Thời gian qua, tỉnh Long An tập trung thực hiện Đề án 02-ĐA/TU và Kế hoạch 48-KH/TU ngày 29-12-2017 của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đề án 02 đã tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, người hoạt động không chuyên trách cấp xã nói riêng.
Ban hành chính sách hỗ trợ
Tỉnh Long An đã ban hành và thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ thôi việc do sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã, nguồn kinh phí được trích từ ngân sách địa phương. Theo đó, người hoạt động không chuyên trách cấp xã đủ 59 tuổi trở xuống đối với nam, đủ 54 tuổi trở xuống đối với nữ công tác từ đủ 6 tháng đến dưới 3 năm được hỗ trợ 5.000.000 đồng/người. Công tác từ đủ 3 năm trở lên được hỗ trợ 5.000.000 đồng/người cho 3 năm đầu công tác, sau đó cứ mỗi năm công tác (đủ 12 tháng) được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người/năm (Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 12-3-2019 của HĐND tỉnh khóa IX, kỳ thứ 13). Qua đó, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiêm nhiệm đối với các chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã. Sau khi hoàn thành sắp xếp kiêm nhiệm, tỉnh Long An ước tính sẽ giảm 2.803 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Một số kết quả đạt được
Kết quả sắp xếp bước đầu cho thấy, các xã, phường, thị trấn của Long An đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả; sau khi sắp xếp lại, số lượng người hoạt động không chuyên trách còn từ 5 đến 7 người (quy định khoảng 19 - 22 người), đã tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, do đó mỗi cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách có thu nhập tăng thêm đáng kể.
Điển hình, năm 2018 xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc được chi từ 9 đến 10 triệu đồng/người, tùy theo mức đánh giá, xếp loại cuối năm. Điều này đã tạo sự phấn khởi cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hằng tháng cán bộ kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách cấp xã sẽ được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 0,8 mức lương cơ sở, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Bến Lức là một trong những địa phương đi đầu trong việc sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách. Trong quá trình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và những người hoạt động không chuyên trách, Huyện ủy, UBND huyện Bến Lức luôn phát huy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch; chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn với 299 cán bộ không chuyên trách cấp xã. Sau khi sắp xếp, bố trí lại, huyện còn 91 cán bộ không chuyên trách cấp xã (giảm 208 người); tiết kiệm chi phí tiền lương, phụ cấp được gần 260 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, với cách làm công khai, dân chủ, sát với điều kiện thực tế, đến nay, các chức danh không chuyên trách của 192 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được sắp xếp tinh gọn và bước đầu đi vào hoạt động nền nếp. Việc bố trí kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách cấp xã, trung bình toàn tỉnh giảm 42,77%, tương ứng giảm 1.661 người so với quy định. Sau khi bố trí, sắp xếp các chức danh không chuyên trách bộ máy cấp xã được tinh giản, gọn nhẹ hơn.
Mặc dù việc sắp xếp, tổ chức lại đội ngũ cán bộ không chuyên trách theo hướng không giảm các đầu mối công việc mà giảm số lượng người được triển khai chưa lâu nhưng hiệu quả bước đầu mang lại ở Long An khá khả quan. Qua đó, góp phần đáng kể trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Ngọc Thảo