Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: 119 quận, huyện, 10 thị xã, 13 thành phố trực thuộc tỉnh; 1.918 xã, phường, thị trấn và 21.400 thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố. Tính đến cuối năm 2012, khu vực có 222 tổ chức đảng trực thuộc tỉnh, thành ủy (143 quận, huyện, thị, thành ủy và 79 đảng ủy trực thuộc), 8.858 tổ chức cơ sở đảng, 38.249 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 523.548 đảng viên.
Năm 2012, năm thứ hai triển khai thực hiện việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và đảng viên theo nội dung Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW, ngày 11-10-2011 của Ban Tổ chức Trung ương, ban thường vụ các tỉnh, thành ủy trong khu vực đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc trong toàn đảng bộ. Ban tổ chức của cấp ủy tổ chức các hội nghị quán triệt hướng dẫn, cụ thể hóa một số nội dung, tiêu chí đánh giá phù hợp với từng loại hình tổ chức cơ sở đảng, từng đối tượng đảng viên; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm đúng yêu cầu hướng dẫn của Trung ương. Ban thường vụ các quận, huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc của từng địa phương đã tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung các hướng dẫn đến chi, đảng bộ cơ sở; chỉ đạo ban tổ chức của cấp ủy cụ thể hóa nội dung thang, bảng chấm điểm cho các loại hình TCCSĐ, đảng viên, xây dựng kế hoạch triển khai; đồng thời phân công các đồng chí trong ban thường vụ cấp ủy, lãnh đạo các ban xây dựng đảng theo dõi, chỉ đạo việc triển khai thực hiện đảm bảo đúng nội dung, mục đích, yêu cầu và quy trình đánh giá.
Năm 2012 cho thấy, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 8.811/8.858 TCCSĐ được đánh giá chất lượng, đạt tỷ lệ 99,47%, tăng 3,37% so với năm 2011. Trong đó: có 6.175 TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh, chiếm 70,08%, giảm 4,55% so với năm 2011 (trong tổng số TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh năm 2012, có 1.367 TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, chiếm tỷ lệ 22,09%, tăng 0,26% so với năm 2011); 1.958 TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 22,22%, tăng 2,68% so với năm 2011; 603 TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 6,84%, tăng 1,67% so với năm 2011; 75 TCCSĐ yếu kém, chiếm tỷ lệ 0,85%, tăng 0,29% so với năm 2011.
Toàn khu vực có 38.135/38.249 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở được đánh giá chất lượng, đạt tỷ lệ 99,70%, tăng 0,15% so với năm 2011. Trong đó, có 28.295 chi bộ trong sạch vững mạnh, chiếm 74,20% so với tổng số chi bộ được đánh giá chất lượng năm 2012, giảm 1,38% so với năm 2011 (trong tổng số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh năm 2012, có 4.500 chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, chiếm tỷ lệ 15,90%, tăng 0,86% so với năm 2011); có 7.652 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 20,07%, tăng 0,89% so với năm 2011; 2.120 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 5,56%, tăng 0,52% so với năm 2011; 68 chi bộ yếu kém, chiếm tỷ lệ 0,18%, giảm 0,03% so với năm 2011.
Tổng số đảng viên trong toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên có đến thời điểm đánh giá là 523.548 đảng viên. Trong đó: có 28.497 đảng viên được miễn đánh giá, chiếm tỷ lệ 5,44%; 8.467 đảng viên chưa được đánh giá, chiếm tỷ lệ 1,62%; 486.584 đảng viên được đánh giá chất lượng năm 2012, đạt tỷ lệ 92,92%. Trong đó: có 58.270 đảng viên được xếp loại đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 11,98% so với số đảng viên được đánh giá chất lượng năm 2012, giảm 0,40% so với năm 2011; 360.872 đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 74,16%, tăng 0,56% so với năm 2011; 63.975 đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 13,15%, giảm 0,27% so với năm 2011; 3.467 đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 0,71%, tăng 0,12% so với năm 2011.
Nhìn chung, công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên năm 2012 đã được các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên triển khai nghiêm túc, bám sát các nội dung yêu cầu theo hướng dẫn của Trung ương. Việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên ngày càng đi vào nề nếp, phản ánh thực chất hơn năng lực lãnh đạo và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay; từ đó giúp cho cấp ủy các cấp nắm bắt tình hình cơ sở sâu sát hơn, kịp thời khắc phục những khuyết điểm, tồn tại và đề ra các chủ trương, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm củng cố, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hầu hết, các cấp ủy của từng địa phương đã tập trung chỉ đạo, đề ra kế hoạch, hướng dẫn và cụ thể hóa một số nội dung, tiêu chí, biểu điểm đánh giá phù hợp với từng loại hình TCCSĐ, từng loại đối tượng đảng viên và sát với tình hình thực tế của mỗi địa phương, đơn vị; các cấp ủy đã có sự phân công các đồng chí trong ban thường vụ, cấp ủy viên phụ trách địa bàn, lãnh đạo và chuyên viên các ban xây dựng đảng các cấp thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và thẩm định chặt chẽ kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên.
Việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên năm 2012 đã gắn với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; đồng thời, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở của các tổ chức đảng, đảng viên…
Tuy nhiên, qua hai năm triển khai thực hiện việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên theo Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương nhưng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại đáng quan tâm, đó là: Nhận thức của một số cấp ủy và đảng viên chưa thật đầy đủ, sâu sắc về mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp đánh giá theo hướng dẫn của Trung ương; một số cấp ủy ở cơ sở chưa cụ thể hóa thành các tiêu chí, biểu điểm phù hợp với từng loại hình TCCSĐ, từng đối tượng đảng viên, chưa sát với nhiệm vụ và tình hình thực tế; chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát, kiểm tra chặt chẽ quá trình thực. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn tập trung chủ yếu vào số đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nhiều địa phương có tỷ lệ đảng viên đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vượt quá tỷ lệ quy định của Trung ương. Tinh thần tự phê bình và phê bình của một số cấp ủy và đảng viên còn hạn chế, còn có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, chưa nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng những nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên.
Công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên của một số cấp ủy chưa chặt chẽ, vẫn còn có biểu hiện chiếu cố, chạy theo thành tích, không phản ánh đúng thực chất.
Việc khen thưởng TCCSĐ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 3 năm liền hoặc 5 năm liền còn có hiện tượng “nuôi” thành tích. Việc tổ chức triển khai thực hiện, tổng hợp và báo cáo kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên năm 2012 về Trung ương ở một số địa phương vẫn còn chậm, chưa đảm bảo thời gian quy định.
Thời gian tới, các cấp ủy đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên xác định: Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của TCCSĐ; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế dân chủ ở cơ sở. Quan tâm công tác kết nạp đảng viên, nhất là những nơi chưa có tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm nguyên tắc của Đảng; kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại cũng như giải quyết dứt điểm những vướng mắc, kiến nghị của cán bộ, đảng viên.
Vũ Quang Trung
Vụ Địa phương II, Ban Tổ chức Trung ương