Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đặc biệt quan tâm, chỉ rõ vị trí, vai trò của công tác tổ chức xây dựng đảng trong Quân đội. Trên cơ sở nắm vững đặc điểm tình hình và tính chất nhiệm vụ hết sức quan trọng của chiến dịch, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ coi trọng công tác chính trị nói chung và công tác tổ chức xây dựng đảng nói riêng. Công tác tổ chức xây dựng đảng đã tập trung giải quyết những khâu chủ yếu có tính chất quyết định sau:
1. Kịp thời xây dựng, củng cố, kiện toàn cấp ủy các cấp. Từ lúc chuẩn bị cũng như trong toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cấp ủy coi trọng xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy liên tục không đứt đoạn trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, dài ngày; đồng thời bảo đảm yêu cầu bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tế chiến đấu đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng sau chiến dịch. Trong lãnh đạo, chỉ đạo từ cơ quan đến đơn vị chiến đấu thường xuyên chăm lo, củng cố kiện toàn nâng cao chất lượng lãnh đạo của tổ chức đảng. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng, tập trung vào cấp ủy các cấp và chi bộ để lãnh đạo đơn vị chiến đấu liên tục; bảo đảm chi bộ đại đội có cấp ủy, trung đội có tổ đảng, tiểu đội (khẩu đội) có đảng viên.
Xuyên suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, hoạt động nâng cao chất lượng lãnh đạo của tổ chức đảng thể hiện ở sự quán triệt và lãnh đạo chấp hành chủ trương, phương châm chiến lược quân sự. Trong đó, nổi lên những vấn đề lớn đã giải quyết tốt là: Quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến, phát huy năng lực lãnh đạo toàn diện, tập trung sức mạnh toàn quân thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của chiến dịch.
Trước những khó khăn, tổn thất trong đợt 2 của chiến dịch, trong đội ngũ cán bộ có biểu hiện giảm sút ý chí, trách nhiệm, chấp hành mệnh lệnh không triệt để. Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch mở đợt sinh hoạt tư tưởng sâu rộng để tự phê bình và phê bình từ trên xuống, từ trong Đảng ra đến quần chúng, thật sự dân chủ nhưng nghiêm khắc, kiên quyết xử lý kỷ luật. Với tất cả những nỗ lực trên tinh cách mạng tiến công, hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy đã được củng cố, hành động dũng cảm nhất, kiên quyết nhất. Trong suốt chiến dịch, nhờ có kế hoạch sắp xếp lực lượng thay thế nhiều thê đội, nên khi xảy ra thương vong được bổ sung, củng cố kịp thời.
2. Các cấp ủy đã coi trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Trong suốt quá trình tiến hành chuẩn bị và tham gia chiến dịch, các cấp ủy, tổ chức đảng đã thực hiện nghiêm túc sinh hoạt chi bộ, luôn coi chi bộ là “pháo đài” của Đảng. Các tổ chức đảng và đảng viên đã quán triệt và chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Các cấp ủy đã phát huy tốt dân chủ nội bộ để phát huy sức mạnh, kinh nghiệm, trí tuệ của các cấp ủy viên để tìm ra phương thức tác chiến có hiệu quả; đồng thời phát huy tốt trách nhiệm của từng cá nhân đặc biệt là thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự.
Trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, các cấp ủy viên, đảng viên nêu cao tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình, từ đó đấu tranh với những biểu hiện, tư tưởng hữu khuynh, sợ khó khăn, gian khổ, củng cố và đề ra quyết tâm, đề cao trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đợt 2 của chiến dịch, những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5-1954, ở tất cả các đơn vị đều tiến hành nghiêm túc tự phê bình và phê bình, từ đó tạo ra bầu không khí phấn khởi, tạo nên niềm tin và sức mạnh mới của quân ta ở đợt cuối cùng kết thúc chiến dịch.
3. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng. Để kịp thời phát triển đội ngũ đảng viên, Hội nghị Tổ chức toàn quân lần thứ 2 (3-1954) đã đề ra nhiệm tăng cường giáo dục đảng viên, đồng thời đặt ra chế độ “ngày đảng” và quy định mở các lớp ngắn kỳ bồi dưỡng cho bí thư chi bộ, cho cấp ủy viên và đảng viên mới… Các cấp ủy, tổ chức đảng đã làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện, làm cho đảng viên nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ của chiến dịch, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ; duy trì chặt chẽ các chế độ sinh hoạt Đảng phù hợp với điều kiện tác chiến; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể cấp ủy, trách nhiệm và sự quyết đoán của người chỉ huy trong chiến đấu. Các chi bộ đã coi trọng rèn luyện, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên đảng viên gắn với rèn luyện phát triển cán bộ.
Cấp ủy đã quan tâm bồi dưỡng rèn luyện đối tượng phát triển đảng viên trong thực tế chiến đấu, tiến hành kết nạp đảng viên ngay trên chiến trường sau mỗi trận đánh, mỗi đợt chiến đấu. Tính đến hết chiến dịch, cả 5 đại đoàn đã kết nạp được 1.281 đảng viên, nhiều đồng chí được kết nạp ngay tại trận địa (bức tranh Kết nạp đảng ở Chiến dịch Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được công nhận là bảo vật quốc gia). Nhờ có nguồn bổ sung vào đội ngũ đảng viên ngay trong quá trình chiến đấu nên tỷ lệ lãnh đạo được giữ vững, vai trò nòng cốt, gương mẫu được phát huy, có tác dụng thu hút quần chúng dũng cảm chiến đấu, tích cực khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ trong chiến dịch dài ngày, đồng thời là nguồn bồi dưỡng phát triển cán bộ phong phú.
Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ.
4. Các cấp ủy đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, gắn chặt củng cố kiện toàn cấp ủy với củng cố kiện toàn tổ chức chỉ huy, bảo đảm duy trì liên tục việc tổ chức chiến đấu và bảo đảm chiến thắng. Xuất phát từ mục đích nhiệm vụ và đặc biệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ nên ngay trong quá trình chuẩn bị chiến đấu, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã coi trọng điều chỉnh, sắp xếp cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của đơn vị. Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện bảo đảm số lượng và chất lượng. Kết hợp chặt chẽ giữa kiện toàn đội ngũ cán bộ với kiện toàn cấp ủy các cấp, nhất là ở các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Thực hiện bố trí cán bộ một cách hợp lý về năng lực và kinh nghiệm để bổ khuyết và giúp đỡ lẫn nhau trong chiến đấu. Chủ động xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng nguồn cán bộ thay thế cho các đơn vị chiến đấu, bổ sung kịp thời, không để các đơn vị, nhất là ở các đơn vị chiến đấu bị thiếu hụt, gián đoạn sự lãnh đạo, chỉ huy.
Công tác lãnh đạo xây dựng tổ chức còn tập trung vào những ngành, những mặt khác không kém phần gian khổ như cơ quan hậu cần, vận tải, quân y, điều phối quản lý lực lượng dân công phục vụ chiến dịch. Đây là sự phát triển toàn diện, là những vấn đề nổi bật nhất của công tác lãnh đạo xây dựng củng cố kiện toàn về mặt tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng bảo đảm sự lãnh đạo có trọng điểm và lãnh đạo toàn diện trong Chiến dịch Điện Biên phủ, vượt xa so với hoạt động lãnh đạo của các chiến dịch ở giai đoạn trước.
Quán triệt những bài học kinh nghiệm công tác tổ chức xây dựng đảng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác tổ chức xây dựng đảng trong Quân đội cần hướng vào những biện pháp cơ bản sau:
Một là, không ngừng kiện toàn cấp ủy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng nhất là ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Hai là, thực hiện nguyên các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
Ba là, coi trọng công tác giáo dục rèn luyện, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên, làm tốt công tác kết nạp đảng viên.
Bốn là, làm tốt các khâu, các bước trong công tác cán bộ. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là thông qua thực tiễn.
Những bài học, kinh nghiệm về công tác tổ chức xây dựng đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với giai đoạn cách mạng sau này. Các cấp ủy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp trong quân đội cần vận dụng những bài học, kinh nghiệm về công tác tổ chức xây dựng đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào trong thực tiễn, góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong Quân đội trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
ThS. Phạm Văn Phong
Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng