Công bố quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021
Quang cảnh Lễ công bố quyết định.

Sáng 7-9, tại Hà Nội, Lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 đã được tổ chức. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phụ trách công tác lý luận của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, học viện, các trường đại học tham dự.

Tại buổi lễ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021. Hội đồng Lý luận Trung ương gồm 44 thành viên, gồm một phó chủ tịch thường trực, ba phó chủ tịch chuyên trách, ba phó chủ tịch, một tổng thư ký và 35 ủy viên. Tiến sỹ Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Chủ tịch Hội đồng nhiệm kỳ 2016-2021.

Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng.

Hội đồng có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu một số đề tài do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao hoặc do Hội đồng đề xuất được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chấp thuận; đồng thời kế thừa, chắt lọc kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu khác để thực hiện tốt chức năng tư vấn và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Hội đồng Lý luận Trung ương thẩm định những vấn đề mà các ngành, các cấp trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng; nghiên cứu, đề xuất những luận cứ về lý luận đấu tranh và trực tiếp tham gia đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Hội đồng Lý luận Trung ương giữ mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản và đảng cầm quyền trên thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh phải "tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Đồng chí Đinh Thế Huynh yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, theo phương châm "lấy thực tiễn làm điểm xuất phát và điểm đến của nghiên cứu lý luận," nhằm nâng cao chất lượng tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng. Hội đồng phải có chương trình kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, tổng kết thực tiễn thật sự khoa học và thiết thực về những vấn đề liên quan, nhất là những mô hình mới, những vấn đề mới, những vấn đề đang có nhận thức và quan điểm khác nhau”.

Căn cứ vào Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và những nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ, Hội đồng Lý luận Trung ương cần chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình công tác trong cả nhiệm kỳ, hằng năm và hằng quý. Hội đồng cần tập trung đi sâu nghiên cứu, tổng kết những vấn đề quan trọng, mới được nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng và những vấn đề bức thiết đặt ra từ thực tiễn phát triển đất nước để tư vấn với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng các nghị quyết, quyết định, kết luận của Đảng, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Hoa Hiền

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất