Đồng Tháp sắp xếp, kiện toàn tổ chức một số loại hình cơ sở đảng
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh về công tác xây dựng đảng.
Tỉnh ủy Đồng Tháp vừa sơ kết 3 năm thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức một số loại hình tổ chức cơ sở đảng theo Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 9-3-2010 của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng.                    

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp có Kế hoạch số 64-KH/TU ngày 13-5-2013 về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng ở 3 đơn vị gồm: Đảng bộ cơ sở các cơ quan Nội chính huyện Thanh Bình; Đảng bộ cơ sở các cơ quan đoàn thể huyện Lấp Vò; Đảng bộ cơ sở các cơ quan đảng huyện Cao Lãnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai, quán triệt tới các ban, cơ quan của huyện uỷ, các cấp uỷ và đảng viên trong chi, đảng bộ chủ trương thí điểm mô hình, đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.                    

Qua 3 năm triển khai thực hiện, các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức cơ sở đảng nhằm thu gọn đầu mối, phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị; bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.                  

Việc thành lập đảng bộ cơ sở các cơ quan đã giảm được đầu mối tổ chức cơ sở đảng trực thuộc huyện uỷ; giảm từ 5-7 tổ chức cơ sở đảng xuống còn 1 tổ cơ sở chức đảng. Các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở các cơ quan, cơ cấu các đồng chí bí thư chi bộ trực thuộc hầu hết là uỷ viên ban chấp hành đảng bộ; công tác chỉ đạo, điều hành của đảng uỷ được tập trung và thống nhất, tạo được sự đồng thuận của các ngành trong từng khối. Các chi bộ trực thuộc được hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của cấp trên nên hoạt động từng bước ổn định, đi vào nền nếp, tạo sự thống nhất chung trong tổ chức, hoạt động và sinh hoạt Đảng. Cơ cấu tổ chức, nhân sự của đảng uỷ các cơ quan đảng, đoàn thể là phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đặc thù của mỗi đơn vị gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn, có chức năng chung tham mưu ban thường vụ huyện uỷ về công tác xây dựng đảng, công tác vận động quần chúng. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được tập trung về một đầu mối, tạo sự thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của thường trực, ban thường vụ huyện uỷ.                          

Các đảng uỷ đã xây dựng quy chế làm việc phù hợp, đúng chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 98-QĐ/TW ngày 22-3-2004 của Ban Bí thư (khóa IX) về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan; quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng uỷ, ban thường vụ đảng uỷ và từng đồng chí đảng viên; mối quan hệ làm việc giữa các đồng chí trong đảng uỷ, chi bộ với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được nhịp nhàng.                   

Công tác triển khai, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên được nhanh chóng, kịp thời đến tất cả cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung, qua đó giúp đảng viên trong các chi bộ thực hiện nhiệm vụ được giao kịp thời, hiệu quả; lãnh đạo, điều hành của đảng uỷ có sự tập trung, chủ động phân công từng cấp uỷ viên phụ trách, giám sát thường xuyên đối với các chi bộ trực thuộc thực hiện nghị quyết của đảng bộ huyện, của đảng uỷ và nhiệm vụ chính trị của đơn vị.                      

Công tác quản lý, phân công đảng viên được thực hiện sâu sát hơn; lãnh đạo tổ chức đánh giá cán bộ, công chức, đánh giá chất lượng chi bộ, đảng viên đúng quy định. Làm tốt công tác giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên. Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, công tác cán bộ, giới thiệu kết nạp đảng viên. Các  cấp ủy quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng gắn việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh. Công tác kiểm tra, giám sát từng bước đi vào nền nếp, tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.                      

Ngoài những ưu điểm chung nêu trên, từng đơn vị có những ưu điểm riêng. Đối với Đảng uỷ cơ sở các cơ quan đảng huyện Cao Lãnh: Tập trung đầu mối đã giúp Đảng uỷ thuận lợi trong lãnh đạo toàn diện các mặt hoạt động của khối, nhất là công tác tham mưu cho thường trực, ban thường vụ huyện uỷ về công tác xây dựng đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Tạo điều kiện để đảng viên phát huy năng lực chuyên môn, động viên giúp đỡ khi gặp khó khăn, kịp thời chấn chỉnh biểu hiện lệch lạc, định hướng tư tưởng, động viên từng đồng chí để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với Đảng uỷ cơ sở các cơ quan đoàn thể huyện Lấp Vò: Kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng. Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia vào các tổ chức đoàn thể, tập hợp quần chúng vào tổ chức có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trọng tâm là tổ chức tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... Đối với Đảng uỷ cơ sở các cơ quan Nội chính huyện Thanh Bình: Giảm đầu mối, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo của người dân, nhất là các vụ khiếu nại đông người liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, các quyết định hành chính về giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn, tổ chức các cuộc thanh tra đạt kế hoạch đề ra...
                           

Tuy nhiên, đã bộc lộ một số hạn chế: Các đồng chí bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ đảng uỷ, đảng uỷ viên, uỷ ban kiểm tra đảng uỷ, hầu hết đều là trưởng, phó các cơ quan trong khối nên sắp xếp họp ban chấp hành đảng bộ hằng tháng đôi khi còn bị động về thời gian; tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhiều, lại kiêm nhiệm các chức vụ của đảng nên ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành đảng bộ có lúc thiếu tập trung, có lĩnh vực còn hạn chế (Đảng uỷ các cơ quan đảng huyện Cao Lãnh). Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đảng uỷ gặp khó khăn do nhiệm vụ chuyên môn khác nhau; ngoài việc thực hiện nhiệm vụ do cấp uỷ huyện giao còn phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do tỉnh triển khai,t ừ đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong khối đôi khi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ (Đảng uỷ các cơ quan đoàn thể huyện Lấp Vò). Công việc văn phòng đảng uỷ nhiều, cán bộ làm công tác văn phòng lại kiêm nhiệm nên đến chất lượng tham mưu và tiến độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng uỷ còn hạn chế. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động của đảng uỷ còn gặp khó khăn như: kinh phí phục vụ hội nghị, văn phòng phẩm, khen thưởng… kể cả cơ sở vật chất phục vụ cho việc quản lý hồ sơ, lý lịch đảng viên. Mỗi chi bộ có chức năng, nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, đảng uỷ không lãnh đạo được công tác chuyên môn của từng chi bộ, công tác nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên cuối năm gặp nhiều khó khăn, vì không nắm được mức độ hoàn thành nhiệm vụ (Đảng uỷ các cơ quan Nội chính huyện Thanh Bình).                     

Nguyên nhân hạn chế do quy chế hoạt động của từng đảng uỷ chưa được hoàn thiện, các ngành có chức năng, nhiệm vụ khác nhau trực thuộc ngành dọc nên trong lãnh đạo, điều hành của đảng uỷ về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Hầu hết các đồng chí cấp uỷ viên của đảng bộ là thủ trưởng của các cơ quan đảng, đoàn thể và nội chính hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi đơn vị đều khác nhau, nên thường bị động về thời gian trong phối hợp thực hiện nghị quyết cũng như sinh hoạt cấp uỷ.  Cấp uỷ cơ sở đối với loại hình đảng bộ cơ quan khối không có cán bộ chuyên trách, phải phân công kiêm nhiệm các chức vụ của đảng bộ, do đó chưa tập trung và dành nhiều thời gian để thực hiện tốt công tác nghiệp vụ đảng viên.                  

Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội và công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác đảng viên.
                       

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về hình thức, nội dung sinh hoạt chi bộ, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, phương pháp tổ chức sinh hoạt chi bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; có giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ chi bộ.                  

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức lối sống, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt chi bộ, vai trò người đứng đầu, trách nhiệm của từng cấp uỷ viên, thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; rà soát, bổ sung quy chế làm việc của đảng uỷ phù hợp với tình hình thực tế của từng đảng bộ; tiếp tục thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất