Công tác tổ chức là một nghề quan trọng

1. Tổ chức và công tác tổ chức có vị trí, vai trò quan trọng

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin và Đảng ta từ lâu đã khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức và công tác tổ chức trong sự phát triển của xã hội và con người. Qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng Nga, V.I.Lê Nin đã rút ra kết luận: “Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là tổ chức” (1) và khi đã giành được chính quyền, toàn bộ nhiệm vụ của đảng cầm quyền là “…tổ chức, tổ chức và tổ chức” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, trong đó có lĩnh vực hoạt động quan trọng là xây dựng tổ chức và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp với truyền thống dân tộc và thực tiễn Việt Nam. Trong từng thời kỳ kháng chiến và kiến quốc, xây dựng và phát triển đất nước, ngoài việc đề ra phương hướng, nhiệm vụ cách mạng đúng đắn, Người và Đảng ta đã dành nhiều công sức cho việc xây dựng đảng lãnh đạo và các tổ chức quản lý, đoàn thể nhân dân xung quanh Đảng, xây dựng chính quyền cách mạng và hệ thống các tổ chức doanh nghiệp, sự nghiệp từ trên xuống dưới. Sau hơn nửa thế kỷ lãnh đạo thành công cách mạng Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã khẳng định: “Tổ chức là một khâu quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng” (3).

2. Tổ chức là gì và hoạt động như thế nào?

Đây là một vấn đề rộng lớn, đầy khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải đầu tư công sức nghiên cứu công phu. Đồng chí Lê Duẩn đã từng định nghĩa: “Tổ chức, nói rộng ra là cơ cấu tồn tại của sự vật, hiện tượng. Sự vật và hiện tượng không thể tồn tại mà không có một hình thức liên kết nhất định các yếu tố thuộc nội dung. Tổ chức, vì vậy, là thuộc tính của bản thân các sự vật và hiện tượng” (4). Định nghĩa trên có ý nghĩa triết học sâu sắc, bao quát cả phần tự nhiên và xã hội loài người. Trong xã hội loài người có con người (cộng đồng) là có tổ chức. Vì vậy, có thể nói tổ chức là hình thức tập hợp, liên kết các thành viên trong xã hội (cá nhân, tập thể) nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của các thành viên, cùng nhau hành động vì lý tưởng, mục tiêu chung. Trong xã hội hiện đại, các tổ chức thường được chia ra: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, tổ chức kinh tế, văn hóa, vũ trang… nhà nước quản lý về tổ chức và hoạt động của các tổ chức trong xã hội bằng pháp luật.

Để tồn tại và phát triển, một tổ chức phải xác định rõ các tiêu chí: lý tưởng, sứ mệnh, mục tiêu phấn đấu, quy mô của tổ chức, cơ cấu thiết chế của tổ chức, nội dung công việc, các điều kiện để tồn tại và phát triển… Sự hình thành và phát triển của tổ chức còn chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố khách quan, được coi là những quy luật cơ bản của tổ chức:

- Đó là quy luật mục tiêu rõ ràng và tính hiệu quả của tổ chức.Để xác định được hiệu quả của tổ chức, phải làm rõ ba yếu tố: yếu tố đầu vào, yếu tố quản lý vận hành và yếu tố kết quả. Yếu tố vận hành, quản lý của người lãnh đạo tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng.

 - Đó là  quy luật hệ thống: một tổ chức bao giờ cũng được đặt vào trong hệ thống của nó và hệ thống đó lại được đặt vào trong một hệ thống lớn hơn bao trùm lên nó. Trong hệ thống tổ chức, cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và các mối quan hệ ngang, dọc (cùng cấp và các cấp) của tổ chức. Các tổ chức cùng cấp tạo nên cơ cấu hệ thống ngang. Tổ chức các cấp trong hệ thống tạo nên cơ cấu hệ thống dọc.

Đó là quy luật cấu trúc đồng nhất và đặc thù. Một tổ chức là hệ thống của các tổ chức hợp thành, đồng thời lại là tổ chức của hệ thống lớn hơn. Các tổ chức hợp thành phải có cấu trúc đồng nhất và đó chính là điều kiện hình thành hệ thống tổ chức. Bên cạnh đó, tính đặc thù cũng tạo nên sắc thái, truyền thống của tổ chức. Tuy vậy, trong một hệ thống có quá nhiều tổ chức đặc thù thì sự liên kết trong hệ thống sẽ rất phức tạp và việc điều hành sẽ rất khó khăn.

Đó là quy luật vận động không ngừng và vận động theo quy trình. Hoạt động là điều kiện tồn tại của tổ chức và đó là sự hoạt động liên tục, toàn thể, từ những bộ phận hợp thành đến toàn bộ hệ thống. Tổ chức vận hành theo quy trình, được quy định trong điều lệ, quy chế, nội quy của từng tổ chức. Khi thiết kế tổ chức, ngoài thiết kế hệ thống, còn phải xác định cơ chế vận hành của hệ thống tổ chức, bảo đảm vận hành không ngừng và theo đúng quy trình.

Đó là quy luật tự điều chỉnh của tổ chức. Tổ chức hoạt động trong một môi trường nhất định, khi môi trường có sự thay đổi thì tổ chức phải tự điều chỉnh để thích ứng. Những cơ chế quản lý, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hệ thống sẽ tạo điều kiện và cho phép tổ chức tự điều chỉnh.

Tóm lại, tổ chức là một đơn vị xã hội, được điều phối một cách có ý thức, có phạm vi tương đối rõ ràng, hoạt động nhằm đạt được một hoặc nhiều mục đích chung do tổ chức đó định ra. Khi đã hình thành tổ chức thì phải có hoạt động quản lý, một hoạt động bắt nguồn từ sự phân công, hợp tác lao động, nhằm đạt tới hiệu quả nhiều hơn, năng suất cao hơn trong công việc, đòi hỏi phải có sự chỉ huy, phối hợp, điều hành, kiểm tra, chỉnh lý và nhất thiết phải có người đứng đầu. Trong tổ chức, nhân tố quyết định nhất, năng động nhất là con người. Cuộc sống, hoạt động của con người là ở trong tổ chức, trong guồng máy hoạt động của tổ chức. Chỉ có trong tổ chức và thông qua tổ chức, thông qua quan hệ với những người khác, bộ phận khác và với sự vật, phương tiện làm việc, con người mới biểu hiện rõ vai trò chủ thể của mình và mới thấy rõ mình có thể làm được những gì. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh (Biên niên tiểu sử, tập 8, do NXB Chính trị quốc gia ấn hành năm 1996 ngày 23-10-1962), họp Bộ Chính trị bàn về công tác tổ chức, Bác đã nêu rõ: Tổ chức trước hết là con người.

Công tác tổ chức là những việc làm để tập hợp nhiều người lại với nhau, xây dựng cơ cấu bộ máy làm việc, định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng người, từng bộ phận trong tổ chức, đưa ra khỏi tổ chức những người không phù hợp, bổ sung thêm người mới hay còn thiếu, đề ra chương trình, kế hoạch và cách thức hành động của các thành viên, để tổ chức hoạt động được nhịp nhàng, ăn khớp với nhau và đạt hiệu quả…

3. Công tác tổ chức là một nghề quan trọng.

Nói đến nghề, chúng ta phải thống nhất nhận thức một cách chung nhất, khái quát nhất rằng nghề là công việc chuyên môn được tiến hành theo sự phân công lao động của xã hội, có nghề thuộc lĩnh vực hoạt động công nghệ, có nghề thuộc lĩnh vực hoạt động xã hội. Song, nghề gì thì lại gắn với những hành động, hoạt động tương đối cụ thể và có những tên gọi cụ thể. Theo ý nghĩa đó, công tác tổ chức đương nhiên phải là một nghề và là một nghề quan trọng quan hệ đến tất cả các lĩnh vực hoạt động trong đời sống xã hội, không trừ một ngành nào, cấp nào, địa phương nào, đơn vị nào; một nghề mà những nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, từ cao đến thấp, từ rộng đến hẹp, từ cấp vĩ mô đến cấp nhỏ nhất, đều phải am hiểu, nắm chắc và chỉ đạo thật sít sao trong suốt quá trình từ xác định đường lối, chủ trương, chính sách đến tổ chức thực tiễn, biến chúng thành hiện thực.

Tổ chức và công tác tổ chức có nội dung và phạm vi hoạt động tương đối rộng lớn, liên quan đến tất cả các cấp từ Trung ương tới cơ sở và tất cả các ngành từ chính trị, xã hội, văn hóa đến kinh tế, an ninh, vũ trang…Cấp nào, ngành nào, cơ sở nào cũng phải xây dựng bộ máy tổ chức và triển khai công tác tổ chức trong phạm vi quản lý của mình. Do vậy, cán bộ làm công tác tổ chức đòi hỏi phải có hiểu biết và kinh nghiệm chuyên sâu công tác tổ chức về cấp và ngành hoặc cơ sở mà mình tham gia hoặc đảm nhiệm. Trong cả nước, có hai cơ quan làm công tác tổ chức -nhân sự có hệ thống tổ chức từ trung ương tới cơ sở hoặc cấp huyện. Ban Tổ chức Trung ương Đảng làm công tác tổ chức xây dựng đảng và nhân sự cấp cao của hệ thống chính trị (gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, ngành trung ương và lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Bộ Nội vụ làm công tác tổ chức Nhà nước (chính quyền) và nhân sự thuộc hệ thống chính trị. Bộ trưởng Bộ nội vụ kiêm nhiệm chức danh Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng để phối hợp công tác về lĩnh vực xây dựng tổ chức bộ máy và nhân sự theo thẩm quyền được giao. Dù làm công tác tổ chức ở cấp nào, ngành nào, cán bộ tổ chức đều phải hiểu rõ những tiêu chí chung nhất về điều kiện tồn tại, hoạt động của tổ chức và những quy luật vận động của tổ chức. Người lãnh đạo quản lý ở các cấp, cách ngành, thậm chí các cơ sở, hơn ai hết, phải am hiểu và nắm vững những tiêu chí, những quy luật của tổ chức. Có như vậy mới tránh được những sai sót trong việc xây dựng mới hoặc tách, nhập tổ chức cũ; mới chỉ đạo và sử dụng có hiệu quả  kiến thức, kinh nghiệm của những người làm công tác tổ chức, những người hằng ngày tham mưu và giúp mình triển khai những chủ trương, chính sách về lĩnh vực tổ chức.

Nghề viết báo về xây dựng tổ chức đảng

Năm 1958, tôi được điều động về Tạp chí Học tập (tiền thân của Tạp chí Cộng sản ngày nay), một lĩnh vực hoạt động hoàn toàn mới. Vốn liếng ban đầu của tôi lúc này là ý thức sẵn sàng làm bất cứ việc gì được giao. Có sở trường về môn văn, đọc thông viết thạo tiếng Trung…Tôi được phân công làm ở bộ phận Học tập- Tài liệu dịch, chuyên dịch một số bài viết trên tạp chí của các đảng cộng sản Liên Xô, Trung Quốc, Pháp…, một tập san đồng hành cùng Tạp chí Học tập và tham gia công việc của Tiểu ban biên tập về xây dựng Đảng. Được các bậc đàn anh chỉ dẫn, tôi đã bước đầu tìm hiểu kỹ công tác xây dựng đảng qua các văn kiện Đại hội II Đảng Lao động Việt Nam, những nguyên lý xây dựng đảng mác-xit do J.Stalin tổng kết qua hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Bác…và xây dựng được chuyên đề tư liệu về Đảng.

Năm 1964, tôi được điều về Ban Tổ chức Trung ương Đảng, tham gia chuẩn bị tư liệu và các điều kiện hình thành hai cơ quan sự nghiệp trực thuộc Ban là Trường tổ chức - kiểm tra trung ương và Tạp chí Xây dựng Đảng. Và từ 1965, tôi chính thức là thành viên của Tạp chí Xây dựng Đảng, trực tiếp viết và biên tập những bài báo về công tác xây dựng đảng. Là một lính mới trong nghề làm báo, vì trước đó chưa được đào tạo về viết báo. Vừa làm vừa học ngay trong công tác chuyên môn hàng ngày theo sự hướng dẫn của cán bộ lãnh đạo tạp chí và một số đồng chí lãnh đạo Ban mà trực tiếp là đồng chí Vũ Oanh, qua nghiên cứu những tư liệu sẵn có tại cơ quan và những bài giảng của trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, trường tổ chức – kiểm tra trung ương…Từ khi về công tác tại Ban tổ chức TƯ, tôi cùng nhiều đồng nghiệp mà phần đông là cán bộ cấp vụ được Ban cho đi học nhiều khóa học tại chức của trường Nguyễn Ái quốc, của Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế- kế hoạch về những nội dung xây dựng hệ thống chính trị, về kiến thức quản lý kinh tế, quản lý khoa học – kỹ thuật dành cho cán bộ trung cấp và cao cấp. Ngoài ra, tôi còn được bồi dưỡng sâu về nghề viết báo qua các lớp học tại chức do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức…

Làm việc tại Ban Tổ chức TƯ, nghề của tôi có tên gọi rõ ràng là làm báo nhưng ban đầu chủ yếu là viết, biên tập về công tác tổ chức xây dựng đảng, nên đòi hỏi phải tìm hiểu, nghiên cứu sâu về công tác xây dựng đảng. Qua thực tiễn họat động của Tạp chí và theo dõi những hoạt động của Ban, nhận thức về công tác tổ chức – nhân sự ngày càng được mở mang thêm: Đảng lãnh đạo xã hội và hệ thống chính trị bằng đường lối, chính sách và công tác tổ chức – nhân sự; nhà nước quản lý các tổ chức bằng pháp luật. Công tác tổ chức gắn liền với công tác lãnh đạo và quản lý, được thể hiện ở tất cả các cấp,  các ngành và các cơ sở thuộc các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhận thức được mở rộng và sâu sắc hơn, việc tuyên truyền trên tạp chí cũng được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực hoạt động, đối với tất cả các hình thức tổ chức được hình thành và phát triển trong xã hội ta.

Tôi ngày càng nhận thức rõ hơn người làm báo về tổ chức xây dựng đảng ít nhất cũng phải hiểu được 80% khối lượng kiến thức cơ bản và công việc chính của cán bộ tổ chức được thể hiện ở những phân tích nêu trên, thì việc tuyên truyền của báo chí mới thể hiện được đầy đủ các tính chất cổ động, giáo dục, chiến đấu vốn có của nó, góp phần vào việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động thực tiễn như các nhà lãnh đạo, quản lý hằng mong mỏi. Ban Tổ chức Trung ương cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tổ chức một cách tích cực, thiết thực và cơ bản hơn.


Song Hà

-----------------------

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, NXb Sự thật, 1963, tập 7, tr.481. (2) V.I.Lênin: Sđd, 1971, tập 27, tr. 297. (3) Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ V của Đảng, NXB Sự thật, 1982, tr. 143. (4) Lê Duẩn: Mấy vấn đề về cán bộ và về tổ chức trong cách  mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, 1973, tr.28.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất