trong việc chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, chế độ phụ cấp cho những cán bộ thực hiện mô hình trên chưa phù hợp và tương xứng với công việc được phân công.

Một số kinh nghiệm  

Một là, cấp ủy, chính quyền cấp trên phải quan tâm chỉ đạo, làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân sự đủ năng lực, phẩm chất để đảm nhiệm 2 chức danh; đủ uy tín, có khả năng quy tụ, đoàn kết cán bộ, đảng viên trong đảng bộ. Đây là công việc đầu tiên, quan trọng, quyết định đến sự thành bại của chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND.

Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và chính quyền cấp trên, của HĐND cùng cấp hoặc cấp trên, của ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, nhằm phòng ngừa tình trạng quan liêu, độc đoán của đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND.

Ba là, cấp trên cần tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ, theo dõi những đơn vị thực hiện thí điểm, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm; kịp thời động viên, khen thưởng, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất