Huyện ủy Bắc Quang (Hà Giang) nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng làm việc tại Huyện ủy Bắc Quang.

Bắc Quang là huyện cửa ngõ phía nam của tỉnh Hà Giang, một trong những đảng bộ lớn của tỉnh với 84 tổ chức cơ sở đảng (402 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) 8.023 đảng viên. Thực hiện Quyết định số 256, ban hành ngày 19-8-2011 của Tỉnh ủy Hà Giang về việc ban hành Đề cương nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên Đảng bộ tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015, Ban Thường vụ Huyện uỷ Bắc Quang đã chủ động xây dựng Kế hoạch số 53-KH/HU, ngày 11-11-2011 về việc cụ thể hoá nội dung Đề cương của Tỉnh uỷ Hà Giang và thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy đảng quan tâm duy trì nền nếp sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, coi đó là một trong những nội dung quan trọng quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ.

Cùng với việc tiếp tục quán triệt Chị thị số 10 của Ban Bí thư Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Huyện ủy đã lựa chọn 4 đảng bộ xã và 2 đảng bộ cơ quan làm điểm công tác lãnh đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các đảng bộ này tiếp tục chọn một trong các chi bộ trực thuộc làm thí điểm. Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp theo dõi, hướng dẫn các đơn vị làm điểm về cách chuẩn bị, xây dựng đề cương, nội dung, cách ghi biên bản, xây dựng nghị quyết của chi bộ… Hằng năm, Huyện ủy chỉ đạo các ban xây dựng đảng phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cách thức điều hành sinh hoạt chi bộ.

Sơ kết tại các đơn vị làm điểm cho thấy, chất lượng sinh hoạt chi bộ tại các đơn vị này được nâng lên rõ rệt. Trong sinh hoạt chi bộ đã tạo được không khí cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, phát huy được tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của mỗi đảng viên; tăng cường đoàn kết, thống nhất cả tư tưởng và hành động của chi bộ để lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội. Mỗi kỳ sinh hoạt, các chi bộ đã lựa chọn nội dung để tập trung bàn thảo, trong đó chú trọng làm rõ phương hướng thực hiện nghị quyết của chi bộ. Mỗi đảng viên đều được phân công nhiệm vụ cụ thể. Thông qua kiểm điểm nhiệm vụ của đảng viên trong mỗi kỳ sinh hoạt, chi bộ nắm chắc tình hình đời sống kinh tế, xã hội của địa phương, từ đó ra được nghị quyết sát hợp, cụ thể, có tính khả thi cao.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị làm điểm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Huyện ủy Bắc Quang rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, chi bộ phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt theo Điều lệ Đảng. Trong đó thực hiện đúng quy định về tổ chức và sinh hoạt đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và.tính chiến đấu. Trong sinh hoạt kịp thời phổ biến, quán triệt nghị quyết và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước cho đảng viên; tập trung thảo luận và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và quần chúng.

Hai là, trước mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, chi uỷ mà trước hết là bí thư chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung, trong đó chú trọng một số vấn đề sau:

- Đánh giá tình hình tư tưởng và diễn biến tư tưởng của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ trong tháng, tình hình đảng viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ được cấp uỷ cấp trên và chi bộ phân công.

- Tổng hợp ý kiến của đảng viên, quần chúng đóng góp cho sự lãnh đạo của chi bộ, vai trò tiền phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan đơn vị và thông báo để chi bộ biết, nhằm phát huy ưu điểm, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục khuyết điểm, giải quyết kịp thời những vụ việc phát sinh.

- Việc xác định nhiệm vụ của chi bộ trong tháng tới cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, cụ thể, bức xúc trước mắt, đồng thời phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng của đảng viên để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.

Ba là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, đặc biệt là bí thư chi bộ. Đây là vấn đề quan trọng trong việc bảo đảm vai trò lãnh đạo của chi bộ. Đội ngũ cấp ủy viên và bí thư chi bộ phải thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác đảng, cách thức điều hành sinh hoạt chi bộ.

Bốn là, thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng, cấp ủy phải nắm được tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng những đảng viên có thành tích xuất sắc và giúp đỡ, giáo dục, xử lý những đảng viên còn thiếu sót, khuyết điểm hoặc vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng và tiêu chuẩn đảng viên.

Năm là, ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, tùy điều kiện nhiệm vụ cụ thể, chi ủy cần lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên về chấp hành chế độ sinh hoạt chi bộ. Kiểm tra việc sinh hoạt định kỳ hoặc đột xuất qua làm việc trực tiếp với cấp ủy, với toàn thể đảng viên hoặc kiểm tra qua sổ ghi biên bản họp chi bộ, qua đó góp phần giúp chi bộ thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Kịp thời biểu dương những chi bộ tiêu biểu, giới thiệu kinh nghiệm giữa các chi bộ, uốn nắn những lệch lạc trong sinh hoạt, trên cơ sở đó có biện pháp chỉ đạo sát hợp, hiệu quả.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất