Xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Quảng Ninh

Quảng Ninh là tỉnh biên giới phía Bắc, trong trục tam giác kinh tế phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, những năm qua, kinh tế Quảng Ninh có những bước tăng trưởng mạnh, toàn diện trên các lĩnh vực. 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,1%, đây là mức tăng khá so với bình quân cả nước, kết quả này có sự đóng góp của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN) trong tỉnh.

Đến năm 2011, Quảng Ninh có 7.563 DNNKVNN được cấp giấy chứng nhận kinh doanh (DN siêu nhỏ chiếm 64,1%; DN nhỏ chiếm 33,1%; DN vừa lớn chỉ chiếm 2,8%). Trong đó, 7.481 doanh nghiệp 100% vốn trong nước; 82 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông (71%), du lịch dịch vụ (27,2%) và nông lâm, ngư nghiệp chiếm 1,8%. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đã thu hút 185.363 lao động, đóng góp vào ngân sách địa phương tăng bình quân 34%/năm, chiếm 9,6% tổng số thu cân đối trên địa bàn. DNNKVNN phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, thị xã Quảng Yên các huyện Hoành Bồ, Đông Triều, Vân Đồn... vì cơ sở hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc và vị trí địa lý thuận lợi. Các huyện như Cô Tô, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà có số lượng DNNKVNN ít do hạn chế về cơ sở hạ tầng địa hình và điều kiện giao thông...

Tuy các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh ở Quảng Ninh phát triển khá mạnh, nhưng các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là tổ chức đảng trong doanh nghiệp phát triển chậm, chưa tương xứng. Số liệu khảo sát gần đây cho thấy, trong số 7.563 DNNKVNN mới có 97 tổ chức cơ sở đảng, với 3.976 đảng viên, trong đó có 3.699 đảng viên trong doanh nghiệp 100% vốn trong nước, 104 đảng viên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 78 doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng (TCĐ) với 173 đảng viên sinh hoạt ở các chi bộ khu dân cư. Có 124 chủ doanh nghiệp là đảng viên, số đảng viên là chủ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hầu hết từ các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang, được cổ phần hoá, hoặc cán bộ hưu trí.

Việc phát triển tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng hoạt động, vai trò của TCĐ chưa cao; nội dung, phương thức lãnh đạo còn lúng túng; việc xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động còn hạn chế, đôi khi thụ động, duy trì sinh hoạt chi bộ chưa nền nếp, hình thức chưa phong phú, sát thực.

Từ thực tế trên, đồng thời với việc hoạch định để phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định tiếp tục thực hiện đúng quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng về xây dựng TCĐ trong DNNKVNN. Cụ thể là thực hiện tốt Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân"; Kết luận số 80-KL/TW, ngày 09-7-2010 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (Khoá VIII) trong tình hình mới; Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 16-4-2008 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa X)... Phát triển TCĐ trong DNNKVNN ở tỉnh Quảng Ninh nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong khu vực doanh nghiệp phát triển đúng hướng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với lực lượng lao động đông đảo trong DNNKVNN, đưa đường lối chủ trương, chính sách tới người lao động, động viên họ hăng hái lao động sản xuất, tăng năng suất. Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động đề đạt với Đảng, qua đó Đảng đưa ra những chủ trương, chính sách đúng ý Đảng, hợp lòng dân, nhằm góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để phát huy vai trò lãnh đạo TCĐ trong DNNKVNN, Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cấp ủy viên các cấp, chủ doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên về vai trò và sự cần thiết xây dựng TCĐ trong DNNKVNN trên địa bàn tỉnh.

2. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt của TCĐ trong DNNKVNN ở tỉnh Quảng Ninh.

3. Tổ chức tốt các phong trào thi đua tạo môi trường cho quần chúng hoạt động, phấn đấu, từ đó phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, làm tốt công tác phát triển đảng viên, thành lập các TCĐ trong các doanh nghiệp chưa có TCĐ.

4. Xây dựng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa TCĐ với chủ doanh nghiệp, hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp. Cấp uỷ phải xây dựng quy chế làm việc của TCĐ, chú ý mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa cấp uỷ với chủ doanh nghiệp để thống nhất về nội dung và điều kiện đảm bảo cho hoạt động của TCĐ trong doanh nghiệp.

5. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy cấp trên, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của TCĐ. Tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, giúp các doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, có chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể phù hợp, đồng thời giúp giải quyết những vướng mắc, khó khăn của TCĐ trong doanh nghiệp.

Đào Thị Mai Hương
Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Quảng Ninh

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất